Sắm tết

12/01/2024 13:26

Bước vào tháng Chạp bắt đầu thấy cảnh rộn ràng sắm tết rồi. Ngắm người người đi mua sắm tại các siêu thị, chợ, cửa hàng mà thấy háo hức, thấy chộn rộn theo.

Năm nào cũng vậy, cứ gần Tết là chị Thúy lại bận tối mặt tối mày, gian nhà nhỏ được tận dụng làm tiệm sửa đồ của chị chất kín đồ của khách đem tới sửa. Chị kể, có năm đến 30 Tết vẫn phải ngồi ở bàn máy may để sửa đồ cho khách kịp lấy về mặc tết, không có thời gian đi chợ mua sắm.

Năm nay, mới đầu tháng Chạp, ra cửa hàng của chị mà tôi đã choáng ngợp vì số lượng quần áo khách mang đến sửa quá nhiều. Dù mệt nhưng chị luôn tươi cười trò chuyện với khách: “Xuân về Tết đến, gần như nhà nào cũng mua sắm quần áo mới nên mọi người thông cảm, thư thư cho Thúy thêm chút thời gian nhé”.

Nghe câu nói nhẹ nhàng của chị Thúy, khách nào cũng đồng cảm, sẻ chia, bởi hiện nay có rất nhiều người sửa quần áo, nhưng có lẽ vì quen chỗ, vì chị sửa đẹp nên ai đã đến đây đều cũng vui vẻ… đợi.

Tầm này, nhiều mặt hàng được bày bán để phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Ảnh: SC

 

Cũng không chỉ ở tiệm may của chị Thúy, mà ở các cửa hàng bán vải, quần áo cũng đông khách, cũng tất bật như vậy. Có năm, tôi cứ nghĩ ai cũng bận rộn, chưa nghĩ đến chuyện sắm tết, nên mình cũng thủng thẳng, từ từ cũng được. Đến khi Tết đến sau lưng, công việc cũng ổn mới đủng đỉnh ra cửa hàng tính kiếm bộ quần áo mặc mấy ngày xuân. Thế mà loanh quanh tìm mãi không ra kiểu ưng ý vì hết size, hết số. Hỏi ra, mới biết, người ta đã đi sắm tết từ đầu tháng Chạp rồi. 

Nhìn chị Thúy ngồi trên chiếc bàn máy may miệt mài với công việc mà tôi thấy nhớ tiệm may nhỏ của cô Tâm ở đầu làng ngày xưa.

Hồi tôi còn nhỏ, tầm tháng 11 âm lịch là mẹ đã lo chuyện quần áo tết cho con cái. Cũng không biết mẹ dành dụm tiền mua vải từ hồi nào, chỉ thấy một buổi tối, mẹ chở tôi đến gặp cô Tâm để nhờ cô đo, may cho bộ quần áo mới đón Tết.

Năm nào mẹ mua vải muộn thì cửa tiệm may của cô Tâm cũng giống như cửa tiệm của chị Thúy bây giờ vậy, rất đông khách, vải vóc xếp đầy mấy chiếc tủ kính. Theo đó, thời gian may cũng sẽ kéo dài lâu hơn, có khi cận Tết mới được đến lấy quần áo mới về.

Nhắc đến chuyện mẹ chở đi may đồ tết mà thấy vui, thấy nhớ sao không khí sắm tết ở quê mỗi độ Xuân về Tết đến.

Không biết ở quê mọi người thế nào, chứ người ở quê tôi “ngộ” lắm. Thường ngày rất ít khi mua sắm, mà cứ chờ Tết đến đi sắm sửa luôn một thể. Không phải đồ đạc gì quá lớn để mà tích góp tiền bạc mới dám mua, ngay cả chục chén, chục đũa, rồi thì bình trà, nồi niêu, xoang chảo, áo gối, khăn bàn cũng chờ Tết đến mới đi sắm sanh.

Hàng quần áo cũng cho ra nhiều sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp. Ảnh: SC

 

Bởi thế mà chợ quê ngày tết luôn tấp nập, đông đúc. Vì phải mua sắm cùng một lúc nhiều thứ nên cũng không tránh khỏi việc phải chi tiêu cho dịp tết khá nhiều tiền. Để rồi, nhiều người sau khi mua sắm xong không khỏi giật mình thảng thốt: “Chẳng thấy mua gì mà hễ xuống chợ loáng cái đã hết sạch tiền”. Mà thực ra không phải là không mua, mà ngược lại còn mua rất nhiều, mỗi thứ một ít, cộng dồn lại thì số tiền chi tiêu không phải nhỏ, đó là chưa kể đến có cửa hàng lợi dụng sức mua nhiều đã tăng giá bán để trục lợi. Vậy mà, đâu phải một lần rồi rút kinh nghiệm, họ vẫn có thói quen chờ đến Tết mới đi mua sắm.

Nhiều người lại bảo, đã gọi là “sắm tết” thì phải chờ dịp tết đến đi mua sắm thì mới có không khí. Nghĩ cũng đúng, nếu rút kinh nghiệm không mua sắm dịp cuối năm thì đâu còn không khí tết. Cái gì cần chi, cần mua cho ngày tết cũng phải đầu tư cho thích đáng, vì mỗi năm chỉ có một cái Tết, và cũng để mọi người, mọi nhà được đón tết vui vẻ, sum vầy cùng người thân, bạn bè.

Nhớ mấy năm trước do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, người dân ăn tết cũng “eo hẹp” lắm, vì thu nhập bấp bênh, nên nhà nhà đều phải cắt giảm chi tiêu. Tết đến Xuân về, các gia đình gần như chỉ chọn mua sắm những thứ thật cần thiết cho gia đình và dường như chỉ mua ở mức vừa đủ. Bởi thế mà từ siêu thị cho đến các cửa hàng, cửa hiệu, chợ búa vắng vẻ, buồn tẻ hẳn.

Năm nay, chưa đến đầu tháng Chạp, đã thấy mọi người hào hứng đi sắm tết, mà thấy vui trong lòng. Bởi điều này cũng cho thấy kinh tế đã có đà phục hồi, đời sống người dân cũng khá hơn.       

Sông Côn

Chuyên mục khác