Tản mạn về nghề báo

18/06/2023 06:11

Hơn 30 năm làm báo, tôi có nhiều trải nghiệm đáng nhớ với nghề. Đó là những lần đi tác nghiệp ở cơ sở, những chuyến đi công tác dài ngày trên khắp mọi miền đất nước. Những chuyến đi ấy đã đọng lại trong tôi những kỷ niệm không thể nào quên.

Nhiều người thầm nghĩ, nghề báo rất nhàn hạ. Nhưng ít ai biết, những người làm báo phải vất vả, thậm chí đối diện với những nguy hiểm để đưa những thông tin đến với bạn đọc. Nghề báo có thể mang đến những vinh quang nhất định, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thử thách và cả những “cạm bẫy” đối với người cầm bút.

Nghề báo thường đối mặt với nhiều thách thức, thậm chí phải chịu nhiều áp lực. Trong bối cảnh hiện nay, để nâng cao uy tín, chất lượng, thu hút bạn đọc, mỗi tờ báo đều cạnh tranh khốc liệt để có được thông tin nhanh nhất, chính xác nhất trước một sự kiện, một vấn đề thời sự nóng hổi đang diễn ra, được mọi người trong xã hội quan tâm theo dõi. Như vậy, nhà báo phải đứng trước cả 2 áp lực là bảo đảm tiến độ thời gian nhanh nhất nhưng phải đảm bảo chính xác nhất, điều này đòi hỏi nhà báo phải vững vàng về kỹ năng nghiệp vụ thu thập, xử lý thông tin và cả độ nhạy cảm nghề nghiệp trong quá trình tác nghiệp.

Đoàn nhà báo Kon Tum tác nghiệp trên Tàu Trường Sa 08. Ảnh: C.C

 

Đối với tôi, những chuyến đi cơ sở, thâm nhập thực tế, những lần gặp khó khăn, nguy hiểm khi tác nghiệp giúp cho tôi trưởng thành hơn. Kỷ niệm vui buồn trong nghề với hơn 30 năm cầm bút khó mà kể hết được. Vui cùng niềm vui của những mảnh đời khó khăn, vì đã giúp đỡ họ thông qua những bài viết của mình. Buồn cùng với nỗi mất mát của những mảnh đời bất hạnh, cùng chia sẻ với nỗi đau của người dân trước những hậu quả khôn lường do thiên tai gây ra cho họ mà chúng tôi tận mắt chứng kiến khi chúng tôi tác nghiệp trong bão lụt...

Có những chuyến công tác về với bà con thôn làng, tôi phải đi đến cả ngày đường. Đồng hành cùng chiếc xe máy trèo đèo, vượt suối, băng rừng hàng trăm cây số để tác nghiệp là điều không còn xa lạ với những người làm báo. Nhưng quả thật, mặc dù khó khăn, vất vả, những người làm báo vẫn ngày đêm hăng say với nghiệp cầm bút, vẫn dấn thân trên những vùng đất khó bằng tình yêu nghề mãnh liệt. Để rồi, khi những “đứa con tinh thần” ra đời, được độc giả đón nhận, chúng tôi đều quên hết bao nỗi nhọc nhằn, và cứ thế, tình yêu nghề lại được nhân lên gấp bội.

Nghề báo cũng đã cho tôi những trải nghiệm khó quên. Đó là trải nghiệm khi được sống, tác nghiệp cùng các đồng nghiệp trên khắp mọi miền đất nước, được sống cùng với các cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân qua 12 ngày đêm lênh đênh trên biển cả bao la (vào tháng 1/2019). Qua chuyến công tác đó, tôi mới thấu hiểu được những gian nan của những chiến sĩ đang ngày đêm cầm súng canh giữ, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Hay như chuyến công tác tại tỉnh Quảng Bình vào tháng 10/2013 để tham dự Lễ truy điệu và an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tại Hội trường Tỉnh ủy Quảng Bình sáng 13/10 năm ấy, khi nghe Điếu văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều người đã khóc. Suốt từ sáng đến chiều, hàng chục ngàn người mang theo cờ Tổ quốc và di ảnh Đại tướng, đứng chờ 2 bên đường từ sân bay Quảng Bình vào trung tâm thành phố Đồng Hới với nỗi niềm tiếc thương vô hạn, nước mắt lăn dài trên đôi má để đón và tiễn biệt ông lần cuối trước khi đưa thi hài ông an táng tại Vũng Chùa - Đảo Yến (thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).

Phóng viên tác nghiệp trên Nhà giàn DK1. Ảnh: CC

 

Phải nói là hiện nay, có rất nhiều nhà báo sống bằng cái tâm với nghề, luôn cháy bỏng tình yêu nghề, thích đi khắp nơi, lăn xả hết mình để thử thách khả năng viết lách, thích được thể nghiệm với nhiều đề tài mới lạ. Tác phẩm báo chí của họ vì thế luôn sống rất lâu cùng thời gian, dễ đi vào lòng người, được độc giả đón nhận và tôn trọng.

Thực tế cho thấy, tác phẩm báo chí hiện nay phản ánh khá đa dạng, phong phú về mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Nhiều nhà báo không ngừng đổi mới tư duy, cách nhìn, cách viết sao cho phù hợp với xu thế của báo chí hiện đại, phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Ngoài ra, các nhà báo còn có ý thức học hỏi cách viết, cách chọn đề tài từ các bạn đồng nghiệp, từ nhiều người làm báo lâu năm, có kinh nghiệm trong nghề cầm bút.

 Đi cơ sở, lăn lộn với thực tế để thu thập số liệu, khai thác thông tin vô cùng vất vả và không ít nguy hiểm, nhưng áp lực làm tin, nộp bài đúng kỳ, đúng ngày, đúng giờ cũng đòi hỏi các phóng viên phải nỗ lực rất nhiều. Áp lực về thời gian và chất lượng tác phẩm là áp lực phổ biến nhất mà bất kỳ phóng viên nào cũng phải nỗ lực thực hiện. Nghề báo gian nan, nguy hiểm và vất vả nhưng tôi yêu nghề báo.

Chuyện nghề và những kỷ niệm của người làm báo sẽ khó kể hết trong một bài viết. Nhưng chỉ mong bạn đọc biết rằng, chúng tôi- những người cầm bút luôn cảm thấy vinh dự, tự hào, luôn nỗ lực phấn đấu để có thêm nhiều tác phẩm hay, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.     

Cao Cường

Chuyên mục khác