Sắc mới vùng sâu

12/08/2016 17:11

Không còn cảnh đìu hiu xa hút, đường lội lầy, xe không vào đến nơi, mùa giáp hạt đến củ mì cũng thiếu, 25 năm sau ngày thành lập lại tỉnh, sắc mới vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa cho ta thêm niềm tin vào cuộc sống đổi thay đang hiện hữu từng ngày.

Là địa bàn tập trung 22 dân tộc anh em sinh sống với hơn 54% dân số là đồng bào DTTS, sau ngày thành lập lại tỉnh, trong bối cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn, tỉnh Kon Tum đã xác định tập trung mọi nguồn lực để từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy sản xuất, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tạo đà ổn định và từng bước cải thiện đời sống vật chất - tinh thần đồng bào các DTTS.

Sâu sát bà con để nắm bắt tình hình thực tế địa phương và trực tiếp giải quyết những vấn đề đặt ra ở cơ sở là phương châm hành động của đội ngũ cán bộ các cấp giai đoạn này.

Ông Trần Quang Vinh - Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh còn nhớ, trên cơ sở ổn định tổ chức bộ máy chính quyền các cấp, một thời gian ngắn sau ngày thành lập lại tỉnh, các cán bộ lãnh đạo tỉnh đã có chuyến công tác về xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) và các xã Măng Xăng, Ngọc Lây, Ngọc Yêu (huyện Đăk Tô, nay thuộc huyện Tu Mơ Rông).

“Trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tế địa phương, đoàn công tác đã đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh có những quyết định quan trọng, như chủ trương di dời dân từ các vùng núi cao xuống định cư tại những địa bàn thuận lợi, xây dựng các trạm thủy điện nhỏ, xây dựng một số lớp học và trạm y tế, đầu tư xây dựng trạm phát lại truyền hình phục vụ đồng bào…” - ông Vinh tâm sự.

Cũng từ thực tế công tác, lãnh đạo tỉnh cũng đã đề xuất giải pháp mở lớp mẫu giáo, các lớp cấp 1 tại thôn, làng để thu hút con em đồng bào DTTS địa phương đến lớp, vận động tổ chức lớp ghép, lớp bán trú dân nuôi ở vùng sâu vùng xa, huy động mọi nguồn lực để khôi phục và phát triển nhà rông truyền thống trên địa bàn toàn tỉnh làm nơi sinh hoạt cộng đồng, đồng thời thúc đẩy gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS…

Từ những việc làm cụ thể, thiết thực, công tác chỉ đạo từng bước đi vào nề nếp bằng hệ thống chủ trương, chính sách sát hợp, mang tính lâu dài.

Bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, tại kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa VII, Dự án xóa đói giảm nghèo tỉnh Kon Tum giai đoạn 1995- 2000 đã được thông qua. Giải pháp gắn xoá đói giảm nghèo với triển khai chương trình quốc gia về giải quyết việc làm theo tinh thần Nghị định 120/HĐBT, Chương trình 327/CT phủ xanh đất trống đồi núi trọc của Chính phủ và huy động các nguồn vốn cho vay hộ nghèo với lãi suất ưu đãi được triển khai thực hiện.

Tại kỳ họp thứ 9, khóa VII (ngày 26/12/1998), HĐND tỉnh quyết định cho 48 xã thuộc diện khó khăn, mỗi xã được hợp đồng 1 cán bộ để giúp UBND xã triển khai công tác xóa đói giảm nghèo và tiếp tục trích ngân sách địa phương 3,3 tỷ đồng để lập quỹ xóa đói, giảm nghèo của tỉnh.

Năm 2002, HĐND - UBND tỉnh thống nhất kế hoạch tổ chức định canh định cư giai đoạn 2002 - 2005 cho 8.065 hộ, 40.325 khẩu đồng bào DTTS; tập trung giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất, hỗ trợ sản xuất, đời sống, hỗ trợ tấm lợp làm nhà… các hộ cho đồng bào DTTS khó khăn.

Chỉ trong giai đoạn 2009 - 2014, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành và chỉ đạo ban hành 23 chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư vùng đồng bào DTTS, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS.

