Sốt xuất huyết vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”

18/09/2020 06:02

Dù ngành Y tế nhận định, năm 2020 không phải là chu kỳ của bệnh sốt xuất huyết Dengue, nhưng từ đầu mùa mưa đến nay, số lượng bệnh mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh vẫn không ngừng gia tăng. Nhiều giải pháp khống chế các ổ dịch, hạn chế số người mắc sốt xuất huyết đã được ngành Y tế phối hợp chính quyền các địa phương triển khai, nhưng sốt xuất huyết vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Theo thống kê của Sở Y tế, tính đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 223 ổ dịch sốt xuất huyết Dengue, trong đó, thành phố Kon Tum có 71 ổ dịch, huyện Đăk Hà có 48 ổ dịch, huyện Đăk Tô có 14 ổ dịch, huyện Ngọc Hồi có 47 ổ dịch, huyện Đăk Glei có 11 ổ dịch, huyện Sa Thầy có 20 ổ dịch, huyện Kon Rẫy có 10 ổ dịch, huyện Tu Mơ Rông có 1 ổ dịch và huyện Ia H’Drai có 1 ổ dịch. Như vậy, đã có 9/10 huyện/thành phố có dịch bệnh sốt xuất huyết xảy ra (với 55/102 xã/phường/thị trấn có ca bệnh).

Tổng số ca mắc sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn tỉnh hiện tại là 1.082, trong đó, thành phố Kon Tum có 135 ca, huyện Đăk Hà có 376 ca, huyện Đăk Tô có 295 ca, huyện Ngọc Hồi có 126 ca, huyện Đăk Glei có 71 ca, huyện Kon Rẫy có 48 ca,huyện Sa Thầy có 29 ca, huyện Tu Mơ Rông có1 ca và huyện Ia H’Drai có 1 ca. So với cùng kỳ năm 2019- năm được coi là chu kỳ của sốt xuất huyết Dengue thì số ca mắc sốt xuất huyết Dengue hiện tại đã cao hơn 41 ca và nhiều hơn tổng số ca bệnh của 2 năm 2017 và 2018 cộng lại là 106 ca. Đặc biệt, số ca mắc bệnh gia tăng nhanh từ tháng 7 đến nay với tống số ca mắc là 924 ca.

Mương máng đọng nước là môi trường lý tưởng để muỗi truyền bệnh sinh trưởng và phát triển. Ảnh: T.H

 

Số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue đang điều trị tại các cơ sở y tế 105 ca. Điều đáng mừng, đa số các trường hợp bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đều có tình trạng bệnh diễn tiến thông thường, không có trường hợp biến chứng nặng.

Trước sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết, ngành Y tế kịp thời triển khai nhiều giải pháp xử lý ổ dịch, giám sát các ca bệnh. Theo đó, hệ thống y tế cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức 464 đợt phun hóa chất tại 232 ổ dịch, tổ chức 22 đợt phun hóa chất chủ động trên diện rộng; tổ chức 232 đợt ra quân dọn vệ sinh môi trường diệt lăng quăng/bọ gậy. Ngành Y tế cũng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, ý thức phòng, chống sốt xuất huyết bằng nhiều hình thức như trực tiếp tại hộ gia đình, khu dân cư, gián tiếp bằng loa lưu động…

Mặc dù nhiều giải pháp đã được ngành Y tế triển khai quyết liệt, song trên thực tế tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue vẫn đang diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân chính được xác định là tại các địa phương vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố nguy cơ có thể khiến dịch bệnh lan rộng. Đó là công tác vệ sinh môi trường chưa thường xuyên và quyết liệt, ý thức tự phòng tránh của người dân chưa cao. Một số nơi hiệu quả diệt lăng quăng/ bọ gậy chưa cao; vẫn còn tình trạng phòng, chống sốt xuất huyết theo phong trào, qua loa, chiếu lệ. 

Thực tế, trong đợt kiểm tra về công tác phòng, chống sốt xuất huyết của lãnh đạo tỉnh và Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh tại tổ dân phố 6, trị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) và khối phố 9, thị trấn Đăk Tô (thị trấn Đăk Tô)- những nơi được coi là “điểm nóng” của sốt xuất huyết cho thấy sự chủ quan, lơ là, ỷ lại của người dân trong phòng, chống sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở các địa phương cũng chưa quan tâm đến việc tuyên truyền, đôn đốc người dân thực hiện dọn vệ sinh môi trường để phòng, chống sốt xuất huyết.

Ngoài ra, theo đánh giá của ngành Y tế, một yếu tố không kém phần quan trọng khiến cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết gặp nhiều khó khăn và thiếu hiệu quả là, vẫn còn một bộ phận người dân có thái độ bàng quan, thờ ơ và không hợp tác với y tế địa bàn trong việc phun hóa chất, gây khó khăn trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

Để khống chế dịch sốt xuất huyết nếu chỉ trông chờ vào ngành Y tế thì khó đạt được hiệu quả cao mà quan trọng là sự chung tay vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, đặc biệt là ý thức và sự chủ động phối hợp của người dân trong công tác phòng, chống dịch.

Thiên Hương

Chuyên mục khác