19/08/2018 17:55
1. Khuya. Nhiều đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện Đăk Glei vẫn chưa ngủ. Họ chia sẻ, vận động bạn bè, người thân, trẻ em và bà con nhân dân cảnh giác khi đi trên các tuyến đường giao thông nông thôn ngay cạnh đồi núi, vực sâu, sông suối. Họ bàn bạc thành lập các tổ thanh niên trực chốt, sẵn sàng sơ ứng cứu, hỗ trợ di chuyển... Lên kế hoạch tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kịp thời đối với các gia đình chịu thiệt hại về mưa lũ...
Tinh mơ hôm sau, chẳng cần điều động, kêu gọi, trên các tuyến đường, đoàn viên thanh niên đã có mặt, đội mưa tầm tã, cùng với các đơn vị chung tay dọn dẹp cây cối ngã đổ. Đất đỏ lấm lem, áo mưa tơi tả, những đôi bàn tay phồng rộp vẫn hì hục nào cuốc, nào xẻng, dọn những đống đất đá, phân luồng giao thông.
Cả ngày túc trực cùng với các lực lượng tập trung dọn dẹp, sơ ứng cứu, hỗ trợ người dân, đêm đến, giấc ngủ lại chập chờn theo tiếng mưa. Bởi ngồn ngộn trong tâm trí là muôn vàn nỗi lo cho bản thân, gia đình, cho những người dân đang chịu ảnh hưởng, thiệt hại của mưa lũ.
Khuya muộn, các thanh niên lại ngóng xem tình hình mưa lũ. Điện thoại luôn túc trực, hễ có gọi báo, họ sẵn sàng đội mưa lên đường.
|
2. Lại mưa lớn và lũ quét. Chỉ trong một đêm, nhiều căn nhà ở huyện biên giới Ia H’Drai bị ngập đến 2/3, có căn bị ngập đến nóc, đường sá ách tắc, hoa màu, vật nuôi… bị cuốn trôi.
Khi thông báo được gửi đi cũng là lúc đoàn viên thanh niên, công an, bộ đội, dân quân… đã ngâm mình trong dòng nước đục ngầu, tiếp cận với các hộ bị cô lập. Không để bà con hoang mang, lo lắng, dưới mưa gió, tất cả đều dồn sức di dời 8 ngôi nhà có nguy cơ bị ngập; dựng lại 5 ngôi nhà cho 5 hộ dân được di dời đến nơi an toàn.
Mưa ngấm nước, cơ thể lạnh run nhưng họ đâu có thời gian để nghĩ đến bản thân, bởi sự an toàn của người dân là trên hết. Di dời các hộ về nơi an toàn, sức trẻ lại tiếp tục hỗ trợ khắc phục các điểm sạt lở, phụ giúp thông các tuyến đường…
Mỗi cơn bão, lũ, lốc xoáy đi qua để lại nỗi ám ảnh của người dân. Chính bản thân gia đình các đoàn viên cũng bị ảnh hưởng của thiên tai, thế nhưng, trong muôn vàn nỗi lo lắng, họ vẫn tất tả đến cứu trợ, hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ gia đình khác. Bồng những em bé trên tay, cõng những cụ già trên lưng, tay mang, tay cầm lỉnh kỉnh đồ đạc, nhưng nhọc nhằn, vất vả có xá gì, bởi trước mắt họ là sự an toàn, cuộc sống của bao gia đình.
3. Chỉ trong phút chốc, nhiều bản làng ở huyện Sanamxay (Lào) chìm trong bùn nước, hàng nghìn người dân phải rời bỏ nhà cửa hoặc mắc kẹt giữa dòng nước khi đập thủy điện Xenpian – Xe Nam Noy ở tỉnh Attapư bị vỡ. Hoảng loạn, hoang mang, những ánh mắt giờ đây chỉ biết ngóng chờ lực lượng cứu hộ đến giải cứu.
Ngay lúc nguy khó nhất, các cán bộ, chiến sĩ Đội K53 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh liền có mặt, tìm cách nhanh chóng ghép phà, khắc phục vật cản vượt sông, điều tiết giao thông trên địa bàn và hướng dẫn các đoàn cứu trợ, cứu hộ vào vùng ngập sâu để giúp đỡ bà con.
Trên dòng nước mênh mông với hiểm nguy rập rình, bộ đội Việt Nam vừa cố gắng đảm bảo an toàn cho bản thân, vừa nỗ lực hết sức hỗ trợ, giúp đỡ người dân nước bạn như chính người thân thiết, ruột thịt của mình.
Vào tận những vùng sâu, nơi cô lập chi viện từng gói mì tôm, từng thùng lương khô, nước uống; giữa lúc nguy khó, cán bộ, chiến sĩ và đội ngũ y bác sĩ phối hợp với các lực lượng tổ chức tìm kiếm, cứu nạn và sơ cứu 60 người dân nước bạn.
Có gian nan, nguy hiểm, vất vả nào bằng đi cứu hộ, nhưng cũng có niềm vui nào bằng khi nhìn thấy những nụ cười chua chát sau tất cả mất mát. Ít ra họ - những người gặp nạn vẫn an toàn; họ vẫn được cứu sống để có cơ hội bắt đầu lại từ đầu. Những người lạ phút chốc thành quen. Những cái nắm tay truyền hơi ấm; những cái ôm như thắp lên tình người trong hoạn nạn.
Những việc làm bằng cả tâm sức của các chiến sĩ làm lay động bao trái tim người dân nước bạn Lào.
4. Mưa ngớt dần! Đoàn viên thanh niên vẫn tiếp tục cùng các lực lượng dọn dẹp những hỗn độn, đổ nát. Những hình ảnh thực tế được cập nhật liên tục trên mạng xã hội với lời kêu gọi khẩn thiết: hãy chung tay giúp các gia đình nạn nhân; hỗ trợ khắc phục hậu quả của bão lũ, thiên tai.
Sinh viên tập trung quyên góp quần áo, giặt giũ sạch sẽ để gửi đến những ngôi làng ngập trong nước; phật tử tổ chức làm buffet đồ chay, lấy quỹ ủng hộ đồng bào nơi lũ lụt; mỗi cá nhân tích cực kêu gọi người thân, bạn bè “góp gió thành bão” để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời.
Mất trắng sau lũ, chị Nguyễn Thị Tươi ở thôn 8, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai như tuyệt vọng trước cuộc sống. Mấy ngày sau, nhìn thấy các đoàn viên thanh niên đội mưa đội gió, lặn lội hơn 80km từ thành phố lên giúp chị sửa chữa lại căn nhà, tặng máy lọc nước và 100 cây giống để gia đình chị có cơ hội làm lại từ đầu, chị rưng rưng nước mắt. Chỉ thế thôi, chị có thêm niềm tin để tiếp tục cuộc sống trước mắt với vô vàn khốn khó.
Trong cơn mưa kéo dài, những màu áo xanh, những gương mặt trẻ vẫn đóng thùng, đưa những chuyến hàng gởi đến bà con. Với họ, tuổi trẻ đâu chỉ hô hào khẩu hiệu. Cùng với lực lượng chức năng, họ làm những việc bà con cần; là cánh tay phải của bà con khi hiểm nguy, ngặt nghèo. Bởi họ biết, hơn lúc nào hết, bây giờ, bà con cần sự giúp đỡ, dù chỉ nhỏ nhoi…
Bình An