Sức mạnh từ tinh thần đại đoàn kết

30/10/2017 18:07

Những ngày này, dân làng Kon Hra Chót, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum gấp rút hoàn tất những công đoạn cuối cùng của việc sửa chữa lại nhà rông của làng để chuẩn bị tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Với bà con, đây là công trình thể hiện được tinh thần đại đoàn kết toàn dân, góp phần làm cho ngày hội của làng năm nay thêm ý nghĩa.

Góp sức sửa nhà rông

Làng Kon Hra Chót nằm ở phường nội thành Kon Tum. Tuy chịu ảnh hưởng của cuộc sống đô thị nhưng bà con đồng bào Ba Na nơi đây vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là duy trì việc tổ chức đánh cồng chiêng, múa xoang trong các lễ hội của làng, việc tổ chức sinh hoạt cộng đồng tại nhà rông của làng.

Trưởng Ban công tác Mặt trận kiêm già làng A Huy cho biết, nhà rông truyền thống của làng Kon Hra Chót được xây dựng và khánh thành vào năm 2006 theo đúng nguyên mẫu nhà rông truyền thống của người Ba Na, được làm bằng gỗ và tranh, tre. Theo thời gian, nhà rông của làng có nhiều chỗ bị hư hỏng, dột nát, nhất là phần mái nhà rông và cột gỗ, khiến cho việc sinh hoạt cộng đồng, hội họp của bà con trong làng gặp nhiều khó khăn. Với ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, năm 2015, thôn đã vận động bà con dân làng đóng góp 50 triệu đồng đầu tư xây dựng lại nhà chồ. Mới đây bà con tiếp tục đóng góp 100 triệu đồng để sửa chữa lại toàn bộ nhà rông…

Theo Thôn phó Kon Hra Chót – A Đưng, hiện tại thôn có tổng cộng 305 hộ dân sinh sống trên địa bàn, trong đó 2/3 là hộ đồng bào Ba Na. Từ khi có chủ trương triển khai sửa chữa nhà rông, thôn đã họp dân lấy ý kiến thống nhất mức đóng góp 350.000 đồng/hộ (hộ tàn tật được miễn giảm). Với đặc thù bà con làm nghề nông nghiệp là chủ yếu, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (16 hộ nghèo, 39 hộ cận nghèo) nhưng với suy nghĩ nhà rông là bản sắc văn hóa làm nên linh hồn của làng nên các hộ dân đều tích cực tham gia đóng góp tiền và ngày công.

Mặc dù nằm trong diện được miễn đóng góp để làm nhà rông, nhưng mấy ngày nay, thấy bà con dân làng tập trung tháo dỡ nhà rông, bà Y Phem (hộ nghèo, bản thân bị tàn tật) cũng chạy vạy ít tiền để đóng góp sửa chữa nhà rông của làng. Bà Y Phem chia sẻ: Nhà rông là của chung của làng nên dù cuộc sống có khó khăn, tôi vẫn muốn được đóng góp để thể hiện tấm lòng và trách nhiệm của mình với cộng đồng làng.

Thôn phó A Đưng cho biết, công trình sửa chữa nhà rông của làng Kon Hra Chót dự trù kinh phí lên đến khoảng 120 triệu đồng. Bên cạnh 100 triệu đồng do người dân trên địa bàn đóng góp, thôn còn nhận được sự hỗ trợ của phường và các tổ chức, đơn vị kết nghĩa trên địa bàn.

Ngắm nhìn khung gỗ của mái nhà rông cao vút giữa làng đang được bà con sửa chữa, già làng A Huy phấn khởi: Trong những năm qua, dân làng Kon Hra Chót vẫn nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua việc tổ chức các lễ hội của làng cũng như sinh hoạt cộng đồng tại nhà rông truyền thống.

Khi tinh thần đoàn kết được phát huy

Bí thư Đảng ủy phường Thống Nhất Lưu Văn Sanh nhận xét: Với đặc thù của một làng nội thành Kon Tum, người Kinh và người Ba Na sống đan xen, nhưng những năm qua, dân làng Kon Hra Chót đã phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng thôn làng phát triển về kinh tế, giữ vững về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Cán bộ phường Thống Nhất động viên dân làng sửa chữa nhà rông

 

Không còn cảnh tụ tập uống rượu, bà con nhân dân thôn Kon Hra Chót bây giờ luôn ý thức làm ăn phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống. Trong những năm gần đây, bà con đã tận dụng quỹ đất để phát triển sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất và thu nhập trên một đơn vị diện tích. Không phân biệt hộ gia đình người Kinh hay Ba Na, bà con đều đoàn kết hỗ trợ giúp đỡ nhau làm kinh tế. Từ chỗ chỉ biết trồng hạt lúa để ăn, bà con đồng bào Ba Na bây giờ đã mở rộng phát triển diện tích trồng mía, trồng rau, đồng thời học hỏi và phát triển thêm nhiều nghề phụ như thợ xây, làm nghề buôn bán nhỏ ở các chợ để kiếm thêm thu nhập.

Điều đáng phấn khởi là thôn Kon Hra Chót hiện có hơn 100 hộ gia đình đạt gia đình sản xuất giỏi các cấp với mức thu nhập từ 50 triệu đồng/năm trở lên. Nhiều hộ gia đình như hộ A Đưng, A Brưih, A Huy, A Thăng, A Cam…, nhờ biết cách học hỏi cách thức làm ăn của các hộ gia đình người Kinh trong thôn đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng năng suất cây trồng, đạt mức thu nhập cả trăm triệu đồng/năm.

Trước đây, già làng A Huy là người nổi tiếng làm kinh tế giỏi ở làng. Nhờ làm kinh tế giỏi mà vợ chồng già đủ chi phí nuôi 5 người con ăn học và họ lần lượt vào đại học.

Bây giờ, tuy các con đã ra trường và có việc làm ổn định nhưng già A Huy vẫn tích cực làm kinh tế, không trông chờ vào sự hỗ trợ của các con. Ngoài 1ha bắp và lúa, 2 năm nay, già A Huy còn đầu tư mua sắm 1 xe máy cày (loại lớn) để đi cày thuê cho bà con trong làng…

Già làng A Huy chia sẻ: Mình làm được thì nói bà con dân làng mới nghe theo và làm theo. Bởi vậy, còn sức khỏe là còn phải lao động.

Bí thư Đảng ủy Lưu Văn Sanh cho biết thêm, điều đáng tuyên dương hơn với dân làng Kon Hra Chót là trong năm 2017 mặc dù cả thôn có hơn 30ha đất sản xuất bị thu hồi đền bù để triển khai các dự án của tỉnh, thành phố, nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động của cả hệ thống chính trị, nhất là phát huy vai trò của bí thư chi bộ, thôn trưởng, già làng, bà con nhân dân trên địa bàn đã đồng thuận và chấp hành nghiêm chủ trương của tỉnh, của thành phố, không xảy ra điểm nóng về đất đai…

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác