13/05/2025 13:05
Đơn cử như mới đây, trưa 7/5, một vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra tại thôn Tân Lập B, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà. Ông Nguyễn Hồng (63 tuổi) trong lúc đang lưu thông trên tuyến đường khu dân cư gần về đến nhà đã bất ngờ bị sét đánh trúng. Dù được người dân phát hiện kịp thời và nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại trạm y tế xã, nhưng ông Hồng đã không qua khỏi.
Điều đáng nói, đây không phải là vụ việc cá biệt. Tính từ ngày 15/4 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 9 trường hợp bị sét đánh, trong đó, có 3 người tử vong và 6 người bị thương.
Ngoài thiệt hại về người, mưa dông kèm sấm sét còn gây hư hỏng nặng cho nhiều ngôi nhà, làm tốc mái, gãy đổ cây cối và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân.
Hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là mưa dông kèm sấm sét, ngày càng xuất hiện với tần suất cao hơn ở khu vực Tây Nguyên, nhất là vào giai đoạn chuyển mùa. Theo các chuyên gia khí tượng, địa hình đồi núi kết hợp với không khí ẩm và nhiệt độ cao là điều kiện “lý tưởng” để hình thành các cơn dông mạnh, dễ gây ra sấm sét, lốc xoáy và mưa đá. Đây là mối đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân.
Trước tình hình đó, thời gian qua, chính quyền các địa phương và ngành chức năng của tỉnh đã liên tục đưa ra cảnh báo, khuyến nghị người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống thiên tai, đặc biệt, trong những thời điểm có dấu hiệu mưa dông. Khi phát hiện trời chuyển dông, người dân cần nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn, tránh tụ tập dưới gốc cây, ngoài đồng ruộng, hoặc gần các vật dụng kim loại dễ thu sét. Ngoài ra, việc sử dụng điện thoại di động hoặc thiết bị có phát sóng ngoài trời trong lúc có sét cũng nên hạn chế.
|
|
Đối với nhà ở, người dân nên chủ động kiểm tra, gia cố lại mái nhà, cột chống để hạn chế tối đa thiệt hại do gió mạnh và sét đánh gây ra. Những khu vực thường xuyên xảy ra sét nên lắp đặt hệ thống chống sét và hệ thống tiếp địa an toàn. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các kỹ năng ứng phó khi gặp thiên tai, nhằm hạn chế tối đa rủi ro đáng tiếc.
Ngoài ra, việc cập nhật thông tin thời tiết hàng ngày là điều cần thiết. Người dân nên theo dõi các bản tin dự báo từ cơ quan khí tượng thủy văn hoặc các ứng dụng dự báo thời tiết trên điện thoại di động để chủ động trong việc di chuyển và sản xuất. Đối với nông dân, nên cân nhắc thời điểm thu hoạch hoặc gieo trồng phù hợp để tránh ảnh hưởng do thời tiết bất thường.
Sự ra đi của ông Nguyễn Hồng và 3 người dân khác trên địa bàn do sét đánh là hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Không chỉ gây thiệt hại vật chất, các hiện tượng thời tiết cực đoan còn trực tiếp đe dọa đến tính mạng người dân. Do đó, việc nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức phòng, chống thiên tai và chủ động ứng phó là điều hết sức cần thiết để bảo vệ cộng đồng.
Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa, với tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Để giảm thiểu thiệt hại, không chỉ cần sự vào cuộc của chính quyền mà còn cần sự hợp tác tích cực từ người dân. Bởi lẽ, phòng ngừa luôn tốt hơn khắc phục và tính mạng con người luôn là điều quý giá nhất.
Hà Nam