17/07/2020 06:03
Xuất hiện từ cuối tháng 6, đến nay trên địa bàn huyện Sa thầy đã ghi nhận 12 ca dương tính với bạch hầu, trong đó, có 6 ca bệnh và 6 ca người lành mang trùng. Trên địa bàn huyện hiện có 3/11 xã, thị trấn với 4 thôn, làng có ca dương tính với bạch hầu. Tính từ đầu năm đến ngày 13/7, toàn huyện Sa Thầy ghi nhận 14 ca dương tính với bạch hầu; trong đó có 7 ca bệnh và 7 người lành mang trùng với 4 thôn, làng có dịch.
Ông Nguyễn Kim Thái – Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết: Trước sự gia tăng nhanh số lượng các ca dương tính với bạch hầu và tình hình dịch bệnh có chiều hướng lây lan ra cộng đồng, UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Y tế phối hợp với các ngành, địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống và theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Lực lượng y tế tiến hành giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, đồng thời, khoanh vùng, kịp thời xử lý ổ bệnh. Huyện Sa Thầy cũng nhanh chóng triển khai lập các chốt chặn tại 3 làng là các ổ dịch gồm làng O, làng Trang (xã Ya Xiêr) và làng Chốt (thị trấn Sa Thầy). Lực lượng công an, bảo vệ dân phố và dân quân tự vệ được huy động để kiểm soát chặt chẽ việc ra vào vùng dịch của người dân, tuyệt đối không cho người dân trong các làng tự ý đi ra khi không có việc cấp bách, theo dõi những công dân tiếp xúc với các trường hợp dương tính bệnh bạch hầu, thực hiện phun thuốc sát khuẩn đối với phương tiện ra vào làng…Đến nay, các ổ dịch cơ bản được khống chế, nhưng các địa phương vẫn đang duy trì chốt, chặn.
|
Gần nửa tháng nay, tại 4 chốt chặn tại các lối ra vào của làng Chốt, lực lượng làm nhiệm vụ thay ca nhau túc trực 24/24 giờ để thực hiện nhiệm vụ giám sát, tuyên truyền, nhắc nhở người dân trong làng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu.
Y sĩ Hà Thị Loan (Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy) thực hiện nhiệm vụ tại chốt chặn làng Chốt (thị trấn Sa Thầy) cho biết: 256 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu của làng tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng dịch do ngành Y tế hướng dẫn. Mọi người hạn chế thấp nhất việc ra ngoài, khi có việc phải ra ngoài thì đeo khẩu trang, khai báo cụ thể nơi đi đến, tiếp xúc với ai; ở trong làng, nhà nào ở nhà đó, không tụ tập đông người để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng, tự giác uống thuốc điều trị dự phòng ngày 2 lần.
Cùng với việc tiếp nhận, điều trị các ca dương tính với bạch hầu, đến nay, Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy đã cấp 41.007 viên thuốc và 6.498 gói kháng sinh dự phòng cho 3.963 người và thực hiện giám sát uống thuốc tại chỗ của người dân. Trung tâm cũng đã tổ chức khám sàng lọc cho 2.807 lượt người có tiếp xúc gần với ca dương tính và trong vùng dịch; tổ chức phun hóa chất Chloramin B xử lý ổ dịch.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông, phổ biến để người dân nhận biết về các triệu chứng của bệnh bạch hầu, nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng chống dịch để người dân tự giác và chủ động phòng chống; tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về tác dụng, lợi ích tiêm chủng, đối tượng và lịch tiêm, từ đó, chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch…
Nhờ vậy, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, khống chế, từ ngày 8/7 đến nay không xuất hiện thêm ca dương tính với bạch hầu nào mới. Hiện tại, qua xét nghiệm, 11/12 ca dương tính với bạch hầu được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện đã có kết quả âm tính.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thịnh – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy cho biết: Mặc dù dịch bệnh đang được kiểm soát hiệu quả, song với tinh thần hạn chế thấp nhất số ca mắc, không để dịch lây lan và không để xảy ra trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu, Trung tâm Y tế cũng như các ngành, địa phương của huyện Sa Thầy vẫn hết sức cảnh giác. Sắp tới, ngay khi tiếp nhận lô vắc xin đầu tiên, Trung tâm Y tế huyện sẽ lập tức triển khai tiêm vắc xin tiêm vắc xin Td (vắc xin uốn ván- bạch hầu) cho các đối tượng theo quy định tại các xã có ca bệnh để tạo miễn dịch bền vững trong cộng đồng. Đồng thời, tiếp tục tăng cường lồng ghép chương trình tiêm chủng mở rộng với tiêm phòng bạch hầu cho trẻ em để nâng cao tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin. Tiếp tục chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch.
Bạch hầu là bệnh cổ điển, đã có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, cùng với việc tập trung khống chế, kiểm soát dịch bệnh thì việc triển khai, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tiêm phòng vắc xin cũng là giải pháp được huyện Sa Thầy chú trọng trong thời điểm này.
Thiên Hương