05/02/2020 13:05
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành được người dân đặc biệt quan tâm, chú ý. Điều đáng nói, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực đúng vào dịp Tết Nguyên đán cũng khiến cho nhiều người cảm thấy băn khoăn, thậm chí có người còn suy nghĩ rằng chúc Xuân mà không có ly rượu đầu năm thì sẽ mất vui. Tuy nhiên, với các chế tài xử lý nặng “đánh vào túi tiền” của các đối tượng vi phạm và việc xử lý kiên quyết của lực lượng chức năng đã có tính răn đe thực sự, khiến nhiều người không dám điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu, bia.
Giờ đây, câu chuyện rượu bia đã trở thành chủ đề bàn tán của mọi cuộc hàn huyên tâm sự ở mọi tầng lớp, từ cán bộ công chức đến người dân lao động, ở mọi nơi từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh. Cũng có người vì xử phạt cao nên sợ; có người bày tỏ sự băn khoăn, phản đối vì thói quen “lai rai” sau ngày làm việc phải kiềm chế, hoặc từ bỏ. Nhưng có rất nhiều người lại ủng hộ, nhất là những bà vợ có các ông chồng hay đi nhậu. Vấn đề được nhiều người đặt ra là, cần sự công tâm, cương quyết trong việc thực thi để luật thực sự đi vào cuộc sống.
Sau 1 tháng thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, nhìn chung được người dân rất quan tâm, ủng hộ và phần lớn người tham gia giao thông chấp hành rất nghiêm túc quy định của pháp luật.
|
Trong thời gian qua, nhiều ngày liền, phóng viên Báo Kon Tum đi thực tế cùng lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát, kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến Quốc lộ, các tuyến phố nội thành Kon Tum.
Qua thực tế, chúng tôi nhận thấy lực lượng chức năng thực hiện xử lý rất kiên quyết. Số người phát hiện vi phạm nồng độ cồn cũng không nhiều. Một buổi tối dựng chốt kiểm tra trên đường Thi Sách, lực lượng Cảnh sát giao thông tiến hành dừng kiểm tra nồng độ cồn cả trăm phương tiện ô tô và mô tô, nhưng chỉ phát hiện có 2 trường hợp người điều khiển xe mô tô vi phạm. Đó là trường hợp của anh A.T (xã Ngọc Bay thành phố Kon Tum) vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,118mg/lít khí thở. Với mức vi phạm này, anh A.T bị lập biên bản vi phạm, tạm giữ phương tiện và theo quy định tại Nghị định 100, anh A.T bị phạt 2,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 11 tháng. Trường hợp thứ 2 là anh N.T.T (ở phường Duy Tân thành phố Kon Tum) vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,25mg/lít khí thở và bị lập biên bản vi phạm, tạm giữ phương tiện. Với mức vi phạm này, anh N.T.T sẽ bị xử phạt 4,5 triệu đồng, bị tước giấy phép lái xe 17 tháng.
Đáng ghi nhận là không có trường hợp người điều khiển phương tiện chống đối hoặc từ chối không tiến hành kiểm tra nồng độ cồn.
Tâm sự với chúng tôi, một cán bộ Cảnh sát giao thông tỉnh cho hay, chính sự tuyên truyền mạnh mẽ, liên tục của các cơ quan truyền thông nên người dân biết đến quy định của Luật cũng như hiểu rõ các chế tài xử phạt quy định của Nghị định. Vì vậy, tình trạng người điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu bia cũng giảm.
Vào một buổi tối khác, chúng tôi theo chân lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh và Cảnh sát giao thông huyện Đăk Hà kiểm tra nồng độ cồn trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Đăk Hà.
Ghi nhận thực tế tại chốt kiểm tra, gần như tất cả các phương tiện ô tô và xe mô tô chạy qua chốt kiểm tra đều được lực lượng Cảnh sát giao thông dừng phương tiện và yêu cầu lái xe kiểm tra nồng độ cồn.
Gần 3 giờ làm nhiệm vụ kiểm tra tại chốt, lực lượng Cảnh sát giao thông tiến hành kiểm tra, đo nồng độ cồn khoảng hơn 200 trường hợp, trong đó chỉ có 2 trường hợp người điều khiển xe mô tô vi phạm. Còn với người điều khiển xe ô tô, mặc dù kiểm tra cả trăm xe nhưng không phát hiện trường hợp nào vi phạm nồng độ cồn. Tất cả các người điều khiển đều tự giác chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng.
Tại đây, anh Lê Ngọc T (huyện Sa Thầy) điều khiển xe mô tô bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn là 0,169mg/lít khí thở. Với lỗi này, theo quy định tại Nghị định 100, anh T bị xử phạt 2,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 11 tháng.
Chia sẻ với chúng tôi, anh T cho hay, anh biết rõ về quy định của Luật qua các phương tiện thông tin đại chúng nên thời gian qua rất ít khi chạy xe khi đã uống rượu bia. “Nhưng hôm nay, đến nhà người bạn ở xã Đăk Mar ăn giỗ, mới đầu tôi cũng không uống, nhưng vì quá nể bạn bè nên tôi chỉ uống đúng một lon bia. Dẫu uống ít nhưng như vậy cũng đã vi phạm nên tôi chấp hành việc xử phạt của cơ quan chức năng thôi” - anh T phân trần.
Anh Lê Xuân C (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy lên nhà bạn ở Tu Mơ Rông) - bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn với mức 0,110mg/lít khí thở. Với mức này anh C cũng bị phạt 2,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 11 tháng. Anh C cho biết; Vì quá nể bạn mời nên tôi uống đúng 2 ly rượu chứ không uống nhiều. Tôi nghĩ uống 2 ly cũng không sao nên sau khi tan tiệc tôi chạy xe từ Tu Mơ Rông để về Sa Thầy nhưng đến đây thì bị kiểm tra nồng độ cồn và bị xử phạt.
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), trong tháng đầu tiên thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra nồng độ cồn hàng nghìn trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhưng chỉ phát hiện hơn 80 trường hợp vi phạm, trong đó, chủ yếu là người điều khiển xe mô tô; chỉ có 4 trường hợp người điều khiển xe ô tô, với mức vi phạm thấp nhất, chưa vượt quá 0,25mg /lít khí thở. Với mức này, người điều khiển xe ô tô bị phạt từ 6-8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe ô tô từ 10 - 12 tháng.
Theo đại tá Lê Đình Toàn- Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, chính vì chế tài xử phạt nặng khiến người điều khiển xe ô tô thực hiện nghiêm hơn xe mô tô.
“Chúng tôi sẽ cử lực lượng làm nghiêm, thực hiện quyết liệt thường xuyên, liên tục về xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn, qua đó nhằm góp phần kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh” - đại tá Lê Đình Toàn khẳng định.
Văn Phương