Tái định cư thuỷ điện Đăk Đrinh: Người dân chưa thể “an cư lạc nghiệp”

24/08/2016 06:56

Sau 3 năm sống ở làng mới, 195 hộ dân của các làng tái định cư công trình thủy điện Đăk Đrinh (thuộc xã Đăk Nên, huyện Kon Plông) vẫn chưa thể ổn định cuộc sống.

Nhà đẹp, đường to, nhưng cuộc sống của họ đang đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn, bởi hộ đã được giao đất thì chưa đảm bảo để canh tác, hộ thì vẫn mòn mỏi chờ đợi được giao đất vì chủ đầu tư còn nợ tiền đền bù thu hồi đất sản xuất.

Khu tái định cư thuỷ điện Đăk Đrinh khang trang nhưng cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn. Ảnh: H.N

 

Làng đẹp, nhưng dân sống khổ

Xã Đăk Nên có 195 hộ dân sinh sống ở 7 làng là Đăk Lai, Đăk Lup, Đăk Tiêu, Đăk Búk, Xô Thác, Vương và Xô Luông nằm trong diện tái định cư công trình thuỷ điện Đăk Đrinh. Khách quan nhìn nhận, về cơ bản, các khu tái định cư ở xã Đăk Nên đã được quy hoạch ổn định, có hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm đầy đủ. Người dân tái định cư được cấp nhà ở khang trang, kiên cố, vững chắc. Ngoài ra trước đây, khi di dời đến nơi ở mới; mỗi hộ dân còn được nhận hàng trăm triệu đồng từ việc đền bù hoa màu, đất đai canh tác. Từ nghèo khổ, bỗng chốc nhiều hộ dân trở nên giàu có; nhưng cuộc sống vùng cao vốn dĩ khó khăn nên khi cầm trong tay một khoản tiền lớn được đền bù, người dân thi nhau mua xe máy, tivi, đầu đĩa...

Tuy nhiên, cùng với việc chi tiêu thiếu tính toán, điều quan trọng là việc tái sản xuất sau định cư gặp nhiều khó khăn; các hộ dân cứ thế lấy tiền đền bù mà ăn; “miệng ăn, núi lở” chẳng mấy chốc họ rơi vào cảnh nghèo khó.

Sau 3 năm về nơi ở mới, thực tế hiện nay, đằng sau những ngôi nhà xây bằng gạch kiên cố, đường bê tông phẳng lỳ, điện sáng trưng khang trang như một khu đô thị mới là cuộc sống bộn bề những khó khăn, thiếu thốn; những lo âu của người dân khi chỉ gần 1 năm nữa thôi là nguồn trợ cấp gạo sẽ bị cắt.

Anh Đinh Hoàng Tuấn (làng Đăk Lai) cho biết: Ngày trước ở làng cũ, có ruộng, có rẫy trồng lúa, mì, không giàu nhưng cũng không lo đói; khi về khu tái định cư này, mình thích bởi có nhà đẹp, đường to, cuộc sống thuận tiện, nhưng lại thiếu đất trồng trọt, nước sinh hoạt cũng thiếu nên khó khăn lắm. May mà bây giờ còn có gạo trợ cấp chứ vài bữa nữa không còn thì mình cũng không biết tính sao để nuôi cả nhà 4 miệng ăn.

Ông Nguyễn Nghĩa Phúc – Chủ tịch UBND xã Đăk Nên cho biết: Sau khi tái định cư, chính quyền đã vận động và các hộ dân khai hoang đất rẫy để trồng mì, đất ruộng trồng lúa, nhưng do diện tích canh tác hạn hẹp, đất xấu nên nguồn thu thấp. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã hiện nay mới đạt 7,5 triệu đồng/năm; nhưng ở các khu tái định cư còn thấp hơn do người dân thiếu sinh kế sản xuất. Trên thực tế, đa phần người dân thời gian qua, cuộc sống chủ yếu dựa vào nguồn trợ cấp 30 kg/khẩu/ tháng, trong đó có 15 kg gạo cấp trực tiếp còn 15kg được quy đổi ra tiền để người dân trang trải cuộc sống. Trước mắt, về cơ bản, người dân không đói, nhưng hết sức khó khăn; còn về lâu dài nếu không giải quyết nhanh bài toán cấp đất sản xuất để người dân cải tạo, canh tác thì hậu quả sẽ khó lường.

