Sắc xuân ở vùng Đông Trường Sơn

15/02/2020 06:03

Những cơn gió se lạnh của tháng Giêng mang hơi sương của núi rừng hòa quyện. Đi trong nắng gió giữa mùa Xuân ấm áp và vang vọng tiếng cồng chiêng trầm hùng, của tiếng đàn t’rưng, klông pút dịu ngọt, thiết tha…, tôi cảm được sức sống mới ở các thôn, làng vùng Đông Trường Sơn của huyện Kon Plông.

Đầu tháng Giêng, chúng tôi về các xã vùng Đông Trường Sơn của huyện Kon Plông. Nắng lên. Tuyến đường Trường Sơn Đông từ Ngọc Tem đến xã Hiếu như dải lụa vắt ngang lưng chừng núi, qua những thôn, làng bình yên.

Cách đây chừng chục năm, ai vượt được đèo Ngọc Lu “cổng trời” của Ngọc Tem đều trở thành những vị khách quý của xã vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Kon Plông này. Bởi, ngày đó đường đến Ngọc Tem vô cùng gian khó, nơi này như một “ốc đảo hoang vu” giữa đại ngàn. Khi chưa có đường Trường Sơn Đông ngang qua, mùa mưa, cả 12 thôn: Măng Krí, Điek Chè, Điek Lò I, Điek Lò II, Điek Tem, Điek Tà Cót, Điek Nót, Điek Cua, Kíp Linh, Điek Tà Âu, Điek Pét và Măng Nách dường như bị cô lập giữa rừng. Các mặt hàng nhu yếu phẩm được chuyển vào đây có giá đắt gấp ba, bốn lần ở trung tâm huyện Kon Plông. Lúc bấy giờ, tỉnh và huyện Kon Plông phải tổ chức cứu trợ cho người dân Ngọc Tem liên tục; ngoài ra còn tổ chức xây dựng nhà kho dự trữ lương thực cho địa phương, xứ nghèo chồng chất những khó khăn, vất vả.

Nhưng hôm nay, có về với Ngọc Tem tôi mới cảm nhận được sức sống mới đang trỗi dậy trên từng cung đường của các thôn, làng.

Đứng trên ngọn đồi, nơi có trụ sở UBND xã Ngọc Tem, nhìn ra xa chúng tôi đã thấy màu xanh ngút ngàn của cây ăn trái, cau, keo lai, chuối… ôm trọn những thôn, làng.

Mặt trời lên cao, thời tiết ở Ngọc Tem bớt lạnh dần. Người lớn, trẻ con tranh thủ ra ngồi trước thềm nhà đón tia nắng đầu tiên của ngày mới. Những làn khói bếp len lỏi trong các căn nhà của người dân tỏa ra hòa quyện vào nhau làm cho không khí ngày Xuân càng thêm ấm áp, rộn ràng.

Nắng xuân trên vùng rừng xã Hiếu. Ảnh: LS 

 

Diện mạo kinh tế - xã hội ở xã Ngọc Tem đã có nhiều đổi thay tích cực; hạ tầng kỹ thuật xã hội “thay áo mới” khang trang, đẹp đẽ hơn; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. “Có đường lớn rồi, con mắt và cái bụng bà con mình vui lắm. Giờ thì con cháu ra huyện, ra tỉnh học cái chữ khỏe nhiều. Hàng hóa về đây có giá bán như ở huyện” - bà Y Xai không giấu nổi niềm vui.

Bí thư Đảng ủy xã Đinh Yếu Huấn hồ hởi “khoe”: Có con đường mới thênh thang này, bà con mình không còn sợ mùa mưa nữa. Các tuyến đường liên xã đi qua 12 thôn của xã Ngọc Tem chạy dọc theo chiều dài của đường Đông Trường Sơn, các tuyến đường thôn, ngõ xóm phần lớn cũng được bê tông hóa và có đủ chiều rộng cần thiết đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn ngày càng được nâng cao. Các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch và liên kết, hợp tác kinh tế tiếp tục phát triển.

