Sức bật trên vùng căn cứ cách mạng Tu Mơ Rông

30/04/2019 06:21

Kiên cường trong chiến tranh, đoàn kết, năng động và quyết tâm trong công cuộc đổi mới, người dân Tu Mơ Rông đang có những bước đi vững chắc trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Sức sống mới đầy triển vọng đang được tạo ra ở Tu Mơ Rông - mảnh đất giàu truyền thống cách mạng…

Chiến tranh đã lùi xa hơn 44 năm. Khi đọc những trang sử, xem những hình ảnh tư liệu truyền thống trong hai cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, chúng ta mới thấy hết sự kiên cường, bất khuất của quân và dân Tu Mơ Rông. Lòng yêu nước, ý chí quật cường, không chịu khuất phục quân thù là tài sản vô giá tạo nên sức mạnh của quân và dân nơi đây, viết nên những trang sử vàng chói lọi, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).

Suốt hai cuộc kháng chiến, đồng bào các dân tộc huyện Tu Mơ Rông kiên quyết bảo vệ các chiến sĩ cách mạng, đóng góp nhiều của cải vật chất và con người cho kháng chiến. Họ sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Đến nay, tất cả các xã của huyện Tu Mơ Rông đều đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Đây là phần thưởng xứng đáng và là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước với những đóng góp của quân và dân Tu Mơ Rông trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Sau chiến tranh, người dân Tu Mơ Rông phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, hàn gắn hậu quả của chiến tranh để lại. Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, kiên trì triển khai nhiều giải pháp, kinh tế của Tu Mơ Rông có sự phát triển đáng kể, đời sống của người dân dần được cải thiện và nâng lên.

Tuy nhiên, sau khi khôi phục tương đối hậu quả của chiến tranh để lại thì Tu Mơ Rông lại phải gánh chịu sự tàn phá nặng nề của thiên tai, mọi thứ gần như trở lại điểm xuất phát. Cơn bão số 9 năm 2009 khiến cho hệ thống hạ tầng cơ sở của Tu Mơ Rông bị tàn phá nặng nề; hàng trăm héc ta cây trồng của người dân bị bồi lấp, đời sống của người dân lại gặp khó khăn, nghèo đói…

Trong gian khổ, khó khăn đó càng tôi luyện bản chất kiên cường, tinh thần đoàn kết và sự năng động của con người vùng căn cứ cách mạng Tu Mơ Rông. Đảng bộ và chính quyền huyện Tu Mơ Rông tranh thủ tối đa sự ủng hộ của Trung ương, của tỉnh để tập trung đầu tư lại hệ thống cơ sở hạ tầng; vận động nhân dân tận dụng và khai thác có hiệu quả các tiềm năng sẵn có của địa phương để đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đưa kinh tế phát triển trở lại, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.

Những ngày tháng Tư lịch sử, trở về vùng căn cứ Tu Mơ Rông, tôi cảm nhận rõ sức sống mới đang trỗi dậy mạnh mẽ trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này. Hiện tại, 100% số xã đã có đường ô tô đi đến trung tâm; 80% số thôn làng có đường ô tô đi được trong cả hai mùa. Ở các thôn làng vùng sâu, vùng xa, nhiều ngôi nhà kiên cố mái ngói đã mọc lên san sát...

Trước đây, hầu hết trụ sở làm việc của các xã trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đều tạm bợ, xuống cấp, thì đến nay 100% số xã có trụ sở mới khang trang, kiên cố. Toàn huyện có 11/11 xã được đầu tư xây dựng trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở (toàn huyện có tổng số 34 trường học). Hệ thống trạm y tế xã được xây dựng khang trang. Hệ thống thủy lợi tại tất cả các xã trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng, sửa chữa, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh. Điện lưới quốc gia đã kéo về 100% xã. Trên 75% số hộ dân trên địa bàn đã được dùng nước sạch...

Tập trung phát triển kinh tế, bà con nhân trên địa bàn huyện đã trồng được gần 2.000ha lúa nước 2 vụ và lúa rẫy; phát triển được hơn 400ha bắp, gần 300ha bo bo, gần 2.000ha mì, gần 5.000ha bời lời, 1.600ha cà phê…

Điều đáng mừng, hiện nay người dân Tu Mơ Rông đã biết khai thác lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất, nhất là phát triển mạnh diện tích các loại cây dược liệu như hồng đẳng sâm (sâm dây), đương quy, sơn tra, ngũ vị tử, sâm Ngọc Linh… vừa để thoát nghèo, vừa để vươn lên làm giàu.

Giờ đây, về Tu Mơ Rông đi đến đâu chúng tôi cũng nghe người dân bàn tán chuyện trồng các loại cây dược liệu, nhất là cây sâm dây, sâm Ngọc Linh. Người dân Tu Mơ Rông tận dụng từng khu đất trống để phát triển sâm dây, đồng thời trồng xen sâm dây với các loại cây trồng khác để tăng hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập.

Riêng đối với sâm Ngọc Linh, giờ đây, người dân Tu Mơ Rông đã biết đến giá trị của cây dược liệu đặc hữu chỉ có ở vùng rừng núi Ngọc Linh này nên rất chú trọng bảo tồn, phát triển.

Trồng sâm Ngọc Linh ở Tu Mơ Rông. Ảnh: PN

 

Ông A Hơn - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 6 xã có thể trồng và phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Hiện nay có 3 xã là Măng Ri, Tê Xăng và Ngọc Lây bà con đang trồng nhiều sâm Ngọc Linh nhất. Và toàn huyện hiện có khoảng hơn 500 hộ dân trồng sâm Ngọc Linh với khoảng hơn 500ha, trong số đó, diện tích của người dân tự trồng khoảng gần 20ha, còn lại là diện tích của doanh nghiệp liên kết với người dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Thành - Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho biết, cả xã có gần 500 hộ dân thì đã có 270 hộ liên kết với Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum để phát triển loại cây trồng này. Hàng chục hộ dân trên địa bàn còn tự mua giống về trồng.

"Bây giờ sâm Ngọc Linh chưa thu hoạch. Khi nào có sâm Ngọc Linh bán, mỗi hộ chỉ cần vài trăm gốc là sẽ có tiền tỷ trong tay. Nhiều người sẽ thành triệu phú, tỷ phú" - ông Thành tin tưởng.

Với việc tận dụng thế mạnh về các loại cây dược liệu để phát triển kinh tế, cuộc sống của người dân vùng căn cứ cách mạng Tu Mơ Rông đang từng bước được nâng cao. Tin tưởng rằng, vài năm tới, Tu Mơ Rông sẽ bứt phá, phát triển nhanh và bền vững…

Trung tâm huyện Tu Mơ Rông hôm nay. Ảnh: PN

 

          Phúc Nguyên

Chuyên mục khác