Suất cơm từ thiện - ấm lòng bệnh nhân nghèo

25/12/2019 06:10

Trong xã hội hiện đại, khi mà guồng quay vội vã của cuộc sống khiến con người gần như trở nên vô tình với nhau hơn thì những hành động thể hiện sự cảm thông, chia sẻ những khổ đau cho những mảnh đời bất hạnh là những việc làm rất cao cả và đáng trân trọng. Chính lòng nhân ái ấy là sự động viên cho bao hoàn cảnh kém may mắn, giúp họ mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống, tiếp tục đấu tranh với bệnh tật.

Đã hơn một năm nay, quán cơm chay ngụ tại số nhà 370 đường Bà Triệu, thành phố Kon Tum đã thành điểm tựa cho hàng ngàn lượt bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Từ ngày thành lập đến nay, quán cơm này đã cung cấp hàng ngàn suất cơm và bánh mì miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn cũng như những bệnh nhân nghèo ốm đau bệnh tật trên địa bàn tỉnh.

Chị Hoàng Thị Hải (46 tuổi, ngụ tại đường Bà Triệu, TP. Kon Tum) -  quản lý quán cơm chia sẻ: Ban đầu, nhận thấy nhiều bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ nên chúng tôi - những người đã nghỉ hưu, tiểu thương ở các chợ - đã đứng ra thành lập quán. Mặc dù rất bận rộn mưu sinh nhưng tôi luôn sẵn sàng chung tay với mọi người chia sẻ với các bệnh nhân, giúp họ giảm bớt phần nào khó khăn và yên tâm chữa bệnh.

Để có được những suất cơm ngon dành tặng những bệnh nhân và những lao động nghèo, hàng tuần từ thứ hai cho đến thứ bảy, các tình nguyện viên (hầu hết đã ở tuổi 50, 60) đều đến từ rất sớm để chuẩn bị những món ăn cho đúng bữa và ai nấy đều hăng say, nhiệt tình. Dù tuổi đã cao nhưng những đôi bàn tay ấy vẫn thoăn thoắt, miệt mài. Họ dành hết tâm trí vào từng suất cơm cho bệnh nhân. Người nhặt rau, gọt bí; người nấu cơm, nấu thức ăn. 

Tuy đã thấm mệt nhưng các chị vẫn vui vẻ phát cơm cho các bệnh nhân. Ảnh: VD

 

Bà Huỳnh Thị Cúc (80 tuổi, ngụ tại đường Bà Triệu, TP. Kon Tum) - người cao tuổi nhất trong nhóm cho biết: “Giờ nào rảnh, tôi tới làm phụ mọi người. Tuy những lúc cao điểm, tôi và mọi người trong nhóm cũng khá mệt nhưng khi nhìn thấy những nụ cười, ánh mắt hạnh phúc của bệnh nhân hay thân nhân của người bệnh qua những bữa ăn đầy nghĩa tình thì bao nhiêu mệt nhọc đều tan biến”.

Chị Hồ Thị Tâm (59 tuổi, ngụ tại đường Thi Sách, TP. Kon Tum) là tình nguyện viên đắc lực của quán tâm sự: Chúng tôi mong muốn những hành động nhỏ bé của mình sẽ mang lại sự ấm áp về tinh thần và vật chất cho những hoàn cảnh còn khó khăn, từ đó lan tỏa đến cả cộng đồng.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, quán nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các “mạnh thường quân” trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, các tiểu thương ở chợ cũng thường xuyên đóng góp các loại rau, củ, quả cùng nhiều các mặt hàng thiết yếu khác góp phần giảm bớt chi phí cho quán.

Theo tìm hiểu tôi được biết: Mỗi ngày, quán cung cấp 300 chiếc bánh mì và sữa vào mỗi buổi sáng; buổi trưa, với 50kg gạo được nấu thành khoảng hơn 200 suất cơm cùng các món chay như đồ xào, canh rau, nấm, bí đỏ, đậu hũ, tương… tổng chi phí cho một ngày tại quán là 1,6 triệu đồng (kể cả gas, điện, nước…) cộng thêm tiền thuê mặt bằng, mỗi tháng là 3 triệu đồng, một số tiền không hề nhỏ. Tuy nhiên ai cũng mong muốn sẽ luôn có những suất cơm gởi đến bệnh nhân nghèo. Không những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong bệnh viện, cả những ai có hoàn cảnh khó khăn cũng đều được cấp phát hoàn toàn miễn phí.

Ở bệnh viện, có những trường hợp cứ một người nằm viện thì có 2-3 người đi nuôi, có khi 5 người trong một gia đình đều dùng cơm từ thiện của quán. Ngoài ra, vào các ngày rằm và mùng 1, buổi sáng còn có thêm món cari chay với bánh mì.

Để có thêm sự chung tay của cộng đồng, phía bên ngoài quán, chị Hải để một thùng quyên góp, nhiều khách đi qua, dù không ăn gì cũng ủng hộ, người ít, người nhiều. Nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn và các tỉnh lân cận cũng thường xuyên đóng góp để góp phần duy trì quán.

Càng gần đến giờ ăn, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tới mỗi lúc một đông, tất cả đều xếp hàng chờ đến lượt nhận cơm. Chỉ trong vòng 30 phút, hơn 200 suất cơm và thức ăn đã được phát hết. Không chỉ là những suất cơm, những người trong nhóm tình nguyện này còn mang đến sự đồng cảm, là nguồn cổ vũ tinh thần để những người bệnh vươn lên chống chọi với bệnh tật.

Chị Vũ Thị Thảo, (45 tuổi, ở huyện Đăk Hà) chia sẻ: Mẹ tôi có bệnh mãn tính nên thường xuyên nhập viện, vì vậy với suất cơm từ thiện của quán đã giúp cho gia đình tôi tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Hơn nữa, chúng tôi cảm thấy ấm lòng hơn khi có nhiều tấm lòng hảo tâm, quan tâm, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi.

Bà Y Yun (73 tuổi, ngụ tại xã Chư Hreng, TP. Kon Tum) đang điều trị tại Bệnh viện chia sẻ: “Do cuộc sống khó khăn nên vợ chồng tôi đều sống nhờ suất cơm chay từ thiện này, nếu không có cơm từ thiện, tôi không biết lấy gì để ăn mà chữa bệnh. Tôi rất cảm động và vô cùng biết ơn các nhà hảo tâm đã quan tâm giúp đỡ bệnh nhân nghèo như chúng tôi”.

Với tâm niệm cho đi chẳng mong nhận lại, những tấm lòng nhân ái này chỉ mong mỏi mang lại niềm vui, những nụ cười hạnh phúc, là niềm hy vọng và sự bền bỉ chiến đấu cho những mảnh đời kém may mắn hơn mà thôi.    

Vỹ Dạ

Chuyên mục khác