Sống mãi với niềm tự hào

07/05/2024 17:45

Theo thời gian, nhiều chiến sĩ Điện Biên một thời “khoét núi, ngủ hầm/ mưa dầm cơm vắt/ máu trộn bùn non...” đã không còn nữa. Tuy vậy, nhớ về các cụ với những kỷ niệm không phai mờ chính là góp phần bồi đắp thêm niềm tin, niềm tự hào về những đóng góp, cống hiến đầy ý nghĩa của thế hệ các chiến sĩ Điện Biên năm xưa tại địa bàn tỉnh.

Trong cuộc đời làm báo của mình, anh chị em chúng tôi may mắn được gặp gỡ nhiều cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từng tham gia chiến dịch Điện Biện Phủ, đóng góp sức mình cho ngày toàn thắng. Có thể nói, tuy không đông, nhưng các cựu chiến sĩ Điện Biên tại địa bàn tỉnh đã có mặt tại hầu hết các mặt trận, đóng góp tâm lực, công sức, trí tuệ để hoàn thành các nhiệm vụ công tác khác nhau.

Trong số các cựu chiến sĩ Điện Biên ngày ấy, ông Vũ Hữu Như - sinh năm 1922 (quê Nam Trực, Nam Định, nguyên là cán bộ hưu trí  tại phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) là chiến sĩ Điện biên cao niên nhất của tỉnh được chúng tôi kính trọng, yêu mến nhất. Ông luôn tự hào là một trong số sĩ quan đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được đào tạo cơ bản về pháo binh tại Trung Quốc và Liên Xô. Trực tiếp tham gia chiến đấu ở mặt trận Điện Biên ngay từ những ngày đầu chiến dịch, người lính pháo binh ấy đã góp phần làm nên thắng lợi trận Him Lam mở màn.

Cố chiến sĩ pháo binh Vũ Hữu Như. Ảnh: TN

 

Trong vai trò Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 45, Sư đoàn 351), ông Vũ Hữu Như chẳng những chỉ huy đơn vị đánh thắng nhiều trận, mà bản thân còn trực tiếp làm xạ thủ pháo 105 ly tinh nhuệ, góp phần cùng Đại đoàn công pháo hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt các tập đoàn cứ điểm của địch tại khu vực trung tâm Mường Thanh, chi viện cho bộ đội tiến công các cứ điểm E1, D1, D2, A1, C1, C2...

Ông thường nhắc lại những kỷ niệm của đơn vị với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người Anh Cả thân thương, gần gũi. Đáng nhớ nhất, là nhờ thường xuyên đi cơ sở, kiểm tra trận địa, nên nhiều khi Đại tướng vẫn ghé vào lán, ngủ cùng anh em chiến sĩ, cùng chia thuốc lào cho anh em. Có lần, Đại tướng còn vỗ vai, khen ngợi, biểu dương cậu cấp dưỡng của đơn vị, vì khi vào chiến dịch, cậu còn chưa biết chữ, nhưng đến khi chiến dịch thắng lợi, thì đã đọc thông hết các chữ cái.       

Nguyên chiến sĩ Điện Biên Đỗ Trọng Hòa (bên phải). Ảnh: TN

 

Lúc còn sống, ông Đỗ Trọng Hòa - nguyên Trưởng Ban Liên lạc Cựu chiến sĩ Điện Biên của tỉnh luôn say sưa, nhiệt huyết gắn kết anh em, đồng chí, đồng đội. Chuyện về Điện Biên được ông chia sẻ một cách đầy xúc động, tự hào. 17 tuổi, đang là học viên Trường Thiếu sinh quân Liên khu 4 đóng tại Nam Đàn, Nghệ An, ông Hòa đã được chọn lên đường đi chiến dịch. Giữa tháng 4/1954, quân ta khép vòng vây địch trên đồi A1. Đơn vị ông Hòa đóng ở Bản Kéo được giao nhiệm vụ đào hầm ngầm dưới đồi A1 để phục vụ vận chuyển thuốc nổ vào trận địa. Hoàn thành nhiệm vụ “phá hàng rào thép gai của địch” để  tạo thành “đột phá khẩu” cho bộ đội tiến vào đồi A1, song chứng kiến sự hy sinh anh dũng của đồng đội trong tổ 3 người là dấu ấn không bao giờ phai với người tiểu đội phó công binh năm  xưa.  

Chiến dịch Điện Biên Phủ đã huy động đông đảo lực lượng toàn quân, toàn dân, đóng góp sức người sức của trên mọi lĩnh vực chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Với cựu chiến sĩ Điện Biên Đỗ Văn Giàng (nguyên ở Tổ dân phố 2, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum), thời gian phục vụ ở Trạm Quân y tiền phương đã để lại những dấu ấn sâu sắc, không bao giờ quên.

Chiến sĩ Điện Biên năm xưa cùng cựu chiến binh hôm nay. Ảnh: TN

 

Ông Giàng sinh năm 1927 ở Xuân Phú, Yên Dũng, Bắc Giang. Đi bộ đội năm 1947, ông được biên chế vào Đại đội 85, Tiểu đoàn 426, Trung đoàn 88 - tiền thân của Sư đoàn 308 sau này. Đầu năm 1954, đơn vị được lệnh lên đường tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Hành quân đi bộ hơn nửa tháng, vừa đi vừa học chính trị và huấn luyện, đơn vị qua Lai Châu, Sơn La lên tập kết ở Mường Thanh. Từ Mường Thanh đến trận quyết chiến lịch sử trên Đồi A1 là quá trình vô vàn khó khăn, vất vả, mà các chiến sĩ quân y đã không quản hy sinh, gian khổ để cố gắng cứu sống được nhiều thương binh nhất, chữa trị cho anh em thương binh một cách kịp thời nhất. Nhờ công tác ở bộ phận này nên ông Giàng và đồng đội được chứng kiến niềm vui chiến thắng lịch sử vào chiều 7/5/1954. Thắng lợi vẻ vang không chỉ là khúc tráng ca về tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta mà còn để lại bài học đáng quý về tinh thần nhân đạo của quân và dân ta đối với tù binh  Pháp.

Bà Trần Thị Liên - nguyên cán bộ hưu trí ở thành phố Kon Tum từng chia sẻ rằng, bà vinh dự từng đóng góp sức lực cho quân ta chuẩn bị chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Từ đầu năm 1952, bà Liên tình nguyện đi  thanh niên xung phong, biên chế vào trung đội xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khoảng 1 tháng chuyển đạn phục vụ chiến trường, đơn vị được lệnh hành quân qua biên giới, sang Na Phầu, Thà Khẹt (Lào), phối hợp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đoàn kết với nhân dân nước bạn chống kẻ thù chung. Đi đường dài, dép giày hư hỏng hết, anh chị em lấy lốp xe cũ hỏng gọt lại, xỏ dây vào làm quai. Suối ở Na Phầu, Thà Khẹt thường đục ngầu, nên để kiếm được nước trong, anh chị em phải cất công đi hứng ở những vách núi đá.

Tròn 7 thập kỷ đã qua, khúc khải hoàn ngày ấy vẫn được ngợi ca bằng tất cả niềm tự hào, tin yêu và ngưỡng vọng. Vinh quang các chiến sĩ Điện Biên vai trần chân đất năm xưa! Dù đã lần lượt đi xa, các cụ vẫn sống mãi cùng nghĩa tình đồng đội hôm nay và niềm tri ân, tưởng nhớ của các thế hệ mai sau.

Thanh Như

Chuyên mục khác