“Sư” và “phạm”

12/10/2023 13:06

Liên tục trong thời gian gần đây, những câu chuyện xuất phát từ ứng xử thiếu chuẩn mực của giáo viên với học sinh, phụ huynh xảy ra trong ngành Giáo dục đã khiến bao người băn khoăn.

Một giáo viên chủ nhiệm một trường THPT ở Hà Nội túm áo, kéo lê học sinh từ cửa vào lớp, bắt nguồn chỉ từ chuyện chiếc bánh sinh nhật không được mua đúng chỗ. Một thầy giáo dạy môn Tiếng Anh một trường THPT ở Hà Nội xưng mày tao, bóp cằm, mắng một học sinh bằng những lời lẽ nặng nề. Rồi một giáo viên tiểu học ở Thanh Hóa đánh một học sinh lớp 4 do nghịch phá trong giờ học. Chưa hết, một thầy hiệu trưởng một trường THPT cũng ở Hà Nội đã cho một học sinh lớp 12 nghỉ học chỉ vì phụ huynh em này có những ý kiến về vấn đề thu, chi của nhà trường.

Thầy cô giáo luôn là tấm gương để học trò noi theo. Ảnh: N.P

 

Những vụ việc này được phát hiện và được các cấp, các ngành, nhất là ngành Giáo dục của các địa phương kịp thời vào cuộc giải quyết là do thông tin, clip phát tán trên mạng xã hội hoặc do dư luận, báo chí lên tiếng. Bởi vậy, không ít người cho rằng, liệu nơi nọ, nơi kia có còn những câu chuyện buồn khác liên quan đến chuẩn mực của người thầy, người cô mà chưa được phát giác, hoặc đang âm ỉ, hoặc được giải quyết trong phạm vi nội bộ hay không?

Đơn cử ngay chuyện lạm thu, dù “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng hết năm học này sang năm học khác vẫn luôn âm ỉ và trở thành mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh, của dư luận xã hội vào đầu mỗi năm học. Chưa bàn đến chuyện lạm thu bao nhiêu, lạm thu như thế nào, lạm thu ở những nội dung gì, vấn đề đáng quan tâm đó là phụ huynh, học sinh, là người dân nhìn nhận, đánh giá như thế nào về nhà trường, về người thầy, người cô – những người thực hiện sự nghiệp “trồng người” đã tìm mọi cách để kinh doanh, để tận thu trên sự học của học sinh.

Rồi như chuyện dạy thêm, học thêm. Tất nhiên có cầu ắt có cung, học sinh có nhu cầu được rèn giũa, bổ túc, nâng cao kiến thức và giáo viên là người đồng hành, hỗ trợ thêm cho các em ngoài phạm vi nhà trường. Vấn đề là ở chỗ, ngoài những giáo viên được các bậc phụ huynh, học sinh tín nhiệm tìm đến thì vẫn có những giáo viên kiểu như bắt ép, kiểu như các em đi học thêm ở nhà thầy cô sẽ được quan tâm hơn, chăm chút hơn khi học chính khóa ở lớp, hay  được cho trước dạng đề thi, thậm chí nguyên văn cả đề thi cho bài kiểm tra thường kỳ, kỳ thi chuyển cấp.

Sự quan tâm, yêu thương của thầy cô sẽ tác động đến tâm lý, tình cảm học trò. Ảnh: NP

 

Báo chí và dư luận đã lên tiếng nhiều về những ứng xử thiếu chuẩn mực của người thầy, những tiêu cực trong quan hệ thầy – trò, lại thêm những tác động tiền bạc (lạm thu, bắt ép học thêm…), nên dạy và học có nhiều mệt mỏi. Mệt mỏi không phải vì đói cơm lạt muối như những ngày gian khó mà do lạt cái tình, thiếu đi chữ “phạm”.

Vẫn biết “con sâu làm rầu nồi canh”, vẫn biết thầy cô giáo cũng là con người nên cũng có buồn, có vui, có lúc nóng giận, la lối, vẫn biết “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” nên thầy cô có những khi bị ức chế, áp lực. Nhưng, cho dù thế nào thì thầy cô giáo từ lời ăn tiếng nói cho đến cách cư xử, giải quyết các vấn đề cũng cần phải bình tĩnh, khéo léo, mẫu mực để qua đó cũng như là một cách dạy cho chính học sinh học tập, làm theo.

Vì, thầy cô giáo là những “sư” - thầy - được Nhà nước công nhận; còn “phạm” - là khuôn thước, là mẫu mực - cái phải được đặt ra trước tiên cho người làm nghề này. Theo nghề sư phạm tức là phải xác định làm một tấm gương để cho học trò noi theo. Ngoài trình độ, năng lực, khả năng dạy học thì nhất thiết phải “phạm”, thậm chí “mô phạm” thì mới làm được người thầy của muôn đời, muôn người.

Vì, giáo dục đâu chỉ là những bài học trong sách giáo khoa. Tình thương, sự ấm áp, ân cần, phân minh, nhân văn trong cách ứng xử, cư xử của thầy, của cô sẽ tác động đến tâm lý, tình cảm của học trò.

“Sư” phải đi cùng “phạm”; “sư phạm” được hiểu một cách giản dị là người thầy mẫu mực, khuôn phép, là tấm gương sáng cho học trò noi theo. Bởi vậy, những câu chuyện buồn về cách ứng xử của các thầy cô giáo xảy ra ngay đầu năm học mới này ở một số địa phương rõ ràng là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh chung, đòi hỏi các thầy cô giáo phải không ngừng nỗ lực giữ đạo làm thầy.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác