24/01/2020 16:48
1.Chỉ vài ngày nữa là Tết, vậy mà tôi vẫn chưa rời xa được làng chài nhỏ bé, chòng chành trên lòng hồ thủy điện Sê San 4. Cái vùng đất đến lạ, tới được đã khó, đến lúc về lại cứ lần lữa, hết hẹn này qua hẹn khác. Dù ở nhà đã rối tinh rối mù.
Tính ra tôi đã lên đây được 2 ngày. Suốt 2 ngày ấy, tôi cứ quay như chong chóng với những người dân nghèo nhưng chân chất, mến khách đến bày hết gan ruột. Hết theo chân anh Hai Triều cho cá ăn, lại mò mẫm theo anh Năm Quân lên khu nhà mới trên bờ ngắm nghía tìm chỗ đào ao. Còn theo các chị đi phơi cá, làm mắm nữa chứ.
Những ngày cuối năm ở đây, nắng cứ vàng quánh lại, làm săn da mặt và trong hơi thở của mình, cứ thoang thoảng lẫn vào hương vị của các loài thảo mộc, của nước hồ. Ngỡ như mình đã được hòa với thiên nhiên và thấy đời tươi hơn.
Chiều hôm qua, khi dừng chân ở ngã ba từ Quốc lộ 14C rẽ vào làng chài để chờ Chủ tịch UBND xã Ia Tơi Chế Hồng Quyền, tôi nhận ra không khí Tết đã tràn về nơi vùng biên viễn này. Không chỉ vì những cô gái, chàng trai Thái, Mường mặc đồng phục công nhân cao su phóng xe máy trên đường, bó lá dong rừng xanh mướt cột vắt vẻo sau yên, mà còn vì cội mai già ven đường đã bung những cánh hoa vàng tươi, làm ai nhìn thấy cũng ấm lòng.
Xe chạy trên con đường đất chằng chịt hố, rãnh mà anh bạn đồng nghiệp cứ mơ màng về một ngày Tỉnh lộ 675A được đánh thông, được trải nhựa phẳng phiu, nối Kon Tum - Sa Thầy - Ia Tơi thành một chuỗi. Chủ tịch xã Chế Hồng Quyền cười: Ai cũng mong đến một ngày như vậy anh ạ.
Anh Hai Triều - "xóm trưởng" của làng chài trực tiếp chạy ghe máy ra đón chúng tôi. Cách đây 2 năm, muốn vào làng chài phải men theo vòng cung lòng hồ, băng qua con đường đất khấp khểnh chạy giữa các lô cao su, nhưng nay bến đò được dời ra sát khu nhà mới của làng chài, một con đường bê tông bề thế chạy đến sát mép nước. Từ đây, khách lên ghe máy đi khoảng 10 phút là tới nhà bè.
Trong thâm tâm, tôi đã chuẩn bị tinh thần rằng, khi ghe máy cặp mạn nhà bè của anh Hai Triều trong sáng xuân này, sẽ phải gặp lại những khuôn mặt nhàu nhĩ, mệt mỏi của cư dân làng chài như 3 năm trước. Nhưng không, đón tôi là không khí vui tươi, đầm ấm, rộn rã tiếng cười, xua tan màn sương sớm còn bảng lảng trên mặt hồ. Anh Năm Quân thò đầu ra cười lớn: Vô, vô lẹ, cổ vũ mấy bà gói bánh coi.
Tiếng chào hỏi rộn lên, khiến bầy vịt đang lảng vảng kiếm ăn xung quanh nhà bè của anh Hai Triều giật mình, nháo nhác bơi ra xa.