Đặc biệt, hiện nay ở làng Xô Luông có tới 34 hộ đã về làng cũ ở, trong đó, ngoài 11 hộ không đồng tình với phương án di dân ban đầu, có 23 hộ dân đã lên nơi ở mới rồi bỏ về vì cuộc sống quá khó khăn. Điều đáng nói là phần lớn diện tích đất ở làng cũ đã nằm trong lòng hồ thuỷ điện Đăk Đrinh nên người dân chỉ dựng các nhà tạm để ở sát lòng hồ. Chật chội, nhếch nhác và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vì làng các hộ dân sống ngay trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, trong khi mùa mưa ở vùng Đông Trường Sơn hiện đã bắt đầu.

Không chỉ đối mặt với đói nghèo, người dân các làng tái định còn đang khốn khó vì thiếu nước sinh hoạt. Mặc dù tại các khu tái định cư đã được đơn vị đầu tư xây dựng công trình cung cấp nước sinh hoạt; nhưng chỉ qua một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, nhiều đoạn ống đã hư hỏng, không đảm bảo cung cấp nước, nhiều người dân phải bỏ tiền mua ống về thay hoặc đi lấy nước ở nơi khác về dùng.

Thiếu đất sản xuất

Có điện, đường, trường, trạm, nhưng cuộc sống người dân đang đối mặt với nghèo khó do thiếu đất sản xuất.

Ông Trương Văn Minh – Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường – Ban quản di dân tái định canh, định cư các dự án trên địa bàn huyện Kon Plông, cho biết: Trước khi bà con chuyển đến nơi ở mới, chủ đầu tư công trình là Công ty cổ phần thuỷ điện Đăk Đrinh  (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) cam kết sẽ có trách nhiệm bố trí đất sản xuất cho người dân, để bà con tái sản xuất, ổn định đời sống.Theo quy định, mỗi hộ dân được cấp 2 sào ruộng nước, hỗ trợ tiền dân tự khai hoang 2 sào với định mức 17 triệu/sào; 1ha rẫy. Tuy nhiên, hiện tại, công tác giao đất cho người dân thuộc diện tái định cư chưa hoàn thành, vì chủ đầu tư chưa chi trả đủ số tiền đền bù cho các hộ dân có đất thu hồi nên họ không cho các hộ tái định cư canh tác trên phần đất cấp. Hiện tại, chủ đầu tư đang còn nợ tiền hỗ trợ thực hiện bồi thường đất tái định canh với số tiền là 32,753 tỷ đồng.

Đặc biệt, người dân 2 thôn Vương và Xô Luông rất bức xúc vì lòng hồ thuỷ điện đã tích nước 3 năm nay mà họ vẫn không có đất sản xuất. Đây cũng là lý do khiến cho các hộ dân bỏ làng mới về ở làng cũ để khai hoang, tận dụng những diện tích đất canh tác cũ làm ăn, kiếm kế sinh nhai; họ chấp nhận cuộc sống nguy hiểm để đổi lấy miếng cơm, manh áo.  

Không chỉ các hộ dân tái định cư, mà ngay cả những hộ không nằm vùng dự án nhưng có đất bị thu hồi cũng rất bức xức vì trên giấy tờ đất đã được thu hồi và giao cho người khác, nhưng họ chưa nhận đủ tiền đền bù. Tiêu biểu như người dân thôn Tu Rét đã gửi đơn kiến nghị, bày tỏ bất bình và có ý định sẽ không giao đất vì chủ đầu tư cứ khất nợ hết lần này đến lần khác.

Thiếu nước sinh hoạt nên người dân phải đi lấy nước về trữ vào can để dùng. Ảnh: H.N

 

Tranh chấp đất đai giữa các hộ dân tái định cư và các hộ có đất bị thu hồi kéo dài khiến người dân các làng tái định cư không có đất để canh tác. Những hộ được cấp đất rồi cũng chẳng khá hơn vì phần đất mới nhưng không có nước, không bằng phẳng, sỏi đá lô nhô không thể sản xuất nên thời gian qua họ cũng chưa nhận đất.

Ông Đinh Xuân Tân (thôn Đăk Lai) cho biết: Nhà tôi có 8 khẩu, từ khi lên làng mới, cả nhà chỉ trông vào vài sào ruộng lúa do gia đình tự khai hoang được cùng với một ít rẫy cũ để trồng mì và nguồn gạo hỗ trợ hàng tháng. Phần đất nhà nước cấp 2 sào ruộng nước nhưng mấy năm nay đều bỏ không vì đất sỏi đá, không có nước nên không trồng được cây gì cả, còn đất rẫy dốc quá nên chưa biết trồng gì.

