Sức bật Kon Plông

13/08/2019 06:07

Kon Plông đang chuyển mình và đang thay da đổi thịt từng ngày. Hơn 17 năm thành lập huyện, một diện mạo mới, một sức sống mới dần dần hiện hữu.

Thành lập năm 2002, khi ấy huyện Kon Plông là một trong những địa phương khó khăn nhất tỉnh. Người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với chủ yếu là trồng các loại cây lương thực, thu nhập bấp bênh, đời sống kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, cái đói cái nghèo luôn đeo bám. Thêm vào đó, lúc bấy giờ giao thông đi lại trên địa bàn Kon Plông khó khăn, nhất là vào mùa mưa, các xã vùng sâu của huyện gần giống như ốc đảo.

Hơn 17 năm qua (2002-2019), Trung ương và tỉnh Kon Tum đã dành nguồn lực lớn để đầu tư phát triển cho Kon Plông- 1 trong 62 huyện nghèo nhất cả nước. Trong đó, có nhiều chính sách, dự án, chương trình đầu tư về cơ sở hạ tầng, nhà ở, đất sản xuất, vốn vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ các loại cây trồng và vật nuôi để người dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao cuộc sống.

Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ các nhà đầu tư khi đến với Kon Plông để xây dựng hệ thống giao thông, cung cấp điện đến các khu - điểm du lịch, miễn giảm thuế và tiền sử dụng đất. Mặt khác, tỉnh tiến hành quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, các loại dược liệu quý... nên đã thu hút một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước vào Kon Plông đầu tư; trong đó có việc đầu tư vào hệ thống nhà hàng - khách sạn, biệt thự cao cấp, khu nghỉ dưỡng, nông nghiệp công nghệ cao và đã đạt được kết quả bước đầu.

Một trong những chủ trương mang tính đột phá là vào tháng 4/2007, Tỉnh ủy Kon Tum (khóa XIII) ban hành Nghị quyết 02 về đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2007-2010, có tính đến năm 2020; và đặc biệt hơn, ngày 5/2/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 298/QĐ-TTg về quy hoạch xây dựng Măng Đen trở thành Khu du lịch của quốc gia, đánh dấu một bước ngoặc quan trọng trong sự phát triển của huyện Kon Plông.

Hồ Đăk Ke - một trong những điểm đến nổi tiếng của Kon Plông. Ảnh: QĐ

 

Xác định xây dựng hệ thống giao thông trên địa bàn Kon Plông là bước đi quan trọng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo và tạo mọi điều kiện để huyện Kon Plông triển khai quyết liệt nhằm tạo những đột phá căn cơ trong phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn. Phá thế ngõ cụt về giao thông, đã tạo cơ sở cho việc triển khai các chính sách, chương trình, dự án của Nhà nước đến được với từng thôn làng, từng người dân, phát huy hiệu quả thiết thực. Đến nay, tất cả các xã trong huyện đều có đường ô tô đến được trung tâm, bất kể các mùa. Các con đường huyết mạch được bê tông hóa, nhựa hóa cứ dần nối các xã vùng sâu khó khăn như Ðăk Ring, Ðăk Nên, Măng Bút, Ngọc Tem lại gần hơn với khu đô thị trung tâm Măng Đen.

Khi có đường thì nông sản của bà con trong thôn vận chuyển thuận lợi ra xã, ra huyện, hàng hóa được thông thương. Cùng với đó, hàng loạt các công trình như điện, trường, trạm y tế, nhà văn hóa, nước sinh hoạt, hệ thống thông tin liên lạc, thủy lợi... cũng theo đường đến gần với người dân.

Những bước đi đúng đắn đã góp phần tạo nên sức bật mạnh mẽ của Kon Plông, mọi tiềm năng, thế mạnh của vùng đất này từng bước được khơi thông, khai thác hiệu quả trong phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng- an ninh của một huyện miền núi. Diện mạo của huyện Kon Plông có nhiều đổi thay tích cực, một sự đổi thay lớn rất đáng ghi nhận.

Trước hết, xuất phát từ tiềm năng riêng của vùng đất với địa thế trung tâm Kon Plông và vùng sinh thái quốc gia Măng Ðen nằm trên Quốc lộ 24, cách thành phố Kon Tum khoảng hơn 50 km. Nơi đây có độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, nhiệt độ tại Kon Plông mát mẻ quanh năm; thiên nhiên ưu đãi, nhất là thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao... đã được các nhà quản lý, hoạch định chính sách đề ra những chủ trương phù hợp, kêu gọi, thu hút đầu tư đúng trọng điểm. Qua đó, khơi dậy tiềm năng, tạo đà cho “bước nhảy về kinh tế- xã hội” của vùng đất Kon Plông.

