Tận tâm gieo chữ ở vùng khó

20/11/2020 09:51

Để nuôi con chữ, thắp sáng ước mơ cho học sinh vùng khó, dù nắng hay mưa, dù đêm hay ngày những người thầy cô giáo vùng sâu Tu Mơ Rông vẫn vượt mọi khó khăn, tận tâm, tận lực vì sự nghiệp trồng người.

Từ tờ mờ sáng, xuất phát từ thành phố Kon Tum nhưng phải đến gần trưa mới đến được Ngọc Yêu. Vượt đỉnh Măng Rơi trong làn mưa mù, mây giăng phủ kín đỉnh núi. Từ trung tâm huyện Tu Mơ Rông, chúng tôi phải vượt thêm 30km nữa mới đến được Trường PTDTBT TH-THCS Ngọc Yêu. Dù là vùng sâu nhất huyện thế nhưng trường lại có tỉ lệ học sinh đến lớp cao nhất - đạt 100% sĩ số. Để có được kết quả đó, các thầy cô ở ngôi trường này phải căng mình đi vận động học sinh.

Theo lời kể các thầy cô giáo ở vùng sâu Ngọc Yêu, cả xã có 8 thôn làng, với hàng nghìn ngôi nhà thì gần như những giáo viên bám làng nơi đây đều quen từng góc bếp, nóc nhà. Cũng phải thôi, suốt bao năm họ vẫn luôn miệt mài đến từng thôn làng, gõ cửa từng mái nhà vận động học sinh ra lớp. Bất kể mưa hay nắng, ngày hay đêm, họ vẫn tận tụy bám trường, bám lớp, dạy từng con chữ con em đồng bào dân tộc thiểu số Xơ Đăng với mong ước sau này các em trở thành người có ích cho xã hội.

Dù đường sá đi lại khó khăn, thầy cô giáo vẫn đội mưa đến nhà vận động học sinh ra lớp. Ảnh: VP

 

“Thời gian thầy cô đi vận động đúng vào mùa mưa, đường đất thì trơn như đổ mỡ. Các thầy cô bị ngã xe là chuyện như cơm bữa. Thế nhưng, cứ dựng xe dậy rồi lại đi vận động tiếp. Những hôm mưa xối xả, tối mặt tối mũi nhưng để các em không bỏ học các thầy cô vẫn cố mặc áo mưa lên làng. Cũng có hôm mưa lớn quá, các thầy cô ngủ luôn tại nhà học trò. Người dân Ngọc Yêu coi thầy cô giáo như người con của làng” - thầy Hoàng Văn Hải, Hiệu trưởng Trường PT DTBTTH-THCS Ngọc Yêu chia sẻ.

Tương tự, xã Tu Mơ Rông có 8 thôn thì hầu hết là khó đi. Thôn xa nhất là thôn Đăk Neng cách trường gần 10km. Các thôn khác như Đăk Chum II, Đăk Ka cách trung tâm xã gần 7 km. Đường sá đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa chỉ đi bộ. Ấy vậy mà đội ngũ hàng chục thầy cô giáo của ở Tu Mơ Rông hàng ngày vẫn lặn lội đến từng thôn, vào từng nhà đi vận động học sinh ra lớp.

Theo cô Nông Thị Hồng (26 tuổi, giáo viên ở Trường PTDTBT TH Đăk Tờ Kan) cho hay, trong 2 năm công tác tại xã Tu Mơ Rông, cả 8 thôn làng trong xã, kể cả làng xa nhất là Đăk Neng, cô Hồng cũng đã từng đội mưa, lội bùn đến từng nhà vận động học sinh đến trường.

Đội ngũ giáo viên ở Tu Mơ Rông luôn tận tụy vì sự nghiệp giáo dục. Ảnh: VP

 

Cô giáo Hồng kể, nhà ở mãi dưới huyện Đăk Tô, bị ngăn cách với huyện Tu Mơ Rông bằng đèo Văn Rơi dựng đứng. Năm 2017, cô Hồng ra trường rồi lên huyện Tu Mơ Rông gieo chữ. Dù mới chỉ gắn bó với học sinh nơi đây 2 năm thế nhưng cô được học trò tin yêu. Thời gian đầu mới vào nhìn thấy đường sá đi lại khó khăn, vất vả, mưa rừng và gió núi khiến cô nhớ nhà da diết. Có những đêm cô Hồng thức trắng vì lạnh và... nhớ mẹ. Tuy nhiên, khi thấy các em học sinh nơi đây còn nghèo khổ, cô đành giấu lòng mình đi mà tiếp tục công tác, gieo con chữ. Cô muốn dạy cho các em biết con chữ để giúp đỡ gia đình và xa xôi hơn nữa là thoát cảnh nghèo.

Tương tự, thầy Cao Văn Khánh (giáo viên Trường PTDTBT TH xã Đăk Na) đã có thâm niên 6 năm gắn bó với các ngôi trường quanh năm sương mù bao phủ này ở Tu Mơ Rông. Quê ở mãi Quảng Bình, năm 2013 sau khi ra trường thầy Khánh lặn lội về Trường PTDTBTTH Tu Mơ Rông giảng dạy rồi gắn bó ở điểm trường xa nhất nằm trên vách núi Đăk Neng cách trường chính khoảng 10km. Giờ đây, thầy Khánh tiếp tục gắn bó với một trong những xã xa nhất là Đăk Na.

