Sĩ quan biên phòng với sáng kiến “mô hình bắn máy bay không người lái”

07/04/2024 13:09

Xuất phát từ đam mê và nhu cầu thực tiễn phục vụ huấn luyện, Trung úy Trần Ngọc Hải – Đội trưởng Đội Tham mưu hành chính, Đồn Biên phòng Sê San đã tìm tòi sáng chế ra mô hình mô phỏng máy bay không người lái (gọi tắt là UAV) phục vụ huấn luyện.

Tôi gặp Trung úy Trần Ngọc Hải trong buổi trưng bày các mô hình học cụ với sáng kiến “Mô hình bắn máy bay không người lái UAV, cách nhận biết thiết bị bay Drone, Flycam”. Nhìn Hải say sưa thuyết trình giới thiệu về sáng kiến của mình, đủ thấy anh tâm huyết thế nào cho đề tài này. 

Mô hình được Trần Ngọc Hải mô phỏng theo các thiết bị bay không người lái dạng 1 động cơ đẩy sau, được sử dụng trong huấn luyện, luyện tập xác định các mục tiêu không người lái, từ đó bắn áp chế tiêu diệt trong thực tế chiến đấu.

Mô hình đã được đưa vào sử dụng tại Đồn Biên phòng Sê San. Trong quá trình huấn luyện chiến đấu, các chiến sĩ sẽ được nhìn, chứng kiến tận mắt về UAV đang hoạt động tại khu vực huấn luyện, từ đó xác định được mục tiêu, có phương án tiêu diệt trên không bằng những vũ khí được biên chế tại Đồn.

Trung úy Trần Ngọc Hải kiểm tra thành quả mô hình máy bay không người lái. Ảnh: DN  

 

Trung úy Trần Ngọc Hải chia sẻ: Được sự ủng hộ, giúp đỡ của cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê San, tôi bắt đầu nghiên cứu về thiết bị này từ tháng 10 năm 2022. Sau rất nhiều lần bị hư hỏng thì cuối cùng mô hình cũng đã được hoàn thiện. Đề tài được nghiên cứu dựa trên tình hình, yêu cầu thực tế của chiến tranh hiện đại ngày nay; đáp ứng yêu cầu huấn luyện chiến đấu ở các đơn vị trong lực lượng Bộ đội Biên phòng, giúp cán bộ chiến sĩ trong đơn vị làm quen và nhận biết được các loại máy bay không người lái UAV, các thiết bị bay Drone, Flycam, từ đó huấn luyện các bài bắn hạ các thiết bị trên một cách  hiệu quả.

UAV do Hải sáng chế gồm 3 phần: Thân (động cơ đẩy (moter), điều tốc (ESC), hệ thống cung cấp năng lượng (pin), bộ phận lái đuôi (cơ tự động đuôi), bộ phận nhận tín hiệu điều khiển bay); cánh (bộ phận lái cánh (cơ tự động lái cánh), cánh lái trái phải); đuôi (cánh lái đuôi). Tốc độ bay có thể đạt 50-80km/h, bay đa hướng, mô phỏng 90% kiểu bay của các dòng UAV cánh bằng hiện tại, chống gió tốt với gió nhẹ, cự ly bay tối đa 500m, cự ly bay điều khiển thực tế 200-300m (tùy tầm nhìn của người điều khiển).

UAV có thể bay dựa theo nguyên lý khí động học, cánh được thiết kế theo chiều vát bầu dục, khi có lực kéo từ động cơ, tác động vào cánh sẽ tạo nên lực nâng đưa máy bay bay lên (lực nâng gấp đôi trọng lượng máy bay).

Trung úy Trần Ngọc Hải cho biết: Chi phí chế tạo ra chiếc UAV này rất rẻ, dao động từ 800 – 900 ngàn đồng (nếu sản suất số lượng lớn giá thành sẽ rẻ hơn); nguyên vật liệu lại dễ mua.

Đánh giá về hiệu quả sáng kiến, Đại tá Trần Ngọc Tùng – Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nhận xét: Điểm mạnh của mô hình là sử dụng rất phù hợp với điều kiện thực tế huấn luyện và chiến đấu của bộ đội trong thời kỳ mới, nâng cao nhận thức và khả năng nhận biết của cán bộ, chiến sĩ về mục tiêu UAV.

Trung úy Trần Ngọc Hải nghiên cứu chế tạo Flycam. Ảnh: D.N  

 

“Đây là mô hình tự làm nên chúng ta hoàn toàn làm chủ về mặt thiết bị, nâng cấp cải tiến hoàn toàn độc lập. Việc sửa chữa, thay thế khi bị hư hỏng cũng hoàn toàn có thể do bộ đội tự chủ làm ngay ở đơn vị. Hư hỏng bộ phận nào sửa chữa thay thế bộ phận đó. Một mô hình có thể phục vụ công tác huấn luyện trong vài năm” - Đại tá Trần Ngọc Tùng thông tin thêm.

Cũng theo Đại tá Trần Ngọc Tùng, đây là lần đầu mô hình được nghiên cứu, thời gian nghiên cứu ngắn, nên mô hình vẫn còn một số khuyết điểm cần khắc phục, như mô hình chế tạo hoàn toàn thủ công nên còn khá đơn giản và chưa đạt được độ chuẩn xác cao; khả năng điều khiển và làm chủ mô hình còn phụ thuộc vào cảm nhận của người điều khiển.

“Mô hình do cán bộ sĩ quan trẻ trực tiếp nghiên cứu chế tạo, vì vậy thể hiện được tinh thần ham học hỏi, chủ động, sáng tạo của người cán bộ. Tương lai có thể từ đề tài này phát triển nên nhiều loại đề tài, sáng chế khác có tính thực tiễn cao hơn. Trong điều kiện vừa công tác, vừa nghiên cứu thời gian rất hạn chế nhưng cán bộ trẻ vẫn tích cực nghiên cứu chế tạo mô hình, sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Vì vậy, thời gian tới việc tạo điều kiện cho cán bộ sĩ quan trẻ thực hiện đam mê nghiên cứu, sáng tạo tích cực là rất cần thiết” – Đại tá Trần Ngọc Tùng chia sẻ thêm.

Từ thành công bước đầu với mô hình máy bay không người lái, Trung úy Trần Ngọc Hải đang nghiên cứu, chế tạo Flycam với 4 động cơ, dự kiến đưa ra  “trình làng” vào mùa huấn luyện năm 2025.  

Dương Nương

Chuyên mục khác