Câu chuyện về những “mùa mưa chơi vơi” với lầy lội trên cung đường Trường Sơn Đông ngày xưa giờ đã không còn nữa, đường sá được đầu tư xây dựng. Giờ đây, về các xã Ngọc Tem, xã Hiếu, Pờ Ê như thật gần. Sự khởi sắc của các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của huyện Kon Plông lan tỏa đến từng nếp nhà. Hàng ngày, đều có chuyến xe khách đi và về nơi đây. Nhiều ngôi nhà ở Ngọc Tem, xã Hiếu, Pờ Ê được xây dựng kiên cố, bán kiên cố.

Nhân dân xã Hiếu ra quân làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: LS 

 

Dù nhiều lần về với xã Hiếu, nhưng mỗi lần về nơi đây trong tôi đều có những cảm xúc rất lạ bởi núi non hùng vĩ, rừng cây hoang sơ, những con suối len lỏi chảy miên man giữa núi rừng.

Với tôi, xã Hiếu là duyên nợ, là nghĩa tình nồng ấm của nhiều đêm thức trắng sinh hoạt với dân làng bên ghè rượu để được nghe già làng kể về truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân xã Hiếu. Với sự đa dạng cả về động vật và thực vật của rừng, việc lội rừng xã Hiếu là một cơ hội để chúng tôi trải nghiệm thực tế với thiên nhiên hoang sơ, được hít hà khí hậu trong lành, quên đi những mệt nhọc trước bộn bề cuộc sống. Ở đây, những con đường quanh co uốn lượn, dốc và dốc, ấy vậy mà ai đã một lần đặt chân đến đây sẽ nhanh chóng bị không gian huyền bí của rừng và cảnh sống của người dân nơi đây cuốn hút.

Một chút trầm tư, ông Đinh Công Đụt - nguyên Chủ tịch UBND xã Hiếu-Pờ Ê chậm rãi nói: Xưa, vùng này hoang vu, nghèo khó lắm. Người Hrê, Ka Dong, Mơ Nâm ở đây quanh năm quẩn quanh với măng le, rau rừng, đọt mây, nhưng kiên trung, bất khuất, một lòng, một dạ đi theo cách mạng, theo Bác Hồ. Giờ đây, được Đảng, Nhà nước quan tâm, đời sống bà con khá lên nhiều rồi, không còn chuyện đói nữa. 

Còn ông Phan Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Hiếu cho biết: Dù vẫn còn không ít khó khăn, song đến nay, xã đã đạt 12 tiêu chí nông thôn mới và đến cuối năm phấn đấu đạt thêm tiêu chí mới; triển khai các chương trình trồng cà phê xứ lạnh, trồng lúa nước, trồng dược liệu, chăn nuôi gia súc, giữ rừng… để tăng thu nhập cho người dân, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng cường xây dựng số nhà ở nông thôn, xóa nhà tạm bợ.

Về xã Hiếu mùa này, dọc dài theo những khu rừng già trùng điệp, xa xa hoa lan rừng, hoa dại nở đưa hương trong nắng sớm. Mùa xuân về ở vùng sâu Kon Plông cảm nhận núi rừng nơi đây như khoác trên mình tấm áo xanh thật đẹp. Thỉnh thoảng bắt gặp trên những triền đồi vụt lên như một đốm lửa của bông hoa chuối rừng đỏ tươi. Dưới khe, nước suối chảy róc rách, trên cao tiếng chim hót rộn ràng. Một bức tranh thiên nhiên thật đẹp ở vùng Đông Trường Sơn.

Đầu năm, về nơi  hoang sơ, nắng ấm, đón gió đại ngàn, hòa nhập vào đời sống thường nhật bình dị của người dân vùng Đông Trường Sơn của Kon Plông nói riêng, về với các thôn làng của Kon Tum nói chung… có lẽ là một trong những lựa chọn tuyệt vời nhất của khách du xuân.   

Dương Lê

Chuyên mục khác