Sa Thầy: Hiệu quả chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

21/12/2018 13:06

Thời gian qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn tại Sa Thầy đã tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng lao động nông thôn cũng như chất lượng nguồn nhân lực của huyện, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, tạo việc làm, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng hiệu quả và bền vững.

Năm 2015, từ vốn kiến thức học được nhờ được tham gia lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê, bà Y Kher, làng Kram, xã Rờ Kơi đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư trồng cà phê. Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, diện tích cây trồng của gia đình phát triển và năm nay cho thu hoạch được hơn 10 tấn quả tươi.

Không may mắn như nhiều người khác, khi sinh ra, anh Trần Đình Nghĩa, thôn 2, xã Sa Sơn đã bị khuyết tật vận động. Tuy nhiên, anh được chính quyền địa phương, nông trường cao su Sa Sơn tạo điều kiện hỗ trợ tham gia lớp học nghề cạo mủ cao su để nâng cao tay nghề. Chỉ với 1 tháng học cộng với tinh thần không ngừng học hỏi, tay nghề của anh Nghĩa đã được nâng lên rõ rệt, đảm bảo về kĩ thuật, sản lượng mủ tăng.

 Anh Nghĩa chia sẻ: Do bị khuyết tật nên trước kia tôi chỉ làm việc nhà, nhưng sau khi được học nghề cạo mủ cao su, tay nghề tôi đã nâng lên đáng kể. Nhiều người trong thôn đã thuê tôi đi cạo mủ cao su, nhờ thu nhập 6 triệu mỗi tháng, cuộc sống của gia đình cũng đỡ vất vả hơn.

Nhân dân Rờ Kơi phát triển cao su. Ảnh: T.N

 

Qua đó có thể thấy, sau khi học nghề, các lao động đã bước đầu áp dụng được kiến thức, kỹ năng mới vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp, nông thôn, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần vào xây dựng Chương trình nông thôn mới của địa phương.

Từ năm 2010 đến nay, UBND huyện Sa Thầy đã chỉ đạo ngành chuyên môn, phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề, mở hàng trăm lớp đào tạo nghề cho hơn 2.000 lao động nông thôn; trong đó lao động là DTTS chiếm trên 70%, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng trăm lao động vay vốn giải quyết việc làm.

Bên cạnh việc phát huy thế mạnh của địa phương trong sản xuất nông nghiệp, huyện Sa Thầy cũng đã ưu tiên các nguồn ngân sách để khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống như nghề bó chổi đót, dệt thổ cẩm… để thúc đẩy kinh tế phát triển. Đặc biệt, thực hiện tốt việc liên kết với các công ty, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đến nay toàn huyện có hàng trăm lao động nông thôn có việc làm thường xuyên tại các doanh nghiệp này và đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài.

Qua công tác đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm, hầu hết người dân đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị thu nhập. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện chiếm trên 47%, gần 90% lao động nông thôn có việc làm thường xuyên. Qua đó, đã thực hiện tốt công tác xóa nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Thời gian tới, huyện Sa Thầy tiếp tục chỉ đạo các ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền thanh niên tham gia các khóa đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức hội nghị tư vấn việc làm và xuất khẩu; hỗ trợ người lao động tiếp cận vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, xuất khẩu lao động…   

                                             Trang Nhung

Chuyên mục khác