Sa Thầy thực hiện tốt chính sách dân tộc

14/06/2024 14:15

Huyện Sa Thầy có 11 xã, thị trấn, dân số 56.125 người, trong đó đồng bào DTTS có 32.428 người, chiếm tỷ lệ hơn 57%. Những năm qua, huyện luôn nỗ lực thực hiện tốt chính sách dân tộc, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống cho người dân.

Thời gian qua, huyện Sa Thầy đã tập trung triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc trong vùng đồng bào DTTS; ưu tiên các lĩnh vực phát triển hạ tầng cơ sở, thông tin truyền thông, y tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo; có giải pháp giải quyết cơ bản vấn đề đất ở, đất sản xuất; chủ động chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; lựa chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, có giá trị kinh tế để hỗ trợ đồng bào DTTS đưa vào trồng, chăn nuôi gắn với giải quyết đầu ra cho sản phẩm; động viên, khuyến khích đồng bào DTTS tích cực lao động, sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững.

Riêng 5 năm qua, huyện đã triển khai thực hiện 21 chương trình, chính sách, với tổng vốn thực hiện hơn 2.055 tỷ đồng. Hầu hết các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước được đầu tư trên địa bàn huyện Sa Thầy đều phát huy hiệu quả.

Biểu dương, tôn vinh người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Ảnh: Y.Đ

 

Nhờ đó, đến nay 11/11 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 11/11 xã, thị trấn có đường liên thôn được bê tông hóa; 64/64 thôn, làng sử dụng điện lưới quốc gia, 100% hộ dân được sử dụng điện; 100% thôn, làng đồng bào DTTS tại chỗ đã có nhà rông làm nơi sinh hoạt cộng đồng; 93% hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 7 thôn, làng được công nhận thôn, làng nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS, 4 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu; các dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục, chăm lo đời sống cho các hộ đồng bào DTTS được quan tâm triển khai thực hiện kịp thời.

Ngoài ra, hàng loạt đề án, mô hình được triển khai thành công, như Đề án Cải tạo vườn tạp (quy mô 997 hộ/165,22 ha, tổng vốn thực hiện hơn 8 tỷ đồng); Đề án Khai thác tiềm năng, lợi thế nuôi trồng thủy sản trên các lòng hồ thủy điện Ia Ly, Plei Krông (quy mô lũy kế là 78 lồng nuôi, sản lượng đạt trên 100 tấn/năm, với tổng vốn thực hiện hơn 1,5 tỷ đồng); 20 mô hình khuyến nông (với quy mô 186,9ha, tổng vốn thực hiện hơn 7 tỷ đồng).

Các đề án, mô hình này đã góp phần làm thay đổi nhận thức, giúp bà con nhân dân từng bước biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, góp phần cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững.

Đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Sa Thầy mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững. Ảnh: Y.Đ

 

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS trên địa bàn huyện được thực hiện tốt. Trong đó, các lễ hội, phong tục truyền thống tốt đẹp của các DTTS được giữ gìn và phát huy như là lễ “Cầu an”, “Bỏ mả”, “Mừng lúa mới”, “Mừng nhà rông mới”, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như cồng chiêng, múa xoang, múa chiêu, hát giao duyên; các ngành nghề truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ từng bước được bảo tồn và phát triển. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được quan tâm, với 1.439 lao động được đào tạo; việc bố trí, giới thiệu, giải quyết việc làm đã được quan tâm, đến nay đã có 29.864 lao động có việc làm (trong đó 16.980 lao động là người DTTS).

Việc thực hiện tốt chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng giúp huyện Sa Thầy giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 xuống còn 6,99%; giảm tỷ lệ hộ nghèo DTTS xuống còn 11,29%; nâng thu nhập bình quân đầu người lên hơn 51 triệu đồng, tăng 1,36 lần so với năm 2019. An ninh chính trị được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là đồng bào DTTS từng bước cải thiện và nâng cao, khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và các vùng trong huyện được rút ngắn.     

Y Đô

Chuyên mục khác