Sau Giờ Trái đất

28/03/2022 05:53

Mục đích cuối cùng của Giờ Trái đất là gì, nếu không phải là cứu trái đất? Tiết kiệm năng lượng là mục tiêu ban đầu, từ đó nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu, suy cho cùng, cũng là để cứu “ngôi nhà” của chúng ta.

Đây là một sáng kiến của Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) vào năm 2007, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng trên toàn thế giới.

Việt Nam tham gia Giờ Trái đất từ năm 2009, với các thành phố lớn: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hội An, Huế và Nha Trang. Lượng điện tiết kiệm được trong lần đầu tiên này là 140MW (tương ứng 133 triệu đồng).

Năm 2022, chiến dịch Giờ Trái đất được phát động với chủ đề "Kiến tạo tương lai - bây giờ hoặc không bao giờ". Toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước hưởng ứng sự kiện “Tắt đèn”, từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày 26/3.

Kon Tum tham gia Giờ Trái đất từ năm 2011, với việc Sở Công thương ban hành văn bản số 213/SCT-QLNL ngày 4/3/2011 về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái Đất trên địa bàn tỉnh.

Trong đó triển khai vận động nhân dân, đặc biệt là tại các khu vực đô thị, tham gia tắt đèn và các thiết bị không cần thết vào thời gian diễn ra sự kiện Chiến dịch Giờ Trái Đất. Các đơn vị quản lý chiếu sáng công lộ tắt 1/3 số đèn; tắt tất cả các loại đèn quảng cáo.

Như vậy, đây là lần thứ 12, tôi và người dân Kon Tum tham gia Giờ Trái đất. Đúng 20 giờ 30 phút ngày 26/3, tôi tắt hầu hết bóng điện trong nhà, tắt tivi, quạt, máy tính.   

Ngay lúc đó, chú em công tác ở huyện Ia H’Drai chia sẻ qua zalo bức ảnh chụp căn phòng mờ mờ ánh nến, kèm lời chú thích khá hài hước và ấn tượng “nến không sáng hơn điện, nhưng tiền điện tháng này sẽ giảm”.

Cậu cũng cho biết, huyện Ia H'Drai đã yêu cầu tắt/giảm đèn chiếu sáng công lộ (nhưng không ảnh hưởng đến giao thông); tắt phần lớn đèn chiếu sáng, chiếu sáng trang trí và các thiết bị điện không cần thiết tại cơ quan, đơn vị, nhà riêng từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút ngày 26/3.

Tất nhiên, tôi đã khoe một cách tự hào với cậu rằng, nơi tôi ở, có rất nhiều gia đình cũng làm như vậy.

Nhưng sự thật nhiều khi làm ta bất ngờ.

Đúng 21 giờ, nghĩa là sau khi Giờ Trái đất qua nửa thời gian, tôi ra đường, hơi ngạc nhiên khi thấy cụm đèn trang trí ở vòng xoay Đăk Cấm và hệ thống đèn led trên cổng chào ở đầu đường Trần Phú (thành phố Kon Tum) vẫn chiếu sáng cả khu vực.

Bình thường nó đã quá sáng, làm lóa mắt người đi đường. Vào Giờ Trái đất, nó như càng chói chang hơn.

Cổng chào đường Trần Phú và cụm trang trí vòng xoay Đăk Cấm vẫn rực rỡ ánh đèn trong Giờ Trái đất (ảnh chụp lúc 21 giờ ngày 26/3/2022). Ảnh: HL

 

Còn ở xóm tôi, đêm 26/3, hầu hết các gia đình đều chỉ tắt đèn khi… đi ngủ. Sáng hôm sau, khi tập thể dục, nghe tôi phàn nàn về chuyện cổng chào vẫn sáng trưng vào Giờ Trái đất, thời điểm mà lẽ ra hệ thống đèn led trang trí “khoác” trên nó phải được tắt, thì anh hàng xóm ngỡ ngàng: Để làm gì?

Tôi chỉ có thể cười trừ. Anh, và nhiều gia đình khác trong xóm, là nông dân, bận rộn với với cuộc mưu sinh.

