Sốt xuất huyết Dengue: Vẫn chưa hết lo

28/11/2020 13:03

Vài tuần trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue đã có dấu hiệu giảm, tuy nhiên thực tế diễn biến bệnh sốt xuất huyết vẫn đáng lo ngại và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chính vì vậy, để dịch không thể bùng phát trở lại, điều quan trọng là các địa phương, ngành chức năng và người dân ở địa phương cơ sở không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.

Tính đến hết ngày 17/11/2020, toàn tỉnh có 466 ổ dịch với 2.081 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue. Trong đó, thành phố Kon Tum có 330 ca, huyện Đăk Hà có 585 ca, huyện Đăk Tô có 421 ca, huyện Ngọc Hồi có 382 ca, huyện Đăk Glei có 151 ca, huyện Sa Thầy có 109 ca… Cả 10/10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có mắc sốt xuất huyết Dengue.

Theo đánh giá của ngành Y tế, từ năm 2017 đến nay, đây là năm tỉnh ta có số ca mắc sốt xuất huyết Dengue cao nhất. Tổng số ca mắc hiện đã cao hơn 456 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019-  năm chu kỳ của dịch sốt xuất huyết Dengue. Rất may, chưa có trường hợp tử vong nào do sốt xuất huyết Dengue gây ra.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến số ca mắc sốt xuất huyết Dengue gia tăng nhanh được ngành Y tế chỉ ra, nhưng trong đó yếu tố chính vẫn là sự chủ quan, thiếu quyết liệt trong phòng, chống dịch của người dân, chính quyền địa phương cơ sở.

Những lốp xe cũ, vật dụng phế thải có chứa nước đọng là môi trường để cho lăng quăng/bọ gậy sinh trưởng, phát triển. Ảnh: T.H

 

Theo đó, công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy vốn được xem là giải pháp căn cơ, hữu hiệu để phòng chống dịch bệnh dù các địa phương có triển khai, nhưng theo kiểu “được chăng hay chớ”, chưa thường xuyên và thiếu hiệu quả. Công tác truyền thông, hoạt động của các đội xung kích thôn, làng, tổ dân phố chưa được triển khai và duy trì thường xuyên nên chưa nâng cao được nhận thức và ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân. Thêm vào đó, một bộ phận không nhỏ người dân cũng chưa quan tâm, chú ý đến việc loại bỏ và xử lý các ổ chứa lăng quăng/bọ gậy mà còn trông chờ, ỷ lại vào việc phun hóa chất diệt muỗi…

Như ở huyện Ngọc Hồi, theo báo cáo của UBND huyện, mặc dù thời gian qua các biện pháp phòng, chống dịch như tuyên truyền, vận động người dân, phun hóa chất diệt muỗi, xử lý ổ dịch, ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường có được triển khai; nhưng, trên thực tế, tình hình dịch sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp với 378 ca bệnh sốt xuất huyết Dengue và xảy ra 87 ổ dịch ở các địa phương cơ sở.

Địa phương này thừa nhận rằng, công tác phòng, chống sốt xuất huyết còn những tồn tại, đó là ý thức tham gia phòng chống dịch bệnh của một số người dân trên địa bàn chưa cao, nhiều người cho rằng đây là việc của cơ quan chuyên môn, một số gia đình còn gây khó khăn cho cán bộ tuyên truyền và phun hóa chất diệt muỗi. Song, nguyên nhân cơ bản của điều này là do tổ xung kích tại các thôn, tổ dân phố chưa thật sự nhiệt tình tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân phòng, chống dịch; việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue cũng không thường xuyên, liên tục nên không mang lại hiệu quả.

Theo ngành chức năng, trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết có chiều hướng giảm, nhưng nguy cơ dịch bệnh vẫn tiềm ẩn. Bởi, qua điều tra, giám sát chỉ số lăng quăng/bọ gậy và chỉ số mật độ muỗi Aedes aegypti (muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue) tại 20 điểm dân cư cho thấy còn rất nhiều địa bàn có chỉ số cao.

Cụ thể, có 6 điểm vượt mức an toàn cho phép là Khối phố 8 (thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô), thôn Xuân Tân (xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi), thôn 14A, thôn 14B (xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei), tổ dân phố 3 và tổ dân phố 6 (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà). Có 8 điểm đang ở mức nguy cơ cao (nguy cơ xảy ra dịch bệnh) gồm: Thôn 2, thôn 8 (xã Diên Bình), khối phố 5 (thị trấn Đăk Tô) của huyện Đăk Tô; thôn Chiên Chiết (xã Đăk Xú), tổ dân phố 6 (thị trấn Plei Kần) của huyện Ngọc Hồi; thôn Đăk Dung (thị trấn Đăk Glei) của huyện Đăk Glei, thôn 11 (xã Đăk Hring) của huyện Đăk Hà và thôn Trung Thành (xã Vinh Quang) của thành phố Kon Tum.

Tại một số hộ gia đình, nhiều ổ lăng quăng/bọ gậy nằm trong các vật dụng phế thải, vật dụng ít được người dân chú ý dọn vệ sinh như bể, thùng chứa nước không có nắp đậy, lốp xe cũ, vỏ chai lọ vứt bừa bãi, hố nước đọng… là môi trường thuận lợi cho lăng quăng/bọ gậy sinh trưởng.

Hiện nay, thời tiết chuyển sang mùa khô, số ca mắc tuy đã giảm, nhưng những nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch vẫn tồn tại. Theo khuyến cáo của ngành Y tế tỉnh thì những ca mắc sốt xuất huyết Dengue nặng, đe dọa đến tính mạng người bệnh thường rơi vào thời điểm cuối mùa. Vì vậy, việc chủ động phòng tránh bệnh theo đúng khuyến cáo của ngành Y tế vẫn là biện pháp quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe mỗi người và cộng đồng.   

Thiên Hương

Chuyên mục khác