Sơ cứu, ứng cứu nhanh tai nạn giao thông: Mô hình nhỏ, ý nghĩa lớn

17/10/2016 14:09

Chẳng kể nửa đêm hay mưa gió, chỉ cần nghe thấy trên địa bàn xảy ra tai nạn giao thông, các thành viên trong đội Thanh niên xung kích tình nguyện sơ cứu, ứng cứu nhanh tai nạn giao thông đều nhanh chóng có mặt tại hiện trường giúp đỡ.

Ứng cứu kịp thời

Xã Đăk Man, huyện Đăk Glei có 30km đường Hồ Chí Minh chạy qua; trong đó, có rất nhiều đoạn, đường quanh co, dốc cao, hai bên đường là vực sâu thẳm, xe lưu hành qua gặp rất nhiều nguy hiểm, chỉ sơ hở là xảy ra tai nạn. Thực tế trên đoạn đường này, nhất là khu vực đèo Lò Xo đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm.

Trước thực trạng đó, năm 2014, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã thành lập đội Thanh niên xung kích tình nguyện sơ cứu, ứng cứu nhanh tai nạn giao thông của xã Đăk Man với 10 thành viên (gồm 3 bí thư chi đoàn của các thôn, bí thư, phó bí thư đoàn xã, 2 nhân viên y tế, 1 công an xã, 1 dân quân xã, 1 cán bộ văn phòng xã) để hỗ trợ kịp thời các nạn nhân không may bị tai nạn.

Ngay sau khi thành lập, các thành viên được trang bị: áo đồng phục, băng rôn, tài liệu, cán, nẹp, các thiết bị y tế... và được tập huấn về kỹ năng sơ, ứng cứu khi gặp người bị tai nạn giao thông.

Các đội được tập huấn các kỹ năng. Ảnh: B.A

 

Những ngày đầu thành lập, các thành viên còn khá bỡ ngỡ với công việc. Tuy nhiên, sau thời gian, ai nấy đều mạnh dạn học hỏi và nhiệt huyết, tận tình. Với địa bàn khá rộng nên các thành viên trong đội đều công khai số điện thoại cho tất cả các hộ dân để khi biết, họ kịp thời báo về cho đội.

“Trong những đợt tuyên truyền bà con chấp hành an toàn giao thông, chúng tôi lồng ghép, vận động bà con nếu có trường hợp nào bị tai nạn giao thông hãy gọi ngay cho đội để ứng cứu, giúp đỡ kịp thời” – anh A Chải - Bí thư Đoàn xã Đăk Man, Đội trưởng Đội thanh niên xung kích tình nguyện sơ cứu, ứng cứu nhanh tai nạn giao thông xã cho hay.

Sau hơn 2 năm, đội đã đi vào hoạt động ổn định. Ban ngày, các thành viên: nhân viên y tế, nhân viên văn phòng, bí thư, phó bí thư đoàn xã chia nhau túc trực tại xã để nắm bắt tình hình. Khi có sự việc, các thành viên liền gọi điện cho cả đội đến kịp thời.

Có nhiều vụ tai nạn xảy ra ban đêm, 2-3h sáng, cả đội cũng nhanh chóng có mặt, phối hợp với các nhân viên y tế, cảnh sát giao thông để ứng cứu, giúp đỡ. Đơn cử như ngày 23/6/2015, khi nhận được tin có một chiếc xe khách rớt xuống vực trên đèo Lò Xo phía Quảng Nam, trên xe có 34 nạn nhân, ngay lúc đó, cả 10 thành viên trong đội liền chạy đến, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn (Quảng Nam) hỗ trợ, đưa nạn nhân đi cấp cứu…

“Lúc đó dù trời tối, có thành viên nhà ở khá xa nhưng vẫn chạy đến để giúp đỡ mọi người. Nhiều lần 2-3h sáng, đang ngon giấc nhưng nghe gọi điện chúng tôi cũng tức tốc đến ngay. Nhiều bạn đi làm rẫy, trước nhiều trường hợp khẩn cấp cũng bỏ việc để chạy về hỗ trợ” – anh A Chải chia sẻ.

Cũng như ở Đăk Man, năm 2014, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành lập Đội Thanh niên xung kích tình nguyện sơ cứu, ứng cứu nhanh tai nạn giao thông ở xã Đăk Ang (Ngọc Hồi) và năm 2015, thành lập đội ở xã Tân Cảnh (Đăk Tô). Các đội đều phát huy vai trò trách nhiệm, mỗi khi có tai nạn, các thành viên trong đội đều cố gắng có mặt kịp thời để ứng cứu, hỗ trợ nạn nhân.

Có mặt tại hiện trường, các thành viên trong đội chia nhau ra mỗi người một việc. Người tìm vật báo hiệu khu vực có tai nạn giao thông để các phương tiện lưu thông chậm lại; thành viên thì phân luồng giao thông, tránh tình trạng dồn ứ, ách tắc giao thông; các thành viên khác thì lo cho người bị nạn, ứng cứu kịp thời, chở nạn nhân đến trạm xá gần nhất; có người lại bảo vệ tài sản của nạn nhân…

Với những vụ tai nạn giao thông xảy ra ở xa xã, xa trạm xá, các thành viên của đội thường tự huy động xe máy rồi chở bệnh nhân đến trạm xá, trung tâm y tế huyện. Anh A Ngọc – thành viên Đội thanh niên xung kích tình nguyện sơ cứu, ứng cứu nhanh tai nạn giao thông xã Tân Cảnh cho biết, từ khi thành lập đến nay, anh và các thành viên khác đã trực tiếp tham gia ứng cứu nhiều vụ tai nạn giao thông. Trong đó, anh nhớ nhất là vụ tai nạn của 2 vợ chồng đi thăm con trai là bộ đội và bị xe ô tô tông vào.

“Khi tôi đến, nạn nhân đã bất tỉnh rồi. Lúc đó, tôi liền chở người bị nạn xuống Bệnh xá Trung đoàn 24 để cấp cứu nhưng họ không qua khỏi vì va chạm quá mạnh” – anh Ngọc nhớ lại.

Rồi nhiều trường hợp khác, khi chở nạn nhân đi cấp cứu, cả đội túc trực, đợi đến khi có người nhà đến, các thành viên mới yên tâm trở về.

Còn nhiều khó khăn

Với những hiệu quả thiết thực, trong năm 2015, Tỉnh đoàn thành lập thêm 2 đội Thanh niên xung kích tình nguyện sơ cứu, ứng cứu nhanh tai nạn giao thông. Trong đó, tại Đăk Hà có 1 đội (ở xã Đăk Hring và Đăk Mar) và tại Đăk Glei thêm 1 đội (xã Đăk Môn). Cũng như các đội thành lập từ trước, những đội sau này được trang bị các vật dụng thiết yếu để đảm bảo cho công tác ứng cứu, cấp cứu kịp thời.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chia sẻ với chúng tôi, các thành viên ở hầu hết các đội đều cho rằng còn gặp quá nhiều khó khăn. Đa số là lao động chính trong gia đình, các thành viên phải trực tiếp tham gia sản xuất, kiếm kế sinh nhai, không thể túc trực hàng ngày, hàng giờ để cứu hộ. Chính vì vậy, mỗi khi có tai nạn xảy ra, việc tập trung gấp cũng không dễ dàng.

Cùng với đó, kinh phí hỗ trợ cho cả đội 1 tháng chỉ có 1 triệu đồng, không đủ xăng xe, đi lại. “Những vụ tai nạn ở xa phải chạy cả chục cây số hay chở nạn nhân đi cấp cứu, các thành viên cũng phải tự bỏ tiền xăng xe. Đời sống nơi đây còn khó khăn nên nhiều lúc các thành viên cũng thấy nản” – anh A Chải chia sẻ.

Còn các thành viên đội xã Tân Cảnh thì nói rằng, mặc dù biết việc làm của đội thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện, song mức kinh phí hỗ trợ hàng tháng quá thấp khiến các thành viên nản. Bởi nhiều trường hợp các thành viên phải bỏ công việc đồng áng, tập trung đến tận nơi để ứng cứu kịp thời. Và không chỉ thế, các thành viên trong đội còn phải tự lo tiền xăng xe, thậm chí trường hợp cấp bách phải thuê xe cho nạn nhân…

Các thành viên vẫn còn thiếu những kỹ năng sơ cứu, ứng cứu. Ảnh: B.A

 

Bên cạnh khó khăn về kinh phí, các đội còn gặp rất nhiều khó khăn trong kỹ năng sơ ứng cứu. Anh Nguyễn Văn Huynh - Phó Bí thư Đoàn xã Tân Cảnh nói rằng, sau khi thành lập, các thành viên trong đội cũng chỉ được tập huấn 1-2 lần về các kỹ năng sơ, ứng cứu tai nạn giao thông. Nhưng các buổi tập huấn cũng khá nhanh chóng, các thành viên hầu như chưa biết, thậm chí không biết các vật dụng mình được trang bị sẽ được sử dụng như thế nào.

“Mỗi khi đến hiện trường, chủ yếu nhân viên y tế sẽ thực hiện các bước sơ cứu. Các thành viên còn lại chỉ biết sử dụng bông băng để cầm máu, sát trùng chứ nẹp cố định hoặc băng bó… thì chúng tôi… chịu thua” – anh Huynh kể.

Một trong những điểm khó khăn khác đó chính là địa bàn khá rộng, nhiều trường hợp tai nạn ở cách xa trung tâm xã hay trạm y tế, các thành viên trong đội không thể sử dụng cáng để đưa nạn nhân đi cấp cứu mà phải tự huy động xe máy cá nhân của đội. Nhiều lúc các thành viên trong đội không có xe máy, việc lưu thông, chở đi cũng gặp bất tiện.

Ngoài việc tham gia sơ, ứng cứu, giúp đỡ các nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông, đội thanh niên xung kích tình nguyện sơ cứu, ứng cứu nhanh tai nạn giao thông còn tham gia tuyên truyền giúp người dân nhận thức rõ, chấp hành đúng luật lệ giao thông. Thế nhưng, ngoài một số thành viên sôi nổi, mạnh dạn, đa số các thành viên khác còn thiếu kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục.

Anh Vũ Văn Linh – Đội trưởng Đội thanh niên xung kích tình nguyện sơ cứu, ứng cứu nhanh tai nạn giao thông xã Đăk Hring và Đăk Mar cho biết, các thành viên còn rất rụt rè, không chủ động trong công tác tuyên truyền nên hiệu quả tuyên truyền, vận động chưa cao.

Thanh niên xung kích tình nguyện sơ cứu, ứng cứu nhanh tai nạn giao thông là một mô hình mang tính nhân văn sâu sắc, không chỉ giúp người bị nạn giảm thiểu rủi ro, tổn hại đến tính mạng mà còn thể hiện tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng. Tuy nhiên, với những khó khăn trước mắt, các đội cần có được quan tâm hơn nữa về kinh phí cũng như các lớp tập huấn sơ cứu, ứng cứu để hoạt động đảm bảo hiệu quả cao.

Bình An

 

Chuyên mục khác