Sáp nhập trường học ở thành phố Kon Tum

13/11/2021 14:00

Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình số 53-CTr/TU, ngày 21/2/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, đến nay bộ máy hoạt động các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố Kon Tum đã ổn định, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của địa phương.

Bước vào năm học 2018-2019, Trường TH và THCS Trường Sa (phường Trường Chinh) được sáp nhập từ Trường Tiểu học Đào Duy Từ và Trường THCS Trường Sa. Sau khi sáp nhập, cơ bản cơ sở vật chất của cấp học nào vẫn học tại cấp học đó, không có sự thay đổi, xáo trộn nên không ảnh hưởng đến hoạt động của mỗi cấp học. Hiện nay, hoạt động chuyên môn và giáo dục học sinh đã đi vào ổn định và nề nếp. Việc sáp nhập góp phần sắp xếp tinh gọn bộ máy cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và sử dụng có hiệu quả hơn nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học.

Thầy giáo Lê Bá Bộ- Hiệu trưởng Trường TH và THCS Trường Sa cho biết: Trường THCS Trường Sa được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm học 2016 - 2017. Đến năm học 2018- 2019 trường được sáp nhập chung với Trường Tiểu học Đào Duy Từ thành tên gọi là Trường TH-THCS Trường Sa. Năm đầu tiên khi mới sáp nhập, hoạt động của nhà trường cũng có những trở ngại nhất định, vì cả 2 cấp học nhưng chỉ có 1 tổng phụ trách đội và 1 cán bộ y tế trường học. Nếu tổng phụ trách đội ở điểm trường này thì vắng ở điểm trường kia và cán bộ y tế học đường cũng vậy. Để khắc phục điều này, nhà trường tổ chức tập huấn cho tất cả các giáo viên chủ nhiệm về công tác quản lý học sinh và về y tế để sơ cấp cứu hay xử lý những tình huống đột xuất. Nhờ vậy, mọi khó khăn lúc đầu khi mới sáp nhập đã được tháo gỡ.

Sau khi sáp nhập, Trường TH-THCS Trường Sa ổn định việc dạy và học. Ảnh: BC

 

“Mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến công tác dạy và học, nhưng qua 3 năm thực hiện Kế hoạch số 76/KH-UBND, ngày 23-4-2018 của UBND thành phố Kon Tum về thực hiện Chương trình số 53-CTr/TU, ngày 21-2-2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cho thấy, việc triển khai mô hình đổi mới công tác dạy và học tại trường đem lại những tín hiệu tích cực; chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh rất phấn khởi bởi chất lượng giáo dục của các em học sinh có cao hơn so với những năm trước đây”, thầy giáo Lê Bá Bộ khẳng định.

Năm học 2019 - 2020, Trường TH và THCS Vinh Quang đã được sáp nhập. Thầy giáo Trần Hữu Lộc - Hiệu trưởng trường TH và THCS Vinh Quang cho biết: Ban đầu mới sáp nhập nhà trường cũng gặp một số khó khăn nhất định, song nhà trường đã có kế hoạch ổn định tư tưởng cho cán bộ, giáo viên, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, giáo viên, nhân viên trong công việc, đặc biệt xác định rõ vai trò của người đứng đầu. Nhờ vậy, công tác lãnh đạo, điều hành và hoạt động của trường trở nên thống nhất hơn, chất lượng giáo dục nhà trường luôn giữ vững và ngày càng nâng cao. Sau khi sáp nhập, ngoài tinh giản được bộ máy biên chế, giáo viên bậc Tiểu học và bậc THCS có cơ hội thường xuyên trao đổi về phương pháp dạy học và những kiến thức có tính liên thông giữa hai cấp học. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, nhất là trong thời điểm đang triển khai Chương trình GDPT mới.

Theo kế hoạch của UBND thành phố Kon Tum, đến năm 2025 sẽ giảm ít nhất là 20% số lượng trường học công lập trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn thành phố Kon Tum đã có 16 xã, phường hoàn thành việc sáp nhập từ 32 trường xuống còn 16 trường TH-THCS, giảm từ 73 trường công lập năm học 2017-2018 xuống 57 trường trong năm học 2021-2022, chiếm tỷ lệ gần 22%, vượt gần 2%.

Ông Thái Khắc Hòa- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum nhận xét: Sau hơn 3 năm thực hiện sáp nhập bậc Tiểu học và THCS bước đầu mang lại hiệu quả tích cực; bộ máy trường, lớp học đảm bảo tinh gọn, giảm chi ngân sách cho nhà nước cả về cơ sở vật chất và đội ngũ; công tác kiểm tra giám sát các trường chặt chẽ và thuận lợi hơn. Các bậc Tiểu học và THCS sau khi sáp nhập có sự chuyển biến rõ nét ở nhiều mặt, tạo niềm vui phấn khởi trong cán bộ, giáo viên, chính quyền, phụ huynh, học sinh khi chất lượng giáo dục ở từng vùng đã cao hơn nhiều so với trước đây. Đặc biệt, chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên, nhất là giáo dục mũi nhọn có nhiều học sinh tham gia và đạt giải ở các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia.            

Bảo Châu

Chuyên mục khác