Họ đều muốn tiện nghi trong cuộc sống của mình ngày càng đầy đủ hơn. Mọi người đều muốn có tủ lạnh; muốn bật quạt, hoặc điều hòa vào ngày nắng nóng.

Đó là những mong muốn chính đáng. Sẽ không công bằng và không thể bắt buộc người nghèo dừng nỗ lực cải thiện cuộc sống của mình. Vấn đề đặt ra là không phải ai cũng quan tâm đến việc cần góp phần làm giảm bớt nguy cơ thiếu hụt nguồn năng lượng.

Vẫn cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về Giờ Trái đất. Ảnh: HL

 

Trong đêm, một đồng nghiệp của tôi chia sẻ trên facebook suy nghĩ của anh về đèn đường sáng rực trước nhà.      

“Người ta hô hào quá nhiều về Giờ Trái đất, nhưng lại quên phải tắt bớt những bóng đèn đường, trong khi chúng khá dày, và rất sáng. Dù rằng, đường phố cũng không tối tăm khi tắt bớt chúng, và đạo tặc vẫn khó bề hoạt động”- anh viết.

Sáng 27/3, báo chí đưa tin, sau 1 giờ tắt đèn biểu trưng hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2022 (từ 20 gờ 30-21 giờ 30 ngày 26/3), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 309.000 kWh (tương đương số tiền khoảng 576,1 triệu đồng).

Ở Kon Tum, sau 1 giờ tắt điện biểu trưng để hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022, toàn tỉnh đã tiết kiệm được sản lượng điện là 5.720 kWh, tăng hơn 200 kWh so với Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021. 

Nhưng sau Giờ Trái đất sẽ như thế nào?

Liệu có bao nhiêu người đã thực sự ngắt các thiết bị dùng điện không cần thiết mỗi ngày, ví dụ như tivi, quạt, hay đơn giản là rút cục sạc pin điện thoại ra khỏi ổ điện?

Tôi từng hỏi cô O. (hàng xóm của tôi) rằng, sao không tắt những bóng điện chiếu sáng có công suất lớn đang chiếu sáng trưng sân, vườn nhà mình? Cô nói: Đó là bóng trang trí, tắt đi thì mất đẹp.  

Nói ra thì xấu hổ. Trước đây, thói quen của tôi, khi về đến nhà, dù nóng hay mát, việc đầu tiên là bật quạt, bật tivi, bật bóng điện (vì là nhà ống nên căn phòng cũng không được sáng cho lắm), rồi sau đó… ra hè ngồi.

Trong những lần cà phê cùng bạn bè, tôi hơi bất ngờ khi rất nhiều người có thói quen như mình.

Ngày 27/3, là một ngày khá oi bức. Sau khi đi làm về, vẫn như mọi ngày, tôi bật quạt, bật tivi, bật bóng điện rồi ra hè ngồi… hóng mát.

Không mấy ai để ý đến, kể cả tôi, logo của Giờ Trái Đất có dấu "+" sau số 60 (60+). Thông điệp của dấu “+” ấy là Giờ Trái Đất không chỉ dừng lại ở 60 phút mà còn hơn thế nữa.

Vừa vội vã tắt bóng điện, tivi, quạt, tôi vừa tự hỏi, cam kết của mình là gì sau Giờ Trái đất? Như nhiều người, tôi không thể trực tiếp làm biến đổi khí hậu giảm đi ngay, nhưng từ nay trở đi, tôi có thể thực hiện không bật quạt hay đèn điện mà “chẳng để làm gì”, vào mỗi ngày, mỗi giờ.

Cũng như cổng chào đầu đường Trần Phú vậy. Rất ý nghĩa, nếu vào 8 giờ 30 đêm 26/3, nó thôi nhấp nháy xanh đỏ cho đến 21 giờ.

Càng ý nghĩa hơn, nếu hàng đêm, sau 10 giờ, cơ quan quản lý giảm bớt lượng bóng đèn led gắn trên cổng, chỉ để ánh sáng vừa phải, đủ để biết đây là… cổng chào.

Nếu không, vẫn chỉ dừng lại ở hô hào!

Hồng Lam

Chuyên mục khác