2. Giữa nhà bè, khá đông chị em đang hì hụi gói bánh tét. Mấy anh ngồi xung quanh… cổ vũ và làm chân sai vặt. Anh Hai Triều phấn khởi cho biết: Được sự hỗ trợ kinh phí của chính quyền, hôm nay dân làng tập trung gói bánh tét, sau đó đem lên nhà trên bờ, hấp chín, ngày 28 Tết sẽ chia cho từng gia đình.
|
Do là người tứ xứ, từ Huế vào, từ An Giang, Kiên Giang, Cà Mau… lên, tụ họp lại với nhau thành xóm, thành làng nên nồi bánh tét cũng phong phú, mang đặc trưng riêng của từng vùng miền - anh Hai Triều nói vui là "nồi bánh liên hiệp quốc". Như bánh tét xứ Huế của vợ anh Sơn gói, nếp phải được chọn thật kỹ, rửa thật sạch, để cao cho ráo nước; đậu xanh chà hết bọt, đãi sạch vỏ, chỉ sử dụng đậu xanh nguyên hạt, tự tay cà lấy (không dùng đậu đã bóc vỏ bằng máy).
Còn chị Kiều - vợ anh Hai Triều và một số chị khác thì gói bánh tét mang nét đặc trưng vùng sông nước miền Tây, có chiều dài chỉ bằng một nửa so với bánh tét Huế, nhân dùng để gói bánh cũng đa dạng, vừa có nhân mặn (đậu xanh với thịt ba chỉ), vừa có nhân ngọt (chuối).
Tôi đặc biệt ấn tượng khi thấy chị Kiều gói bánh tét với nhân là chuối chín. Chuối được chị lột vỏ, tỏa mùi thơm nức, cho vào giữa phần nếp đã được rải sẵn, sao cho chuối và phần nếp cùng độ dài (có người còn cho thêm chút muối, đường cho nhân đậm đà), sau đó gói lại, dùng dây buộc chặt tay để tạo thành một đòn bánh tét tròn đều.
Chị Kiều cho biết, dịp tết, bánh tét nhân chuối là loại bánh phổ biến nhất ở miền Tây. Bánh này không luộc như bánh tét nhân mặn mà hấp cách thủy. Làm theo cách này, bánh tét chín vẫn giữ được vị ngon ngọt đặc trưng của nếp và nhân bánh.
Nhưng dù là bánh tét xứ Huế hay bánh tét miền Tây thì đều tròn đều, đẹp đẽ bởi đôi bàn tay khéo léo, đảm đang của các chị.
|
3. Ngồi trên nhà bè vững chãi, câu chuyện ngày xuân lại quay trở về những gian nan cũ lúc nào không biết. Ờ, mới cách đây vài năm nay chứ mấy, vậy mà cứ ngỡ như đã xa lắc xa lơ. Khi ấy, cuộc sống lênh đênh của hơn chục hộ dân nơi lòng hồ Sê San 4 rộng hơn 58,4km2 này như có màn sương đục phủ vây.
Hai bàn tay đan chặt vào nhau, vần vò suốt cuộc trò chuyện, chị Vân (vợ anh Ba Nhàn) rủ rỉ: Hồi ấy, nhà nào cũng chỉ có con thuyền, mấy tấm lưới, mọi người vật vã trong cuộc mưu sinh; đôi lúc còn phải chạy lòng vòng “né” các đoàn kiểm tra. Đêm đêm, khi lũ trẻ ngủ say, lại nghe đâu đó tiếng thở dài của người lớn buông trong nỗi bồn chồn không dứt.
Rồi khi Tết đến xuân về, chỉ uống rượu, say ca vài câu vọng cổ, tỉnh lại, nhìn trời nước mênh mông, buồn lại uống tiếp. Tết năm 2016, tôi đã thức nguyên đêm để nghe những câu vọng cổ như rót buồn vào tim của các anh, các chị giữa mịt mờ sương nơi vùng sông nước.
Màn sương phủ lên những con thuyền nhỏ chòng chành nơi sóng nước Sê San bắt đầu được xua tan dần từ năm 2017, khi tỉnh, huyện vào cuộc, quan tâm tháo gỡ những nút thắt xung quanh vấn đề hộ tịch, hộ khẩu. Không thể kể hết những gian nan, vất vả, rắc rối quanh chuyện mày mò chắp nối, xác minh, bởi hầu hết đều đã sống phiêu bạt nhiều nơi, có một số người từ Campuchia về, nhưng rồi cuộc sống của những cư dân làng chài đã có một cái kết có hậu. Ban đầu là một vài người, sau đó nhiều hơn, hiện nay đã có 28/29 gia đình có hộ khẩu, chỉ còn vợ chồng anh Đặng Văn Đầy là mới có thẻ cư trú.
