Sạt lở đất, nhiều hộ dân làng Iệc “trắng tay”

03/08/2018 07:19

​Đã hơn một tuần trôi qua, nhưng người dân ở làng Iệc, xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại cảnh bị sạt lở đất trong đêm; hoa màu, nhà cửa tài sản của nhiều hộ dân bị phá hủy; trong phút chốc họ trở nên “trắng tay”...

Đã hơn 1 tuần xảy ra sạt lở đất, ông Bùi Văn Hữu người làng Iệc, xã Bờ Y vẫn chưa hết nỗi kinh hoàng. Ông kể: Vào khoảng 4 - 5h sáng 25/7, khi cả gia đình còn đang chìm trong giấc ngủ thì căn nhà cấp 4 của tôi bị lung lay dữ dội. Tôi giật mình tỉnh dậy, gọi mọi người cùng dắt díu nhau ra khỏi nhà. Lúc đó xung quanh rung chuyển, đất đá đổ ầm ầm như muốn cuốn đi mọi thứ; đất đai, hoa màu, đường đi bê tông rộng gần 1m vừa hoàn thành chưa được bao lâu bị vỡ vụn nhiều đoạn, đất đá vùi lấp và kéo xa hàng chục mét.

“Vụ sạt lở giống như một trận động đất, khiến mọi người trong xóm nháo nhác chạy ra khỏi nhà. Trời lúc này vẫn còn mờ mờ, các trụ điện bị gãy đổ nằm la liệt. Cây mít, cây bơ và nhiều cây ăn trái khác của gia đình tôi cùng với hơn 2ha cà phê của 3 hộ gia đình trong làng đang ra trái, sắp đến mùa thu hoạch cũng bị ngã đổ, bong gốc...” - ông Hữu tiếp tục kể cho chúng tôi nghe “cảnh tan hoang” do vụ sạt lở đất gây ra.  

Các hộ dân ở làng Iệc, xã Bờ Y (Ngọc Hồi) nhà cửa, hoa màu bị sạt lở phải tá túc nhờ nhà người thân. Ảnh: Đ.V

 

Sau khi xảy ra đêm sạt lở kinh hoàng, cả gia đình tôi buộc phải di chuyển ra ở nhờ nhà người quen. Hiện ngôi nhà ván chúng tôi ở nhờ khá chật chội, nhưng có tới 3 gia đình xin ở nhờ, sinh hoạt, ăn uống cùng chung với gia đình của chủ nhà nên mọi việc rất khó khăn. Giường, chiếu thì nhường cho trẻ con, phụ nữ nằm, còn đàn ông chúng tôi thì phải treo võng phía trước ngủ. Mấy ngày nay trời mưa liên tục nên chúng tôi chỉ biết ngồi nhìn mà không biết làm gì khác. Tuy đồ đạc đã chuyển ra để nhờ ngoài này; nhưng còn heo, gà chưa di chuyển được nên chiều tối phải có người vào đó ngủ lại qua đêm để canh giữ, cho gia súc, gia cầm ăn. Ông Bùi Văn Hữu cho tôi biết về hoàn cảnh hiện tại của mình và 2 hộ gia đình ở làng Iệc bị thiệt hại nặng về nhà cửa phải đi ở nhờ nhà người quen.

“Nhiều gia đình nông dân chúng tôi phải đi vay mượn ngân hàng để có vốn đầu tư sản xuất. Cách đây chừng 20 ngày, có người vào hỏi mua rẫy cà phê với giá 1,3 tỷ nhưng gia đình tôi không chịu bán. Giờ bị đất vùi lấp coi như bị mất trắng, không biết lấy đâu ra tiền trang trải nợ nần...” - ông Hữu than vãn.

Để nắm rõ hơn hiện trạng, dẫu lúc đó trời đang có mưa nhưng chúng tôi nhờ anh Nguyễn Hoàng Hải - người dân ở làng Iệc, xã Bờ Y chở vào “mục sở thị” khu vực bị xảy ra sạt lở.

Hiện khu vực sạt lở có những đoạn đất bị nứt rộng chừng 1,5m, sâu gần 2m, kéo dài vài chục mét. Trong những ngày tới hiện tượng sạt lở có thể sẽ tiếp tục xảy ra vì đứng từ xa nhìn bằng mắt thường cũng thấy ngọn đồi cạnh đó nứt ra, chực chờ ụp xuống.

Ngọn đồi phía sau nhà dân xuất hiện vết nứt dài cả trăm mét. Ảnh: Đ.V

 

Trước mắt chúng tôi là những cành cà phê đầy trái xanh nằm ngả nghiêng la liệt do bị đất cuốn trôi. Bên hông căn nhà cấp 4 nằm tựa lưng vào đồi bị sụt lún sâu hoắm. Khu đất rộng chừng 3ha bị biến dạng; trong đó có 2ha cà phê bắt đầu cho ra trái năm đầu tiên gần như bị mất trắng.

Cà phê cho trái năm đầu bị bong gốc nằm la liệt. Ảnh: Đ.V

 

Theo tính toán của các hộ dân nơi đây, nếu tính giá bán cà phê như hiện nay, ước tổng thiệt hại tài sản trên đất chừng 600 - 700 triệu đồng.

Anh Hải cho biết, khu vực này có 9 hộ sinh sống và làm rẫy. Sạt lở gây hại hoa màu, nhà cửa của 3 hộ, 6 hộ còn lại bị cô lập do sạt lở đất không có lối vào. Hầu hết những hộ bị sạt lở là người dân tộc Mường từ ngoài Bắc vào đây lập nghiệp cũng đã trên 10 năm.

“Trong số những hộ bị thiệt hại, đáng thương nhất là gia đình ông Quách Công Hung. Ông Hung năm nay đã già yếu lại phải nuôi đứa con bị bệnh hiểm nghèo. Đã hơn 5 năm qua, ông Hung phải bán hết nhà cửa, đất đai ở thôn Bắc Phong để lo thuốc men, chữa trị bệnh cho đứa con trai. Ông và người còn trai phải đi ở nhờ nhà con rể, nhưng giờ đã bị đất đá làm sạt lở không có chỗ ở nên đành phải ở nhờ nhà người quen khác, gia cảnh thật tội nghiệp...” - anh Hải cho chúng tôi biết thêm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Cường - Chủ tịch UBND xã Bờ Y cho biết: Sau khi nhận được thông tin một số hộ dân ở làng Iệc bị sạt lở đất làm hư hại hoa màu và nhà cửa đang có nguy cơ đổ sập, UBND xã đã chỉ đạo lực lượng dân quân, công an xã tiến hành giúp dân di dời toàn bộ đồ đạc và các tài sản có giá trị khác ra khỏi khu vực nguy hiểm. Chính quyền địa phương cũng đã kịp thời đến thăm, động viên người dân cố gắng vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống...

Trận sạt lở đất kinh hoàng bỗng chốc khiến các hộ dân nơi đây lâm cảnh “trắng tay”. Rất mong các cấp chính quyền và ngành chức năng sớm có giải pháp hữu hiệu giúp người dân nơi đây ổn định cuộc sống...

Đắc Vinh

Chuyên mục khác