Sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn

16/04/2020 06:01

Gạt những lo toan, gánh nặng cơm áo, những ngày cách ly xã hội là thời gian để mỗi người sống chậm lại, làm những điều bình dị, tận hưởng sự thư thái, bình an từ những điều bé nhỏ.

Mọi hôm, mới mờ sáng chị hàng xóm đã lu bu với hàng tá công việc. Nào soạn ly, tách, muỗng; nào rửa các loại củ, quả… để chuẩn bị cho quầy bán chè, nước ép trái cây hàng ngày. Gia đình có 6 người nhưng chẳng mấy khi được ăn sáng cùng nhau vì ai cũng vội vàng. Người nhai vội ổ bánh mỳ để lên lò gạch; người thì đi cạo mủ cao su (từ 2-3 giờ sáng); hai đứa con cũng ăn vội vàng để đến lớp học. Còn chị, loay hoay với công việc, lúc nào cũng ăn sáng vào nửa buổi. Có hôm bận bịu, bữa sáng gộp chung với bữa trưa. 

Mấy hôm nay, quán đóng cửa. Sáng sớm, chị đứng trước sân, vươn vai ới sang: “Sáng mát mẻ quá há! Nay được nghỉ làm hả”. Đứng nói dăm ba câu, chị hớn hở quay vào, bảo đi chuẩn bị bữa sáng cho gia đình. 30 phút sau, zalo hiện thông báo mới. Là chị. Chị chụp ảnh cả gia đình đang ăn sáng rồi khoe với dòng trạng thái rất dài: “Lâu lắm rồi cả nhà mới có thời gian được ngồi bên nhau, được cùng thưởng thức một bữa sáng chậm rãi, không vội vã. Chỉ mất có 30 phút để có những tô bún bốc khói, nóng hổi, thơm lừng, vậy mà, hàng ngày bận bịu đến mức chẳng có được 5 phút để ăn. Cả nhà cùng ăn sáng, hàn huyên với nhau cả buổi. Ôi! Cái việc mà chẳng bao giờ có thể làm được trong nhịp sống thường ngày. Buồn chán ư! Không. Cách ly xã hội là khoảng thời gian quý báu cùng gia đình.Tôi đang được tận hưởng cuộc sống gia đình đúng nghĩa”.

Hôm ấy, tôi nghe thấy tiếng cười rộn rã, tưng bừng trong gia đình nhỏ ấy. Căn nhà như muốn nổ tung trước tiếng la hét, mừng rỡ của cu Bo khi thắng ván lô tô, “ăn” được 10 ngàn đồng. Khỏi phải nói, mấy đứa nhỏ cứ quanh quẩn với chiếc tivi, nay được chơi cùng mẹ, cùng bố, ông bà, đứa nào cũng khoái chí, cười khanh khách cả ngày.

Cách nhà tôi tầm mấy căn, anh hàng xóm hăm hở kéo vòi nước tưới rau, rồi dọn dẹp nhà cửa. Trước đây, những việc này toàn chị vợ làm, nên thấy cảnh ấy, cả xóm bất ngờ. Mấy người đứng từ hiên nhà ới sang: “Ê! coi chiều cái xóm này ngập lụt nghe”. Anh cười giòn:  “Covid - được nghỉ mà. Tranh thủ giúp vợ con chút đỉnh”.

Hàng ngày, làm ở huyện, phải đi sớm, về muộn, anh không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Nay, được nghỉ, anh cùng vợ làm đất, trồng rau, tưới nước cho những nhánh lan rừng đang đến mùa ra hoa. Rồi hai vợ chồng lại sắp xếp, bê bộ bàn ghế gỗ để trước mái hiên, dọn dẹp góc vườn, tỉa lại mấy cây cảnh bỏ lâu không đụng tới. Làm xong, thấy tâm hồn thư thái, thoải mái, anh lại vọng sang: “Nay, sáng có chỗ uống cà phê rồi nhé! Không gian tươi mát, thoáng đãng, khỏi cần ra quán”. Chiều muộn, để ý thấy, cả gia đình ngồi quây quần bên chiếc bàn gỗ, cùng ăn quả mít chín cây. Cuộc sống cứ thế nhẹ nhàng trôi.

Hoàng hôn đang dần tắt, ghé ra phía trước mua ít đồ ăn cho gia đình, tôi đứng lại lắng nghe câu chuyện của cô bán bún. Chiếc khẩu trang che hết phần mặt, nhưng đôi mắt như biết cười, cô cứ thế rôm rả đủ thứ chuyện. Cô bảo, phải đến những ngày đóng cửa quán, cô mới có dịp để chăm sóc cho chính bản thân mình.

Ngày thường, những lúc đau ốm, ê ẩm hết mình mẩy nhưng ham công tiếc việc cũng chẳng dám nghỉ. “Bán bún cả ngày, tất bật từ 4h sáng đến tối mịt mới xong việc, nhiều lúc thèm được đi thể dục, thèm hít thở không khí trong lành mà có được đâu” – cô trải lòng.

Mấy ngày nay, sáng không phải lo nghĩ tới nồi nước lèo, rổ bún tươi, 4h sáng, hai vợ chồng thủng thẳng dạo quanh xóm tập thể dục rồi về nấu nướng, chậm rãi ăn sáng, chậm rãi thưởng thức ly cà phê sóng sánh.

Cách ly xã hội, có thời gian để sống chậm rãi, để nghĩ về bản thân nhiều hơn. Cô khoe có thời gian làm sữa chua, ngâm cho chồng ít rượu sâm dây; vừa đắp mặt nạ, vừa xem một bộ phim Hàn Quốc; cô có thời gian để các con nhổ cho vài sợi tóc ngứa. “Không vội vã, không xô bồ. Có mấy ngày mà thấy mình như trẻ lại” – cô hớn hở.

“Đến lúc tiền bạc chẳng còn nghĩa lý, sức khỏe và gia đình mới quan trọng nhất cô hè” tôi góp chuyện, “Ừ. Hàng ngày cứ chạy đua với cuộc sống, đến mức quên luôn những điều bình thường. Sống chậm thôi mà thấy cuộc sống ý nghĩa” - cô nói rồi cười lớn.

Bóng đêm tràn về, nhà nhà sáng điện. Kết thúc một ngày cách ly xã hội, nhẹ nhàng, thoải mái. Tạm gác những lo toan tiền bạc, tranh thủ gần gũi với thiên nhiên, ngắm nhìn xung quanh, thấy cuộc sống bình dị cũng thật thú vị, thật đẹp.       

Hoài Tiến

Chuyên mục khác