Anh Hai Triều nhẩm tính, đến Tết này tất cả 29 hộ gia đình của làng chài đều đã được "lên bờ", được ở trong ngôi nhà khang trang, vững chãi hằng mơ ước bao năm. Ngoài số tiền do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hỗ trợ (50 triệu đồng/căn), bà con còn dành dụm góp thêm vào, nhà ít thì 50-70 triệu đồng, nhà nhiều cả 400-500 triệu đồng.
"Mọi người gọi đây là cuộc "đại cách mạng", bởi trước đây, chuyện có hộ khẩu, có nhà trên bờ chỉ ở trong giấc mơ của mỗi người mà thôi, nào có ai dám nghĩ một ngày được nằm ngủ trong căn nhà của chính mình" - giọng Năm Quân run run.
An cư thì lạc nghiệp. Cuộc sống cũng khá hẳn lên. Nhà nào cũng nuôi cá lồng; cá đánh bắt trên lòng hồ bán được giá, nhà nào cũng sắm được pin mặt trời phục vụ sinh hoạt trên nhà bè; có nhà sắm được ti vi và dàn karaoke; con cái được học hành bằng bạn bằng bè.
Hèn chi, lúc nãy, trên đường ra làng chài, xe chạy qua một khu dân cư nằm cặp mặt đường, với những ngôi nhà còn mới toanh, xây đều tăm tắp, có những căn còn đang trong quá trình hoàn thiện. Trước cổng, cờ Tổ quốc tung bay phấp phới. Anh bạn tôi hít hà: Cứ như đi vào xã nông thôn mới ấy nhỉ. Chủ tịch xã Chế Hồng Quyền cười: Làng chài đấy anh.
Năm nay làm ăn được, nên bà con đón Tết vui hơn mọi năm. Mọi người gác lưới từ ngày 27 Tết, nghỉ ngơi, vui xuân đến đêm mùng 2 thì xuất hành đầu năm, ra mẻ lưới đầu tiên cầu mưa thuận gió hòa, làm ăn tấn tới - ông Nguyễn Vinh, người cao tuổi nhất nhì trong làng vui vẻ nói.
|
Chủ tịch xã Chế Hồng Quyền hỏi thăm về mô hình nuôi cá chình bông do huyện hỗ trợ cho anh Hai Triều nuôi thí điểm, như được khơi nguồn, câu chuyện lại rẽ sang chuyện làm ăn. Anh Hai Triều quả quyết cái giống chình bông này hoàn toàn có thể nuôi được ở lòng hồ Sê San 4 này, bằng chứng là lồng cá được hỗ trợ kia có tỷ lệ hao hụt rất thấp, do có nguồn thức ăn dồi dào (cá cơm đánh bắt ở lòng hồ) nên mau lớn, lại không dịch bệnh, trên thị trường giá bán luôn ổn định ở mức cao.
Rõ ràng đây là hướng đi mới cho bà con làng chài vươn lên - anh Hai Triều chốt một câu chắc nịch.
Câu chuyện ngày càng rôm rả trong tiếng cá quẫy lóc bóc dưới lồng bè. Và chỉ tạm dừng khi mấy chị đã kết thúc buổi gói bánh, giục mấy ông chồng chuyển xuống ghe chở vào nhà. Xa xa, ở trong bờ, những căn nhà đã lên đèn.
Nhìn ghe máy chở đầy những đòn bánh tét lá xanh dây đỏ từ từ rời nhà bè, đè sóng lướt tới, bỗng dưng tôi lại thèm vô cùng được nghe lại câu vọng cổ hôm nào.
Và lạ thay, mặt hồ mênh mông không còn mù sương, mà quang đãng trong màn đêm.
Thành Hưng