Còn ông A Ven (làng Đăk Lai) thì giãi bày: Nhà nước trả tiền cho mình tự khai hoang 2 sào ruộng, nhưng đất rẫy đều đã có chủ, đất rừng thì nhà nước quản lý nên đâu có thể khai hoang được; còn phần nhà nước cấp 2 sào không có nước để làm; đất rẫy thì của người dân làng Đăk Lup, nhưng do họ chưa nhận được tiền đền bù thu hồi nên họ đâu cho mình canh tác trên đó.

Thiếu đất sản xuất, đất không đảm bảo cho canh tác nên sau 3 năm chuyển đến khu tái định cư, nhiều hộ dân vẫn chưa ổn định được sản xuất. Mong muốn lớn nhất của người dân hiện nay là được nhận đất theo đúng cam kết ban đầu để đảm bảo cuộc sống.

Chính quyền địa phương cũng “lao đao”

Chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết không chỉ đẩy người dân vào tình cảnh khó khăn, mà chính quyền địa phương cũng “lao đao” theo để giải quyết vấn đề hậu thuỷ điện, an dân và ổn định đời sống.

Xã Đăk Nên họp dân để vận động các hộ dân nhận đất sản xuất sau khi đã khai hoang cải tạo. Ảnh: H.N

 

Ông Nguyễn Nghĩa Phúc cho biết, theo quy định trợ cấp gạo cho dân chỉ còn đến tháng 7/2017, sau đó, người dân sẽ phải hoàn toàn tự túc. Đây là điều cấp uỷ, chính quyền xã rất lo lắng, nếu không đảm bảo sản xuất thì nguy cơ nghèo đói sẽ treo lơ lửng trên đầu người dân vì thu nhập của các gia đình ở đây chỉ trông vào sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, thời gian qua, với sự giúp sức của các đơn vị lực lượng vũ trang, xã đã vận động người dân khai hoang, nhận đất, từng bước cải tạo để vài vụ nữa có thể sản xuất được ổn định.

Để người dân yên tâm gắn bó với nơi ở mới, thời gian qua, một mặt chính quyền huyện Kon Plông tích cực phối hợp, đốc thúc chủ đầu tư là Công ty cổ phần thuỷ điện Đăk Đrinh bố trí nguồn vốn thanh toán tiền bồi thường đất đai bị thu hồi để giao cho các hộ dân tái định cư; mặt khác huyện cũng có chủ trương giao đất rừng, hỗ trợ vốn để người dân trồng keo, đảm bảo cuộc sống lâu dài.

Riêng với những hộ dân ở làng Xô Luông đã bỏ nơi ở mới về làng cũ, theo ông Bùi Thanh Phong – Chánh văn phòng UBND huyện Kon Plông thì hiện nay, huyện cùng với xã cũng đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân lên khu tái định cư để đảm bảo an toàn tính mạng, từng bước ổn định cuộc sống. Đồng thời xã Đăk Nên cũng cử cán bộ thay phiên nhau túc trực liên tục tại thôn để nếu tình huống thiên tai xấu thì kịp thời báo cáo để có phương án di dân ngay lập tức.

Bên cạnh đó, Phòng NN&PTNT huyện Kon Plông cũng đang nghiên cứu, hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho phù hợp trên diện tích 18 ha mới được các cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 10, Trung đoàn 28 khai hoang giúp dân. Bởi đất mới khai hoang xong cấy lúa liền là rất khó, phải vài ba năm, đất có màu ổn định mới trồng lúa được. 

Có thể thấy, hiện tại cuộc sống của người dân vùng tái định cư thuỷ điện Đăk Đrinh đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nhưng tin rằng, với nỗ lực gỡ khó, giải quyết những bất cập, tồn đọng từ công trình này của huyện Kon Plông và đặc biệt là “cố gắng đôn đốc nhà đầu tư giải quyết xong vấn đề đất sản xuất cho người dân trong năm nay để sang năm người dân phải có đất trồng trọt; đồng thời cấp vốn để xây dựng các công trình thuỷ lợi, đường ra khu sản xuất, hỗ trợ vốn khuyến công để phát triển sản xuất…” như lời ông Trương Văn Minh đã chia sẻ với phóng viên Báo Kon Tum, cuộc sống của người dân nơi đây sẽ nhanh chóng ổn định.

Hương Nga

Chuyên mục khác