Sáng mãi huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển

23/10/2018 07:03

​Đường Hồ Chí Minh trên biển là biểu hiện sinh động của tinh thần đoàn kết giữa cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam với nhân dân các địa phương ven biển. Chiến công của các chiến sĩ Hải quân thể hiện trình độ tác chiến, sự mưu trí, sáng tạo của Quân đội nhân dân Việt Nam và sự tiếp nối tinh thần anh hùng, bất khuất của cha ông ta trong đánh giặc giữ nước. Chính truyền thống anh hùng, bất khuất ấy đã góp phần làm nên con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.

Những dòng sử ghi rõ: Ngày 23/10/1961, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân (với tên gọi “Đoàn tàu không số”) để vận chuyển vũ khí, trang bị cho chiến trường miền Nam bằng đường biển.

Ngày 8/4/1962, chuyến tàu đi trinh sát và mang chỉ thị của Trung ương về “Mở đường vận chuyển chiến lược trên biển” đã đến miền Nam. Bắt đầu từ đây, xuất hiện những con tàu không số lúc ẩn lúc hiện, tiếp tế vũ khí cho chiến trường miền Nam.

Tàu không số trên đường vận chuyển vũ khí vào miền Nam trước đây

 

Ngày 11/10/1962, chiếc tàu gỗ gắn máy không số đầu tiên mang tên Phương Đông 1 chở vũ khí dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Văn Một và Bông Văn Dĩa rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng), đến ngày 16/10 tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn, khai thông tuyến đường vận chuyển vũ khí trên biển nối liền hai miền Nam - Bắc.

Khai thông con đường đã khó, việc giữ bí mật con đường càng khó khăn hơn, bởi phải trải qua chặng hành trình dài trong khu vực biển do kẻ địch kiểm soát, tàu địch lùng sục gắt gao.

Để thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng mở đường vận chuyển chi viện cho đồng bào miền Nam, các chiến sĩ Hải quân đã dày công nghiên cứu, đấu trí, đấu sức tìm ra phương thức vận chuyển độc đáo. Địch phong tỏa gần bờ, các chiến sĩ Hải quân đi trên vùng biển xa; địch phong tỏa đường biển dài, ta đi phân đoạn, đồng thời khéo léo ngụy trang, nghi binh, bí mật thọc sâu vào bến nhanh chóng và bất ngờ, khi thời cơ đến thì tập trung toàn lực, dốc sức cho nhiệm vụ vận chuyển chi viện chiến trường. 

Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với những cơn cuồng nộ của biển khơi sóng to, gió lớn và cả bão giông luôn rập rình; với mọi khó khăn, thử thách; mỗi lần các chiến sĩ lên đường trên “đoàn tàu không số” là một lần xác định cảm tử.

Trong 14 năm (từ năm 1961 đến 1975), cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 vượt qua hơn 20 cơn bão lớn, vượt qua hàng trăm cuộc vây ráp của kẻ thù, huy động được gần 2.000 lượt chiếc tàu, đi gần 4 triệu hải lý, vận chuyển gần 8 vạn lượt người, trên 15 vạn tấn vũ khí, đạn dược và hàng vạn tấn hàng hóa, góp phần chi viện đắc lực cho nhiều hướng chiến trường, nhiều chiến dịch lớn, nhiều địa bàn trọng yếu mà đường bộ chưa với tới được.

Hành trình của những “con tàu không số" trên biển đã đến bao nhiêu bến, bãi dọc bờ biển Việt Nam, có sự đóng góp công lao to lớn của Đảng bộ và nhân dân các tỉnh ven biển, góp phần làm nên thắng lợi hoàn toàn của công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước…

Tôi sinh ra và lớn lên trong khi đất nước đã hòa bình, không còn cảnh chiến tranh. Chúng tôi chỉ biết đến chiến tranh qua được xem, đọc những dòng tư liệu lịch sử. Mỗi khi đọc, khi xem những dòng tư liệu lịch sử về con đường Hồ Chí Minh trên biển, trong tôi lại trào dâng cảm phục ý chí, lòng dũng cảm, sự mưu trí, sáng tạo, kiên cường cũng như sự khắc phục gian khó, hiểm nguy của thế hệ cha ông tất cả vì độc lập tự do cho Tổ quốc.

Càng may mắn hơn, trong chuyến đi Trường Sa đầu năm 2018, được đi qua con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại ấy làm tôi cảm thấy tự hào và vinh dự. Trong hành trình đi trên biển, điểm đảo đầu tiên chúng tôi đến là đảo Phan Vinh - hòn đảo mang tên người Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh - thuyền trưởng của một trong những con tàu không số đã anh dũng hi sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Những dòng lịch sử ghi lại: Trong một lần vận chuyển vũ khí đi trên con đường Hồ Chí Minh trên biển vào chiến trường miền Nam, tàu bị địch tập kích bao vây, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã mưu trí thả khói mù, cho tàu đến đúng vị trí bến quy định thuộc xã Ninh Phước (Ninh Hòa - Khánh Hòa) thả hàng xuống biển. Sau đó, Nguyễn Phan Vinh nhanh chóng cho tàu sang vùng biển xã Ninh Vân (Ninh Hòa - Khánh Hòa) để đánh lạc hướng kẻ thù, không để lộ vị trí thả hàng, bảo đảm an toàn cho anh em ra vớt hàng sau đó.

Đọc những dòng lịch sử ấy ngay trên đảo Phan Vinh - hòn đảo mang tên người Anh hùng của những chuyến tàu không số giữa biển khơi bao la, trên con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, càng làm cho chúng tôi tự hào, khâm phục tinh thần chiến đấu quả cảm của cha ông ta.

Đi trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, giữa biển rộng bao la, sóng gió ầm ầm chúng tôi càng cảm nhận lòng dũng cảm, ý chí chiến đấu kiên cường của thế hệ cha ông vì nền độc lập tự do của dân tộc.

Chúng tôi, thế hệ con cháu hôm nay nguyện sẽ phấn đấu rèn luyện trong học tập, công tác, góp phần vào công cuộc bảo vệ quê hương, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha ông. 

Viết tiếp trang sử hào hùng của đoàn tàu không số năm xưa và cho con đường Hồ Chí Minh trên biển sáng mãi, ngày ngày cán bộ chiến sĩ đảo Phan Vinh đã và đang tích cực lao động, rèn luyện, chiến đấu xứng đáng thế hệ cha anh đã đi trước, nguyện vững chắc tay súng bảo vệ vùng trời biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác