Sa Thầy: Chủ động phòng, chống hạn cho cây trồng

11/03/2019 13:03

Trong những năm gần đây, Sa Thầy là một trong những địa phương gánh chịu nhiều ảnh hưởng về sản xuất, đời sống do tình trạng hạn hán nghiêm trọng vào mùa khô. Vì vậy, ngay từ đầu mùa khô năm nay, để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do hạn hán gây ra, UBND huyện Sa Thầy chỉ đạo ngành chức năng tập trung thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống khô hạn cho cây trồng.

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Sa Thầy, tổng diện tích lúa gieo trồng vụ đông - xuân năm nay của huyện Sa Thầy là 666ha và trên 60ha hoa màu. Đến thời điểm này, các loại cây trồng trên địa bàn huyện đều phát triển tốt, chưa có diện tích nào bị khô hạn.

Việc điều tiết nước là một trong những biện pháp quan trọng trong công tác phòng chống hạn của Sa Thầy. Ảnh: T.H

 

Bà Tống Thị Nghĩa – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Nhằm chủ động đối phó với hạn hán, ngay từ đầu vụ, Phòng NN&PTNT huyện hướng dẫn các địa phương vận động người dân lựa chọn cơ cấu giống, thời điểm gieo cấy cho từng khu vực một cách hợp lý để hạn chế thấp nhất những tác động do hạn hán gây ra. Phòng cũng phối hợp với các xã, thị trấn rà soát những diện tích thường có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ để hướng dẫn người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây ngắn ngày, ít cần nước tưới. Vụ này, toàn huyện đã chuyển đổi được hơn 17ha đất thuộc các chân ruộng ven suối, không thuận nguồn nước sang trồng bắp, mì, rau màu hoặc trồng cỏ nuôi bò...

Dẫn chúng tôi ra thăm cánh đồng thôn Kà Đừ (thị trấn Sa Thầy), nhìn những ruộng bắp, cỏ voi, khoai lang xanh rì, bà Tống Thị Nghĩa phấn khởi kể: Nhiều chân ruộng của cánh đồng này vốn thường xuyên xảy ra thiếu nước vào cuối vụ nên những vụ trước cấy lúa thường rất bấp bênh. Vụ này, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với chính quyền thị trấn Sa Thầy vận động người dân chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày này để tránh rủi ro. Ban đầu, người dân cũng ngần ngại, phần vì muốn để ruộng cấy lấy lúa ăn, phần vì nghĩ trồng mấy loại cây màu không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thế nhưng, bây giờ đã cho hiệu quả rõ rệt, trước hết là đã tránh được hạn khi nguồn nước tưới đang ngày càng khó khăn; hiện khoai, bắp sắp cho thu hoạch còn cỏ voi phát triển rất tốt, các hộ nuôi bò không phải lo nguồn thức ăn trong mùa khô.

Cùng với việc bố trí cơ cấu giống, xây dựng lịch thời vụ một cách hợp lý, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sa Thầy tăng cường huy động người dân nạo vét kênh mương dẫn nước, khơi thông dòng chảy để chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng. Ngành Nông nghiệp huyện phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý và Khai thác các công trình thuỷ lợi Kon Tum quản lý, có kế hoạch vận hành, điều tiết nguồn nước một cách hợp lý để phục vụ nhu cầu nước tưới đảm bảo cho quá trình sinh trưởng, phát triển của các loại cây trồng. Đến nay, 26 công trình thuỷ lợi trên địa bàn huyện Sa Thầy vẫn đang phát huy tốt vai trò trong việc cung cấp nguồn nước tưới cho cây trồng.

Thực hiện tốt các biện pháp phòng chống khô hạn nên đến thời điểm hiện tại các cánh đồng đều vẫn đủ nước. Ảnh: T.H

 

Hiện tại, thời tiết bắt đầu bước vào cao điểm của mùa khô, cây lúa đang bước vào giai đoạn làm đòng, trổ bông nên giải pháp quan trọng nhất được các địa phương trên địa bàn huyện triển khai là huy động lực lượng thuỷ nông nội đồng và đôn đốc người dân thăm nom đồng thường xuyên, kịp thời phát hiện những diện tích lúa có khả năng thiếu nước, nhất là những khu vực ở cuối nguồn, những diện tích nhỏ lẻ ven suối để có sự điều tiết, bổ sung nguồn nước. Với những diện tích lúa nhận nước trực tiếp từ các hồ chứa, kênh mương thì cán bộ thuỷ nông tích cực điều tiết, phân phối nước đảm bảo hợp lý, tiết kiệm; thực hiện tốt biện pháp tưới luân phiên. Tuy nhiên, khi mực nước xuống mức thấp, việc thực hiện quy trình tưới luân phiên không đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng phát triển bình thường thì ngành Nông nghiệp sẽ ưu tiên dành nguồn nước tưới từ các công trình thuỷ lợi cho những khu vực có diện tích lúa lớn còn những diện tích nhỏ hẹp sẽ bố trí các máy bơm dã chiến để bơm nước từ các khe, dòng chảy lên tưới, hạn chế thấp nhất tình trạng thiếu nước.

Riêng đối với cây công nghiệp dài ngày, nhất là cây cà phê, huyện Sa Thầy đã và đang tiếp tục hướng dẫn người dân xây dựng các mô hình tưới nước tiết kiệm; tủ gốc giữ ẩm cho cây để tránh hạn.

Cũng theo bà Tống Thị Nghĩa, Sa Thầy là địa phương thường xảy ra hạn sớm, nhưng năm nay, đến thời điểm này tất cả diện tích cây trồng của huyện đều đang đủ nước tưới là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, từ nay đến cuối mùa khô, khả năng xảy ra hạn hán vẫn rất cao, đặc biệt, mỗi khi hạn diễn ra trên địa bàn huyện luôn rất khốc liệt nên chúng tôi đã xác định tinh thần không được chủ quan, lơ là. Cùng với người dân, các cán bộ nông nghiệp cũng rất tích cực bám đồng, theo dõi chặt chẽ việc bơm tưới, đưa nước vào ruộng...

Trong các yếu tố làm nên thành công của một mùa vụ thì nước chính là yếu tố quan trọng hàng đầu. Do đó, để đạt được mục tiêu giành thắng lợi trong vụ sản xuất đông xuân này, huyện Sa Thầy tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống hạn với quyết tâm không để một diện tích cây trồng nào bị thất thu do ảnh hưởng của hạn hán.  

Thiên Hương

Chuyên mục khác