Sa Thầy: Giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm

19/02/2023 13:17

Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 18/3/2022 “về tăng cường sự lãnh đạo tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh” (Chỉ thị số 13) gắn với Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24/2/2021 “về triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến nay, toàn huyện Sa Thầy xây dựng 17 mô hình, có 612 hộ tham gia, với tổng kinh phí gần 33,7 tỷ đồng.

Bà Y Sâm- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 13 gắn với Cuộc vận động, Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng kế hoạch, lãnh đạo các chi bộ, đảng bộ, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức phổ biến, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện. Nhờ đó, đến nay bước đầu làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con trong việc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất, góp phần xóa nghèo bền vững.

Điển hình như mô hình “Nuôi heo sọc dưa và heo thương phẩm” đầu tư 440,8 triệu đồng mua 297 con heo giống cho 73 hộ DTTS nuôi. Trong đó, Tổ Tỉnh ủy viên phụ trách địa bàn huyện hỗ trợ 22 con trị giá 80 triệu đồng; Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ 36 con trị giá 75,6 triệu đồng; Hội Nông dân huyện hỗ trợ 4 con trị giá 10 triệu đồng; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện hỗ trợ 6 con trị giá 7,2 triệu đồng; các xã và thị trấn huy động hỗ trợ 20 con trị giá 35 triệu đồng; các hộ dân mua 209 con trị giá 233 triệu đồng. Hiện nay, đàn heo còn 280 con, đạt tỷ lệ sống và sinh trưởng đạt 94%.

Cán bộ thị trấn Sa Thầy hướng dẫn người dân trồng rau quả sạch. Ảnh: H.N

 

Hay như các mô hình về trồng trọt cũng phát huy hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình liên kết trồng cây cau tập trung tại xã Hơ Moong đã có 130 hộ tham gia đầu tư trên 32 tỷ đồng và trồng được trên 100 ha. Mô hình trồng cây sầu riêng Dona theo hướng VietGAP được huyện đầu tư 428,5 triệu đồng cho 59 hộ ở xã Ya Xiêr trồng 10 ha. Đến nay, cây sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 95%, chiều cao cây đạt từ 0,8-1m.

Mô hình cải tạo vườn tạp trồng ghép mít Thái Lan trồng được 3 ha tại xã Ya Ly có 13 hộ tham gia và xã Ya Xiêr 2 ha có 8 hộ tham gia, với tổng kinh phí 280 triệu đồng, đến nay, cây sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 95%, chiều cao cây đạt từ 0,8-1,2m. 

Mô hình trồng cây mắc ca ghép 1,8 ha tại xã Ya Xiêr có 8 hộ tham gia, với tổng kinh phí hỗ trợ mua giống là 18 triệu đồng (từ nguồn kinh phí vận động của UBND xã). Theo đó, các hộ trồng mắc ca chủ yếu trong vườn nhà, hiện nay, cây sinh trưởng và phát triển tốt, chiều cao cây 1-1,2m. 

Mô hình hỗ trợ trồng cây ăn quả các loại trong vườn nhà có 40 hộ trồng được 4,9 ha (cây sầu riêng, xoài, bưởi da xanh…), với kinh phí đầu tư 59,23 triệu đồng, do tổ chức, cá nhân và các đơn vị giúp xã hỗ trợ. Qua kiểm tra cho thấy, nhiều hộ gia đình đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt, vừa đảm bảo độ ẩm cho cây, vừa tiết kiệm nước và thời gian.

Mô hình trồng dược liệu, cây sa nhân tím do 7 hộ dân trồng được 20 ha tại xã Mô Rai, với tổng kinh phí 412,05 triệu đồng. Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%.

Mô hình trồng rau an toàn để cải thiện bữa ăn gia đình được Đảng ủy thị trấn Sa Thầy chỉ đạo các đoàn thể vận động 32 hộ dân làng Kà Đừ rào 700m2 vườn; các đoàn thể hỗ trợ 1 triệu đồng mua hạt giống rau. Đến nay, các hộ đều duy trì và nhân rộng lên hơn 50 hộ trồng rau...

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sa Thầy Y Sâm khẳng định: Nhờ gắn Chỉ thị số 13 với Cuộc vận động, đến nay, toàn huyện có 1.185 hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để nuôi, trồng và biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư cho phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo. 

Toàn huyện có 2.309 hộ DTTS, chiếm 28,81% số hộ DTTS của huyện có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, có mức thu nhập cao hơn mức thu nhập trung bình của người DTTS của huyện, có mô hình sản xuất ổn định, có nhà ở kiên cố và một số vật dụng thiết yếu như: máy cày, xe gắn máy, ti vi, tủ lạnh.

Thông qua việc triển khai xây dựng các mô hình gắn với việc tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp đã thu hút đông đảo người dân tham gia hưởng ứng, từ đó xuất hiện nhiều cách làm mới, sáng tạo, có sức lan toả đối với người DTTS, làm thay đổi cách thức lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững.     

Hà Nguyên

Chuyên mục khác