Sẵn sàng cho năm học mới

03/09/2018 09:00

​Ngành GD&ĐT tỉnh tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên…, đưa ra các giải pháp thiết thực để thực hiện mục tiêu tiếp tục đổi mới toàn diện, không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học trong năm học 2018-2019. Phóng viên Báo Kon Tum có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hóa – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT trước thềm năm học mới.

PV: Thưa ông, năm học 2018-2019 có những điểm gì đổi mới?

Năm học 2018 - 2019, ngành tiếp tục triển khai các nghị quyết, chương trình về việc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; đẩy mạnh đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông phù hợp với nhiệm vụ, giải pháp, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, triển khai một số công việc trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, kỷ cương, nền nếp và giải quyết các vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội.

Với Giáo dục mầm non, tiếp tục đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, đảm bảo đủ về cơ cấu, số lượng và chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ.

Giáo dục phổ thông, tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1; nâng cao chất lượng công tác thi, kiểm tra đánh giá đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; triển khai đổi mới cơ chế quản lý trong các trường phổ thông.

Ngành tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên sau sáp nhập; chấn chỉnh các trung tâm ngoại ngữ, tin học không đúng quy định; rà soát và tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Đề án xây dựng xã hội học tập; thúc đẩy việc học tập của người lớn.

Với giáo dục chuyên nghiệp, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng nhu cầu của xã hội để sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám (thành phố Kon Tum) chỉnh trang khuôn viên trường lớp chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: H.T

 

PV: Tình hình cơ sở vật chất trường lớp trước thềm năm học mới này được chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

Hiện nay, toàn tỉnh có 537 cơ sở giáo dục, đào tạo. Số lượng trường học ở cấp phổ thông ổn định, chỉ tăng 1 trường mầm non tư thục so với năm học 2017-2018. Riêng trung tâm học tập cộng đồng tăng 7 trung tâm so với năm học 2017-2018

Chuẩn bị năm học mới 2018-2019, toàn ngành đã đầu tư xây mới 128 phòng học, trong đó đã xóa được 48 phòng học tạm (mầm non xóa 18 phòng, tiểu học 26 phòng và THCS 4 phòng); xây mới 237 nhà vệ sinh, làm mới 64 hệ thống nước sạch, xây mới 11 phòng học bộ môn và các phòng chức năng khác với tổng kinh phí 137.400 triệu đồng. Từ các nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, Đề án kiên cố trường lớp học, Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới…, toàn ngành đã được đầu tư hơn 25,5 tỷ đồng để mua sắm bàn ghế học sinh, máy vi tính, máy photocopy, trang thiết bị bán trú, thiết bị phòng học ngoại ngữ, thiết bị phòng học bộ môn, thiết bị phòng học mầm non, thiết bị quốc phòng

Năm học 2018-2019, 100% số học sinh con hộ nghèo được hỗ trợ chi phí học tập để trang bị sách giáo khoa, vở, viết và dụng cụ học tập theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Đối với học sinh DTTS không thuộc diện hộ nghèo, các trường đã chủ động kêu gọi các trường vùng thuận lợi, Hội Khuyến học, doanh nghiệp hỗ trợ vở, sách giáo khoa cũ còn dùng được để giúp các em.

PV: Cùng với công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, ngành đã tập trung bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên như thế nào?

Hiện nay, 100% số cán bộ quản lý giáo dục đều đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo. Tuy nhiên, để nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ quản lý, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên bậc mầm non và phổ thông đáp ứng chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, vừa qua, Sở GD&ĐT đã tổ chức 5 đợt bồi dưỡng, 14 lớp bồi dưỡng cho 511 cán bộ quản lý và 896 giáo viên.

Đồng thời, Sở GD&ĐT đã bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm cho giáo viên tiếng Anh các cấp học đáp ứng yêu cầu giảng dạy chương trình tiếng Anh mới; phối hợp với Trường Đại học Quy Nhơn bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên bậc mầm non và phổ thông.

Trong năm học này, ngành tiếp tục rà soát đội ngũ, xác định nhu cầu giáo viên theo lộ trình thực hiện Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục cho cán bộ, giáo viên; tạo điều kiện cho giáo viên hoàn thiện dần các tiêu chuẩn theo yêu cầu của hạng chức danh nghề nghiệp. Toàn ngành đã có 9.436 cán bộ, giáo viên được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp.

PV: Ông có thể cho biết những giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng giáo dục?

Để nâng cao chất lượng giáo dục, trong năm học này, ngành đưa ra 5 giải pháp trọng tâm: Tiếp tục hoàn thiện thể chế về giáo dục và đào tạo; nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tập trung tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hoài Tiến (thực hiện) 

Chuyên mục khác