27/06/2017 15:38
Với việc ban hành nghị định này, một lần nữa công tác quản lý thuê bao di động trả trước được thắt chặt hơn. Tình trạng sim rác, sim ảo sắp đến sẽ được loại bỏ ở mức tối đa. Đây là cơ sở pháp lý giúp cơ quan nhà nước thắt chặt quản lý các doanh nghiệp viễn thông theo hướng chất lượng, hiệu quả và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Hiện, Sở Thông tin Truyền thông và các nhà mạng trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương thực hiện nghị định này.
|
Ông Trần Văn Thu - Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông cho biết: Nghị định số 49/2017/NĐ-CP được ban hành với mục đích sửa đổi, bổ sung, thay đổi một số quy định về quản lý thuê bao di động nhằm tăng tính hiệu quả trong công tác triển khai, giảm thủ tục hành chính; tăng tính chính xác của thông tin thuê bao di động trả trước; đồng thời đưa ra các mức xử phạt nghiêm khắc hơn nhằm giải quyết những vấn đề tồn đọng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 nhà mạng di động là VNPT, Viettel, Mobifone và Vietnamobile. Theo Nghị định 49, các doanh nghiệp viễn thông chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với hoạt động của các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, kể cả các đại lý được ủy quyền; đồng thời chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin thuê bao. Một điều mới của Nghị định 49, số lượng sim trả trước đối với mỗi tổ chức, cá nhân được sử dụng sẽ không bị hạn chế như trước đây (3 thuê bao/cá nhân). Tuy nhiên, việc đăng ký thuê bao thứ 4 trở lên phải thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu với doanh nghiệp viễn thông di động và chịu sự kiểm tra, giám sát của doanh nghiệp viễn thông di động để đảm bảo các số thuê bao đó được sử dụng theo đúng quy định. Khách hàng đăng ký thuê bao phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng số thuê bao đã được cấp, cũng như khi chuyển nhượng thuê bao. Nghị định 49 có hiệu lực kể từ ngày ký. Các doanh nghiệp viễn thông có 12 tháng để chuẩn hóa toàn bộ dữ liệu thuê bao, trước khi phải chịu phạt tiền nếu bị phát hiện thông tin thuê bao sai lệch…
Ông Diệp Trung Kiên - Phó Giám đốc Viettel Kon Tum cho biết: Nghị định 49/2017/NĐ-CP quy định rõ điều kiện của các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, điều kiện giao dịch chung trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông. Sau khi Chính phủ ban hành nghị định này, Viettel Kon Tum đã làm việc với các điểm bán lẻ, điểm bán ủy quyền. Điểm nào đáp ứng theo quy định mới thì chúng tôi ký hợp đồng lại; đồng thời thanh lý hợp đồng đối với những cơ sở không đáp ứng tiêu chí của nghị định mới. Trong thời gian qua, Viettel Kon Tum đã tiến hành thu hồi hàng tháng từ 300 – 400 sim rác. Bên cạnh đó, Viettel Kon Tum không còn bán hàng “rong” (sim lẻ) mà bán theo gói và tăng cường các dịch vụ tiện ích, chăm sóc khách hàng; đồng thời tiếp tục đào tạo, hướng dẫn các điểm bán thực hiện đúng quy định.
Còn theo ông Phan Ngọc Thành Nhân- Trưởng phòng phụ trách kinh doanh Mobifone Kon Tum cho biết: Mobifone Kon Tum không còn sim kích hoạt sẵn, sim rác. Nhưng việc triển khai thực hiện Nghị định 49 Mobifone Kon Tum gặp những khó khăn nhất định. Trước đây, đội ngũ cán bộ, nhân viên của nhà mạng chúng tôi đã tổ chức bán lẻ sim đến tận thôn làng, nên việc thu thập thông tin và kê khai lại thông tin của thuê bao trả trước sẽ gặp nhiều trở ngại. Vì theo Nghị định 49, các thuê bao di động có thông tin thuê bao không đúng quy định sẽ bị thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều, nếu tổ chức cá nhân không thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung…Dù khó khăn, nhưng chúng tôi cố gắng triển khai thực hiện Nghị định 49, dừng toàn bộ và thu hồi sim đã kích sẵn, đẩy mạnh khâu chăm sóc khách hàng.
Có thể nói, với những quy định mới được sửa đổi và bổ sung tại Nghị định 49 tạo ra hành lang pháp lý khá đầy đủ về việc quản lý thông tin thuê bao di động trả trước. Đây thực sự là một chế tài mạnh mẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục triển khai quản lý hiệu quả hơn thuê bao trả trước, góp phần hạn chế tối đa tình trạng sim rác, sim ảo trên thị trường.
Dương Lê