Sĩ tử “gồng mình” ôn thi vào lớp 10

01/06/2018 13:10

​Tiếng ve vừa gọi hè cũng là lúc các em học sinh lớp 9 “vắt chân lên cổ”, chạy nước rút, ôn thi với hi vọng tìm chiếc vé vào các trường điểm: THPT Kon Tum, THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành.

Dồn sức luyện thi

Những ngày này, tại các địa điểm dạy thêm, dạy kèm các môn: Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh văn trên địa bàn thành phố Kon Tum, đâu đâu cũng đông học sinh lớp 9 tham gia ôn luyện thi vào lớp 10. Tốp học sinh này vừa ra, tốp khác lại vào.

Đứng tại các điểm này, không khó để bắt gặp các phụ huynh đứng chờ chực đón đưa; các em học sinh với khuôn mặt mệt mỏi vừa tan học đã đi tiếp đến các cơ sở khác để ôn. “Thời gian gấp rút nên em phải ôn, học liên tục cả tuần mới kịp được” – một em học sinh cho biết.

Với mục tiêu thi đậu vào lớp chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, khi học kỳ II năm học 2017-2018 vừa kết thúc, em Dương Huy Hoàng, lớp 9A, Trường THCS Trần Hưng Đạo đã tìm đến nhà các thầy cô giáo ôn luyện.

Các em học sinh tất bật làm hồ sơ dự thi. Ảnh: Mai Trâm

 

Nắm lịch trường tổ chức thi vào ngày 11-12/6, thời gian không nhiều, chính vì vậy, cả tuần Hoàng kín lịch cho việc ôn thi. Em cho biết, bắt đầu từ 13h30-15h30 em học kèm Toán; sau đó, từ 16h30 em tiếp tục đạp xe đi học kèm Văn tại nhà một cô giáo trên đường Trần Nhân Tông (môn này em học nguyên tuần); 18h30 tan học môn Văn, đến 19h, em lại cấp tốc đạp xe đến đường Lý Tự Trọng học Anh văn cho đến 21h mới trở về.

“Hầu như từ chiều đến tối em đi học; buổi sáng em lại dành thời gian tự ôn ở nhà. Lịch học dày đặc nên việc ăn uống của em cũng không đảm bảo, nhiều lúc chỉ ăn vội ổ bánh mì hoặc hộp sữa thôi” – em Hoàng chia sẻ.

9 năm liền học sinh giỏi, dù nắm khá vững kiến thức, tuy nhiên, Hoàng vẫn khá áp lực với kì thi sắp đến. Hoàng nói: Tỉ lệ chọi khá cao. Dù khá mệt mỏi với lịch học nhưng em phải cố gắng vì tương lai của mình.

Có riêng gì Hoàng, với mục tiêu thi vào lớp 10 chuyên Lý, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, thời gian này, em Nguyễn Thảo Vy, phường Duy Tân cũng tất bật cho việc ôn thi.

Cả ngày, Thảo Vy quay chong chóng với lịch học thêm 4 môn: Toán, Lý, Văn, Anh văn. Lịch học môn này cách môn kia chỉ vài phút, mệt, đói lả người nhưng Vy chỉ kịp gặm vội ổ bánh mì hoặc lót dạ bằng hộp sữa, đến đêm về nhà mới ăn cơm.

Hay nhiều em ở xã Hòa Bình, với mục tiêu thi vào Trường THPT Kon Tum, vừa học ôn tại các thầy cô ở xã, em còn “khăn gói”, lặn lội đi hơn 7km xuống phố ôn thi. Các em cho biết, dù trên thành phố có nhiều trường THPT nhưng vì thích học ở Trường THPT Kon Tum nên các em cố gắng thi. Qua tìm hiểu, thấy việc thi vào trường không dễ nên tất cả đều tập trung ôn luyện.

Năm nay, Trường THPT Kon Tum và THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành thi cùng ngày, chính điều đó, áp lực càng đè nặng. “Trường THPT Kon Tum chỉ xét nguyện vọng 2 với 100 hồ sơ của các học sinh thi rớt THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành. Chính vì vậy, chúng em rất lo” – Hoàng chia sẻ.

Cha mẹ cùng con “chạy đua”

Kì thi càng đến gần, cùng với các sĩ tử, nhiều bậc phụ huynh cũng phập phồng, áp lực không kém. Khi con vừa kết thúc năm học, chị M ở phường Trường Chinh đã lặn lội đi tìm, xin chỗ học kèm cho con. Cùng với đó, chị sắp xếp công việc, dành gần thời gian buổi chiều để đưa, đón con đi học.

“Đây là kỳ thi quan trọng nên mình cho cháu ôn đến 4 môn, trong đó đa số học kèm. Tiền học kèm trong 2 tuần cũng mất khoảng 3-5 triệu đồng”- chị M cho biết.

Ngoài việc tìm chỗ, đưa đón con đi học, chị M còn lo lắng, giúp con làm hồ sơ cũng như tập trung kèm cặp, nhắc nhở con chăm chỉ học hành. “Đâu riêng gì mình, tâm lý chung của phụ huynh ai không lo lắng. Cố gắng cho con đậu vào trường điểm, có môi trường học tập thuận lợi, sau này việc thi đại học dễ dàng hơn” – chị M bộc bạch.

Tương tự chị M, gần 2 tuần nay, các phụ huynh ở các xã: Ia Chim, Đăk Năng, Hòa Bình, Đoàn Kết cũng sắp xếp việc đồng áng để đưa đón con đi học thêm ngoài thành phố. Các chị cho biết, dù ở xã có trường THPT, việc học thuận tiện, không phải đi xa nhưng các chị vẫn muốn con thi đỗ vào Trường THPT Kon Tum.

“Nay đang mùa làm cỏ cà phê nhưng mình thuê công để dành thời gian chở cháu ra phố ôn thi. Có hôm cháu học cả buổi chiều, mình cũng ngồi vất vưởng, đợi cháu học xong rồi chở về” – chị T, xã Ia Chim chia sẻ.

Chị T cho biết, chị rất kỳ vọng vào con gái nên ngoài việc chở con đi học, nhắc nhở con ôn thi, thấy con học vất vả, chị cũng mua thức ăn tẩm bổ cho con. Cùng với đó, chị cũng mua thêm sách tham khảo, các vật dụng cần thiết để con an tâm bước vào kỳ thi.

“Kỳ thi vào lớp 10 cũng căng thẳng như thi vào đại học. Bởi vậy, chúng tôi cũng áp lực, lo lắng lắm. Phải khi nào các cháu thi xong, có kết quả tốt thì phụ huynh chúng tôi mới yên tâm” – chị T nói.

Trước lực học tốt của con, phụ huynh em Hoàng không tạo áp lực cho con. Tuy nhiên, khi biết tỉ lệ chọi vào trường Chuyên khá cao, chị cũng “ngồi trên đống lửa”. Chị tâm sự: Con tôi có ý thức tự học cao nên tôi không phải nhắc nhở. Dù có lo lắng nhưng tôi thường xuyên khuyên con phải thư giãn, thoải mái mới thi tốt nhưng bản thân cháu tự tìm chỗ, xin đi học thêm để có kết quả cao trong kỳ thi.

Kỳ thi nào cũng căng thẳng, tuy nhiên, việc bố mẹ quá lo lắng, kỳ vọng sẽ tạo thêm áp lực cho các con. Sau sự chuẩn bị kỹ càng về kiến thức, hãy để các cháu thoải mái, có đủ sức khỏe mới mong đạt kết tốt trong kỳ thi. 

Bình An

Chuyên mục khác