Ngoài ra, vùng đất này có nhiều danh lam thắng cảnh với hệ thống sông, suối, thác nước đẹp đã đưa vào sử dụng như thác Pa Sỹ, hồ Ðăk Ke, Toong Ðam; đặc biệt, Khu du lịch sinh thái Măng Ðen phù hợp du lịch dã ngoại. Ðây là tiềm năng thuận lợi để Kon Plông trở thành trung tâm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cũng được chú trọng đầu tư khai thác.

Qua hơn 17 năm xây dựng và phát triển, Kon Plông đã đổi thay trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và điều đáng ghi nhận là đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao hơn trước. Điều đó cho thấy sức bật mạnh mẽ của Kon Plông.

Sức bật ấy có thể minh chứng qua một vài số liệu sau: Tổng giá trị sản xuất thực hiện 6 tháng đầu năm 2019 toàn huyện đạt 874 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế nông - lâm - thủy sản chiếm 28,2%; công nghiệp - xây dựng chiếm 36,1%; thương mại - dịch vụ chiếm 35,8%. Đến nay, diện tích trồng lúa đạt 3.197 ha, cây ngô 1.354 ha, cây sắn 1.550 ha; rau, hoa xứ lạnh 180 ha; các loại cây dược liệu như hồng đẳng sâm, sa nhân, đương quy... có diện tích trên 72 ha; diện tích cây lâu năm 1.514 ha; tổng đàn gia súc có 43.020 con.

Nhiều dự án đầu tư của các doanh nghiệp bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế- xã hội.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Thanh Nam - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Tính đến tháng 6/2019, đã có 96 dự án đăng ký và triển khai thực hiện dự án đầu tư tại địa bàn huyện với tổng diện tích 6.223ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 18.321.520 tỷ đồng. Trong đó, có 69 dự án đã triển khai và đi vào hoạt động, sản phẩm chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao như rau, hoa, quả xứ lạnh và các loại dược liệu, du lịch sinh thái, thủy điện...; 27 dự án đang triển khai thực hiện, chưa đi vào hoạt động.

Bí thư Huyện ủy Kon Plông Nguyễn Văn Lân chia sẻ: Ðể đánh thức tiềm năng, huyện Kon Plông đã có chủ trương, cơ chế thông thoáng nhằm thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhiều dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sản xuất rau, hoa, quả xứ lạnh. Riêng lĩnh vực du lịch, trong 7 tháng đầu năm 2019 đã thu hút trên 106.000 lượt khách với tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch trên 22 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Lân cho biết thêm: Trong thu hút đầu tư của huyện, nổi bật nhất là các dự án như Dự án nông trại hữu cơ của Hàn Quốc; dự án chăn nuôi bò sữa của Tập đoàn Vinamilk; Ðề án trồng cây cà phê xứ lạnh trên địa bàn 4 xã: Hiếu, Pờ Ê, Măng Bút, Ðăk Long và các dự án về phát triển du lịch sinh thái...

Cùng với cây lúa nước truyền thống, người dân đã thành công xây dựng thương hiệu Kon Plông với nhiều loại cây trồng, nông sản khác nhau như ly, lan, dâu tây, đồng tiền, nấm, vang sim, sâm dây, gạo đỏ.... bắt đầu cung cấp cho thị trường, có chỗ đứng trên địa bàn và vươn ra các tỉnh ở Tây Nguyên, Trung bộ. Sản xuất nông nghiệp Kon Plông ngày nay chẳng những thoát khỏi tình trạng tự cung tự cấp mà đang được chính quyền địa phương đẩy mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với sự liên doanh, liên kết trong sản xuất giữa người dân với các doanh nghiệp, các nhà khoa học, cùng sự hỗ trợ. Phát triển kinh tế nông nghiệp với hướng đi ưu tiên sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao là một trong những mũi nhọn kinh tế mà huyện Kon Plông đang tập trung triển khai và bước đầu đem lại hiệu quả.

Kon Plông đang chuyển mình và đang đổi thay từng ngày. Hơn 17 năm thành lập huyện, một diện mạo mới, một sức sống mới dần dần hiện hữu. Với cách làm mới của chính quyền địa phương, sự đồng lòng của người dân, huyện Kon Plông từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đất đang được đánh thức với một sức bật mới trong những năm tới.   

Quang Định

Chuyên mục khác