28/11/2017 06:10
Khi những cơn mưa cuối mùa dùng dằng rồi dứt hẳn, tiết trời chuyển sang cái nắng hanh hao cùng chút se lạnh, đó là lúc những người trồng cà phê bước vào mùa thu hoạch. Thời điểm này, ở khắp các vùng trồng cà phê như Ia Chim (thành phố Kon Tum), huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Đăk Tô, Ngọc Hồi, người dân đang hối hả thu hái quả.
Từ sáng sớm, khắp các ngả đường trong làng, ngoài xóm, người ta đã í ới gọi nhau, lỉnh kinh mang bao bạt và gói theo thức ăn, nước uống đi đến vườn cà phê chín rực hái quả...Ngoài vườn tiếng người gọi nhau, tiếng chuyện trò tíu tít, rôm rả hòa với tiếng rào rào tuốt quả, tiếng cà phê rơi lộp độp trên các tấm bạt trải dưới gốc cây..., mọi người gọi đó là âm thanh của ngày mùa. Trên các nẻo đường, xe tải, xe kéo thi nhau chở từng bao quả cà phê từ vườn, rẫy về nhà.
|
Mùa thu hoạch cà phê, cũng là mùa lao động các nơi kéo về hái cà phê thuê. Lao động từ Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, rồi cả Quảng Bình, Quảng Trị... thi nhau đổ về các vùng trồng cà phê trong tỉnh để làm thuê. Đa số họ đều là người dân nghèo chỉ “nhảy dù” vài tháng mùa thu hoạch để kiếm thêm chút thu nhập, hết mùa hái quả họ lại về quê. Những hình ảnh ấy tạo nên một bức tranh thật rộn ràng, sống động rất riêng của mùa cà phê chín.
Tôi thích rong ruổi qua những rẫy cà phê từ Hà Mòn đến Đăk Ngọk, Đăk Mar (huyện Đăk Hà) rồi đến Ia Chim, Đăk Năng (thành phố Kon Tum) vào mùa quả chín này. Tôi thấy, trong các khu vườn rậm rịch có cả trăm người thấp thoáng, có người quấn khăn bịt bùng kín mặt, người đội nón, người đội mũ lưỡi trai, họ đi theo từng tốp, mỗi tốp dăm bảy người; từng tốp người ấy lại chia ra thành nhóm, cứ 2- 3 người một nhóm thu hái, đóng bao. Thu cà phê không phải hái từng quả mà họ trải bạt trên mặt đất rồi tuốt quả trên cành. Mỗi người nếu làm giỏi mỗi ngày có thể hái được 3-4 tạ cà phê, với mức giá nhận khoán khoảng 80.000 – 90.000 đồng/tạ hiện nay thì công việc này cũng mang lại cho những người hái thuê thu nhập tương đối.
Còn với người nông dân, công bằng mà nói, so với các loại cây trồng khác, cà phê thuộc tốp đầu bởi nó cho thu nhập cao, ổn định. Tuy nhiên, để có những vườn cà phê trĩu quả, những vụ cà phê thắng lợi là những chuỗi ngày dài vất vả với biết bao phần việc từ tưới nước, bón phân, tỉa cành, xới cỏ, tủ gốc...cộng với những đêm thao thức trông coi khi cà phê bắt đầu chín quả của người trồng. Có người đã ví von rằng, cây cà phê cũng giống như con người, để có trái cà phê đỏ mọng, cây phải thai nghén đủ 9 tháng 10 ngày; rồi việc chăm sóc cà phê cũng vậy, phải như nâng niu đứa con trong bụng người mẹ, phải nhẹ nhàng, cẩn thận, yêu thương...
|
Tuy nhiên, với người trồng cà phê, trong quá trình chăm cà phê, điều làm họ sợ nhất là thiếu nước tưới, bởi cà phê mà thiếu nước thì coi như mất trắng, không thể bung hoa đồng loạt, đúng thời điểm; không cho quả như mong muốn và đáng sợ hơn nữa là có thể vườn cây sẽ chết khô. Một điều nữa họ cũng lo không kém đó là lúc cà phê được thu, nếu không trông coi cẩn thận thì rất dễ bị kẻ gian tuốt trộm, chặt cành và thành quả lao động bao tháng ngày coi như mất trắng. Tuy nhiên, những năm gần đây, ở nhiều nơi, chính quyền các cấp rất chú trọng đến việc hỗ trợ người dân giữ vườn cây, nhờ vậy, nỗi lo của người nông dân cũng vơi bớt và họ yên tâm chờ đợi để hái cà phê khi đảm bảo tỷ lệ quả chín, đảm bảo chất lượng cũng như năng suất cà phê.
Mỗi buổi sáng, khi bưng ly cà phê thơm phức lên thưởng thức cái vị đắng, vị ngọt, tôi lại nhớ đến những người nông dân đang tất bật, hối hả thu về những quả ngọt. Tuy nhiên, tôi biết rằng xen lẫn trong niềm vui ngày mùa này, họ vẫn còn một điều nữa phải ngóng chờ, đó là nghe ngóng xem giá cả thế nào, thị trường cà phê mỗi ngày biến động ra sao. Niềm vui của người trồng cà phê chỉ thực sự trọn vẹn khi cà phê được mùa và được giá.
Thuỳ Hương