Nhớ lại quãng thời gian đầu vào nghề, thầy Khánh cho hay: Khi đó, đường dẫn vào trường còn lầy lội và khó khăn hơn bây giờ. Ban đầu thầy phải mò mẫm, hỏi thăm người dân để tìm đường vào trường. Có những hôm đi vận động bị lạc đường thầy phải nhờ học sinh dẫn quay về điểm trường. Cơn mưa rừng thấu xương hay bị vắt cắn chảy máu thầy đã từng trải qua hết. Có lúc thầy Khánh tưởng chừng như mình không thể vượt qua được, nhưng khi được bố mẹ và thầy cô trong trường động viên và sự quý mến của học sinh thì thầy lại cố gắng để dạy chữ cho các em.

Không chỉ đến từng ngõ, gõ từng nhà vận động học sinh ra lớp, đội ngũ thầy cô giáo ở vùng khó huyện Tu Mơ Rông còn chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ cho học sinh bán trú để duy trì sĩ số, bảo đảm sức khỏe và nâng cao chất lượng. Vì điều kiện còn khó khăn, đội ngũ thầy cô giáo ở vùng khó Tu Mơ Rông phải xắn tay, phân công, chia nhau lo cho các em từng bữa cơm tươm tất. Hàng ngày, họ phân công nhau cùng nấu phục vụ học sinh, kể cả Ban giám hiệu. Một số em học sinh phụ giúp bằng cách nhặt mớ rau, bóc củ hành, củ tỏi…

Thầy A Phiên (53 tuổi, giáo viên Trường PTDT BTTH- THCS xã Tu Mơ Rông) tâm sự: “Nấu ăn cho học sinh cũng như nấu ăn cho mình. Nhìn thấy các em ăn bữa cơm ngon, nóng, bảo đảm sức khoẻ, học hành tiến bộ, anh em giáo viên tuy chịu cực một chút nhưng ai cũng vui lòng”.

Thầy A Phiên chăm lo bữa ăn cho học trò. Ảnh: VP

 

“Năm nay mình 53 tuổi rồi, mình chỉ mong có thật nhiều sức khỏe để chăm lo bữa cơm, truyền dạy lại cho các em học sinh. Ước gì mình có điều kiện tốt hơn thì có thể lo được cho học sinh nhiều hơn. Khi đó các em sẽ không còn vất vả, đói hay lạnh khi đến trường học con chữ. Tương lai của các em sẽ xán lạn hơn khi có kiến thức để phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương” - thầy Phiên chia sẻ.

Với cô giáo Hồ Thị Thùy Vân- Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông) suốt 20 năm gắn bó với nghề, niềm vui với cô là thấy học trò đến lớp đầy đủ.

Cô Vân tâm sự: “Niềm vui nhất của tôi trong suốt 20 năm gắn bó với nghề giáo là được thấy học sinh đến lớp đầy đủ và tiến bộ trong học tập. Mặc dù trải qua nhiều khó khăn, vất vả nhưng tôi luôn nhìn vào học trò để tạo niềm vui cho bản thân. Được nhìn gương mặt ngây thơ, cảm nhận được tình cảm của học trò giành cho mình là điều hạnh phúc nhất đối với tôi”.

Với sự tận tụy của đội ngũ những người thầy, người cô ở vùng rừng núi Ngọc Linh Tu Mơ Rông không chỉ trong công tác giảng dạy mà còn trực tiếp vào bếp lo từng bữa ăn cho học sinh nhằm giúp các em một bữa ăn bảo đảm, từ đó giúp việc học tập tốt hơn. Dù khó khăn vậy, nhưng vì trách nhiệm, lương tâm, đội ngũ người thầy người cô vẫn ngày đêm cố gắng vì sự nghiệp gieo con chữ. Tất cả việc làm đó mục tiêu chính nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục.

Thầy An Văn Sáu - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tu Mơ Rông cho biết: Nhờ sự tận tụy của đội ngũ giáo viên nên tỷ lệ học sinh chuyên cần và việc duy trì sĩ trên địa bàn ngày càng cao. Chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số cũng ngày càng nâng cao.

Khó có thể nói hết được những khó khăn, vất vả, sự tận tụy của người thầy cô giáo vùng khó ở Tu Mơ Rông. Nhưng với họ, vì tình yêu nghề, vì sự nghiệp giáo dục và vì thế hệ tương lai của đất nước, họ sẵn sàng hy sinh niềm riêng cho sự nghiệp chung. Và chính sự vượt khó và ước mơ chân thành của em học sinh nơi đây càng tiếp thêm động lực cho những người thầy cô giáo ở vùng khó Tu Mơ Rông vượt qua khó khăn, bám làng tận tụy cống hiến để nuôi mơ ước của các em thành hiện thực. Đó là điều chúng ta trân trọng với những thầy cô giáo ở vùng khó  Tu Mơ Rông.

Văn Phương

Chuyên mục khác