Sa Thầy trên đường đổi mới

09/02/2018 07:23

​Trong không khí tưng bừng của những ngày đầu Xuân 2018, niềm vui của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Sa Thầy như được nhân lên bội phần bởi những đổi thay tích cực của quê hương.

Trong nắng vàng sắc Xuân, con đường bê tông nhựa phẳng lì uốn lượn nối liền các xã Sa Sơn, Sa Nhơn, Rờ Kơi đến trung tâm thị trấn Sa Thầy trở nên đẹp hơn bao giờ hết với những đoàn người du xuân đông vui, rộn ràng.

Dọc tuyến đường bên sườn đồi vùng đệm rừng Quốc gia Chư Mom Ray những rừng cao su đang thời kỳ thay lá đứng vững chãi, những nếp nhà thấp thoáng trong màu nắng vàng rực rỡ của mùa xuân hòa quyện với những cành hoa mai, hoa đào của những ngày giáp tết.

Hương sắc mùa xuân đã lan toả khắp các thôn, làng ở huyện Sa Thầy. Thấp thoáng dưới những mái nhà rông, các gia đình quây quần bên nhau, họ tất bật với lá dong, gạo nếp, dọn dẹp vệ sinh... chuẩn bị đón chào năm mới với hy vọng về một một mùa xuân mới tươi đẹp với những niềm vui, hạnh phúc mới.

Con đường các xã về thị trấn Sa Thầy được trải nhựa phẳng lì. Ảnh: Đ.V

 

Xác định phát triển hạ tầng giao thông tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, huyện Sa Thầy tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh; tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân góp tiền của, công sức xây dựng, mở rộng, nâng cấp xây dựng, bê tông hóa thêm nhiều tuyến đường mới.

Nhờ vậy, hạ tầng giao thông ở Sa Thầy đã “khoác lên mình tấm áo mới”, tạo nên một diện mạo mới trong khắp các làng quê. Đồng thời, giao thông thuận tiện cũng tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cảm nhận sự thay đổi rõ rệt trong diện mạo của bộ mặt nông thôn nơi đây, ông Nguyễn Văn Tý, một người dân sống ở thôn Tam An, xã Sa Sơn chia sẻ: Có lẽ điều dễ nhận thấy nhất, những con đường đất lầy lội ở các thôn trước kia, nay đã được rải bê tông phẳng lì, sạch sẽ. Những ngôi nhà xây khang trang mọc lên ngày càng nhiều. Mặc dù xã Sa Sơn là một xã thuần nông, nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây chủ yếu là làm nông nghiệp nên đời sống gặp nhiều khó khăn, nhưng những năm gần đây khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng xã nông thôn mới, được cán bộ vận động, tuyên truyền, người dân ủng hộ nên đường làng ngõ xóm “xanh, sạch, đẹp”, không còn cảnh lầy lội như trước. Nhờ đường sá đi lại thuận tiện nên hàng nông sản chúng tôi làm ra không bị tư thương ép giá...

Cùng với việc tập trung xây dựng giao thông, cơ sở hạ tầng, trong những năm qua, huyện Sa Thầy cũng đã đẩy mạnh phát triển sản xuất nhằm tăng thu nhập cho người dân. Lãnh đạo huyện Sa Thầy quyết liệt chỉ đạo các địa phương và các phòng, ban liên quan đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, thâm canh tăng vụ, khai thác triệt để quỹ đất có khả năng canh tác, tích cực đưa các giống mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tự nhiên của địa phương vào sản xuất. 

Ngoài việc đầu tư phát triển sản xuất lúa truyền thống, huyện Sa Thầy khuyến khích bà con nông dân đẩy mạnh các mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, trồng các loại nấm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đối với các loại cây trồng, vật nuôi mới có chất lượng cao nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững...

Trong năm 2017, UBND huyện Sa Thầy đã chỉ đạo triển khai nhiều mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp như: Mô hình trồng 20ha cây sa nhân tím dưới tán rừng, mô hình trồng 20ha cây cà phê xen cây đinh lăng, mô hình trồng 5ha cây bơ xen đinh lăng, mô hình trồng thuần 20ha cây cà phê vối, mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGap... Hiện các mô hình đang phát triển tốt, được người dân hưởng ứng và kỳ vọng sẽ mang lại thu nhập cao...  

Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy - Nguyễn Ngọc Sâm cho biết: Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Sa Thầy luôn đoàn kết, vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao. Nếu như 10 năm trước đây, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Sa Thầy đạt khoảng 7 triệu đồng/năm thì đến nay đã đạt 27,09 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo khoảng 40% năm 2007, đến nay giảm còn 26,83%. Qua rà soát, không chỉ tỷ lệ hộ nghèo mà hầu hết các chỉ tiêu khác trong năm 2017 đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Đến nay, huyện Sa Thầy đã có 2 xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; 1 xã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới; 2 xã đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới; 1 xã đạt 8/19 tiêu chí nông thôn mới; 2 xã đạt 7/19 tiêu chí nông thôn mới; 1 xã đạt 6/19 tiêu chí nông thôn mới; 4/19 tiêu chí nông thôn mới.

Cùng với phát triển, sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục cũng được huyện Sa Thầy đầu tư đúng mức và ngày một phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần, nâng cao trình độ dân trí và chăm lo sức khỏe người dân. Trường lớp được quan tâm đầu tư mở rộng, đã xóa phòng học tạm, phòng học mượn theo phương án sắp xếp hệ thống trường lớp học trên địa bàn huyện. Chất lượng khám chữa bệnh tiếp tục được nâng lên. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, chăm lo các gia đình chính sách, công tác thông tin phục vụ nhu cầu của người dân được quan tâm, chú trọng...

Phát huy những thành tựu đã đạt được của trong thời gian qua, bước sang năm mới 2018, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sa Thầy tiếp tục phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tạo bước đệm vững chắc để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - văn hoá, xã hội, quốc phòng - an ninh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.

Với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị ở huyện Sa Thầy, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, chúng ta hoàn toàn có thể tin “con đường đổi mới để phát triển” ở Sa Thầy sẽ tạo nên những sức bật mới trong một mùa Xuân mới 2018 làm nên sắc xuân tươi rạng ngời.

Đắc Vinh

.

Chuyên mục khác