25 năm qua, nỗ lực đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS còn được cụ thể hóa bằng đề án xây dựng thôn làng no đủ, an toàn, vững mạnh; hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền, hỗ trợ trồng cà phê xứ lạnh; các đề án, dự án hỗ trợ giảm nghèo, chăm lo giáo dục, văn hóa, y tế ...

Sau ngày thành lập lại tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 10-CT/TU về xây dựng các xã vùng cao, biên giới. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy khóa XI ban hành Nghị quyết 01-NQ/TU về “Tiếp tục xây dựng các xã vùng đồng bào DTTS, vùng kinh tế mới khó khăn”. Tỉnh ủy khóa XIII tiếp tục bổ sung ban hành Nghị quyết số 04 Tỉnh ủy về “Đẩy mạnh xây dựng các xã đặc biệt khó khăn”.

Tại kỳ họp thứ 3 (5/12/2011), HĐND tỉnh khóa X đã ban hành Nghị quyết về một số chính sách đặc thù đối với các xã trọng điểm đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Nghị quyết này được tiếp tục bổ sung thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 đối với 20 xã đồng bào DTTS trọng điểm khó khăn của tỉnh.

25 năm qua, đã có hàng chục ngàn tỷ đồng được tỉnh Kon Tum huy động để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, ổn định định canh định cư, hỗ trợ sản xuất, sinh hoạt, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

Triển khai Chương trình 135 của Chính phủ, từ năm 1999 đến nay, tỉnh Kon Tum đã đầu tư gần 1.280 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh, kinh tế, hỗ trợ sản xuất, sinh hoạt, sắp xếp dân cư, đào tạo cán bộ cơ sở… tại các xã đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn.

Giai đoạn 2011-2015, tỉnh Kon Tum đã huy động hơn 1.367 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong số này, có 263 tỷ đồng đầu tư trực tiếp từ ngân sách Nhà nước. Lĩnh vực xây dựng giao thông tập trung chủ yếu ở vùng đồng bào DTTS, vùng sâu vùng xa thu hút nhiều vốn nhất với gần 674 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 253 tỷ đồng được đầu tư xây dựng trường học, 70 tỷ đồng được đầu tư cho thủy lợi, 43 tỷ đồng đầu tư phát triển lưới điện, trên 55,3 tỷ đồng cơ sở vật chất văn hóa, 62,7 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở dân cư, gần 50 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất...

25 năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS trong tỉnh từng bước được nâng lên. Riêng giai đoạn 2009 -2014, bình quân hàng năm, toàn tỉnh giảm 4,6% hộ nghèo. Trong số 23.234 hộ thoát nghèo trên địa bàn tỉnh, có 18.872 hộ là người DTTS. 100% số xã của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% xã được sử dụng điện lưới quốc gia với trên 98% số hộ được sử dụng điện. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh hiện đạt trên 80%...

Nhiều lễ hội của đồng bào DTTS được bảo tồn, phát huy. Ảnh: Duy Tuyên

 

Ở lĩnh vực văn hoá, xã hội, công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng DTTS có nhiều tiến bộ. Trên 90% số làng đồng bào DTTS khôi phục, tu bổ, dựng mới nhà rông truyền thống làm nơi sinh hoạt cộng đồng; bà con lưu giữ hơn 1.800 bộ cồng chiêng cùng nhiều loại nhạc cụ truyền thống để sử dụng. Các ngành nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, chế tác thủ công… được quan tâm duy trì. Gần 20 nghi lễ, lễ hội tiêu biểu của các dân tộc tại chỗ được phục dựng, như lễ hội mừng lúa mới, lễ hội ăn trâu, mừng nhà rông mới, lễ cưới truyền thống… Dự án hỗ trợ đồng bào DTTS rất ít người tại địa bàn tỉnh đối với dân tộc Rơ Măm và Brâu được quan tâm đầu tư triển khai đạt kết quả.

Phát huy nội lực và hiệu quả đầu tư của Đảng, nhà nước vào vùng đồng bào DTTS của tỉnh, thời gian tới, tỉnh Kon Tum tiếp tục ưu tiên tập trung mọi nguồn lực, mà trọng tâm là nguồn lực triển khai thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, phấn đấu tạo chuyển biến toàn diện và mạnh mẽ hơn vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa.

Thanh Như

Chuyên mục khác