Siết chặt kiểm soát các cửa ngõ, chặn dịch tả lợn Châu Phi

31/05/2019 06:22

Để ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi lây lan vào tỉnh, hàng loạt chốt kiểm soát được lập tại các cửa ngõ; đồng thời, công tác khử trùng tiêu độc, kiểm soát hoạt động giết mổ cũng sẽ được tăng cường.

Ông Nguyễn Tấn Liêm - Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện nay dịch tả lợn Châu Phi đang áp sát địa bàn tỉnh Kon Tum, với việc 2 tỉnh giáp ranh là Quảng Nam và Gia Lai đã có dịch. Với diễn biến phức tạp của dịch như hiện nay, nguy cơ bệnh lây lan vào tỉnh ta là rất lớn.

Thực hiện Công văn số 1231/UBND-NNTN ngày 23/5 và Công điện số 03/CĐ-UBND ngày 26/5 của UBND tỉnh về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch ứng phó khẩn cấp và các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại cơ sở; tổ chức hoạt động kiểm tra, kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn nhập vào tỉnh tại các Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông 24/24; kiểm tra, bổ sung vật tư, hóa chất, phương tiện đủ để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch khi có dịch xảy ra...

Riêng về hoạt động tiêu độc khử trùng, hiện nay, lượng hóa chất chuẩn bị đủ để đáp ứng yêu cầu. Từ tháng 4/2019, đã hoàn thành vệ sinh tiêu độc khử trùng đợt 1 trên địa bàn toàn tỉnh với 4.500 lít hóa chất Ben Ko Cid. Bắt đầu từ ngày 1/6, sẽ tiến hành cấp phát hoá chất cho các huyện, thành phố tiến hành tiêu độc khử trùng đợt 2.

"Một trong những biện pháp hàng đầu hiện nay để ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi lây lan vào tỉnh là kiểm soát nghiêm ngặt tất cả cửa ngõ ra vào, không lấy lợn từ các vùng nuôi đang có dịch bệnh" - ông Nguyễn Tấn Liêm nhận định.

Hiện cả 3 trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông ra vào tỉnh, gồm trạm Măng Khênh (huyện Đăk Glei), Vi Ô Lăk (huyện Kon Plông) và Sao Mai (thành phố Kon Tum) đều tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát động vật và sản phẩm động vật nhập vào địa bàn tỉnh.

Lực lượng chức năng kiểm tra các phương tiện vào tỉnh tại Trạm Kiểm dịch Vi Ô Lăk trên Quốc lộ 24. Ảnh: VP

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc kiểm soát tại các vùng giáp ranh với tỉnh bạn gặp nhiều khó khăn, do địa hình phức tạp, nhiều đường mòn, lối đi tắt, thuận lợi cho hoạt động vận chuyển trái phép.

"Qua kiểm tra cho thấy, có một thực tế là khi chúng ta làm gắt, một số đối tượng sẽ tìm cách né trạm, lén lút vận chuyển theo lối tắt, như vậy sẽ không kiểm soát được hoàn toàn, nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn rất cao" - ông Nguyễn Tấn Liêm bày tỏ lo ngại.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Tấn Liêm, cần chuyển vị trí hoạt động của Trạm Kiểm dịch động vật Vi Ô Lăk về ngã tư đường Đông Trường Sơn và Quốc lộ 24 (xã Hiếu, huyện Kon Plông) để thực hiện kiểm soát hoạt động vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn theo hướng huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) lên.

Thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời (với lực lượng gồm Thú y, Công an, Dân quân) tại các trục đường nối với các tỉnh Gia Lai, Quảng Ngãi... để kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật vào địa bàn. Các chốt kiểm dịch này sẽ làm luôn nhiệm vụ tiêu độc khử trùng tất cả các phương tiện vận chuyển ra vào tỉnh.

Đồng thời, UBND tỉnh cần chỉ đạo Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh tổ chức tuần tra, kiểm soát, khóa chặt các đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới tiếp giáp với Lào và Campuchia; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về vận chuyển, mua bán lợn và sản phẩm từ lợn.

Cũng theo ông Nguyễn Tấn Liêm, ngoài việc làm tốt khâu kiểm soát các cửa ngõ ra vào địa bàn, các huyện, thành phố cũng cần đặc biệt chú trọng "mặt trận" nội địa.

Một mặt, cần đẩy mạnh tuyên truyền để mọi cơ quan, tổ chức và người dân hiểu đúng về bệnh dịch tả lợn Châu Phi, từ đó chủ động tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh; không chủ quan với bệnh dịch tả lợn Châu Phi nhưng cũng không quay lưng với thịt lợn và sản phẩm từ lợn không mắc bệnh.

Mặt khác, thường xuyên giám sát tình hình dịch bệnh đàn lợn đến tận hộ gia đình. Kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp lợn mắc bệnh, chết do bệnh hoặc nghi ngờ bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Địa phương nào để xảy ra tình trạng giấu dịch, hoặc không báo cáo, xử lý kịp thời thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Thành lập đội kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra hoạt động vận chuyển mua bán, giết mổ lợn, sản phẩm lợn; kiên quyết xử lý nghiêm các điểm mua bán, giết mổ lợn và sản phẩm từ lợn không đúng nơi quy định hay không có kiểm soát của cơ quan thú y.

Đối với địa phương có cơ sở giết mổ tập trung, kiểm tra chặt chẽ và thường xuyên công tác quản lý và quy trình thực hiện kiểm soát giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung; không để xảy ra tình trạng đưa gia súc mắc bệnh, gia súc chưa qua kiểm dịch vào giết mổ. Rà soát và tổ chức đưa tất cả các cơ sở giết mổ vào thực hiện việc giết mổ.

Ở địa phương chưa có cơ sở giết mổ tập trung, tổ chức kiểm tra hoạt động giết mổ tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn, đôn đốc, nhắc nhở cơ quan thú y địa phương tổ chức, thực hiện công tác kiểm soát giết mổ theo quy định của pháp luật về thú y. Kiên quyết xóa bỏ các điểm giết mổ, điểm kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn chưa được cấp giấy phép; tổ chức các quầy hàng, cửa hàng kinh doanh thịt lợn đảm bảo an toàn phục vụ cho tiêu dùng của người dân...

Theo số liệu của Cục Thú y, đến ngày 27/5, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 3.030 xã, 274 huyện của 43 tỉnh, thành phố với tổng số lợn bị bệnh và phải tiêu hủy là hơn 1,77 triệu con.

Hồng Lam

 

Chuyên mục khác