09/07/2019 06:04
Những năm qua, huyện Sa Thầy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân các chính sách dân tộc nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động; đồng thời ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch hành động triển khai thực hiện các chính sách.
Theo đó, đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đào tạo nghề; hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo… thông qua các chương trình trọng tâm như Chương trình 135, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, Dự án giảm nghèo Tây Nguyên, Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh và định cư cho đồng bào DTTS, Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, Chính sách đặc thù phát triển kinh tế dân tộc Rơ Măm, Chính sách cho vay ưu đãi, Chương trình nước sạch nông thôn, Chương trình kiên cố hóa trường lớp học và kiên cố hóa kênh mương nội đồng…
Đẩy mạnh phát triển kinh tế, địa phương đã tập trung trọng điểm vào mục tiêu phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, dần dần hình thành các vùng chuyên canh trồng mì, lúa nước, cao su, cà phê, bời lời...; vận động nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi sử dụng giống mới trong trồng trọt và chăn nuôi.
Đối với hệ thống hạ tầng cũng được địa phương tập trung đầu tư khá đồng bộ. Đặc biệt, đến nay, hệ thống đường giao thông từ trung tâm huyện đến trung tâm các xã, thị trấn được trải nhựa 100%; các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn, nội thôn được nhựa hóa, bê tông hóa ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã tập trung ưu tiên vốn để đầu tư cải tạo, sửa chữa và xây dựng các công trình phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được triển khai tích cực. Đến nay, địa phương đã tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn cho 1.279 lao động nông thôn, trong đó có 1.150 lao động là người đồng bào DTTS; sau khi đào tạo, hầu hết các học viên đều vận dụng tốt kiến thức và có việc làm ổn định.
Sự nghiệp giáo dục và y tế phát triển khá toàn diện với cơ sở vật chất các trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng và nâng cấp. Các chính sách giáo dục cho con em đồng bào DTTS được thực hiện đầy đủ thông qua các chương trình hỗ trợ học phí, tiền ăn, hỗ trợ gạo… Mạng lưới y tế đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn.
Hệ thống cơ sở vật chất văn hóa trên địa bàn huyện Sa Thầy được quan tâm đầu tư. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao diễn ra sôi nổi, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện….
Nhờ triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc và sự cần cù, vượt khó, phát huy tinh thần đoàn kết của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, bộ mặt kinh tế - xã hội của huyện Sa Thầy có những bước phát triển vượt bậc. Thu nhập bình quân đầu người của huyện tăng từ 23 triệu đồng năm 2015 lên 35,6 triệu đồng năm 2018; số hộ nghèo là người đồng bào DTTS giảm từ 2.684 hộ (năm 2015) xuống còn 2.442 hộ (năm 2018)... Đặc biệt, đến nay, huyện Sa Thầy có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới; hầu hết các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS của huyện cũng đã đạt từ 10 - 12 tiêu chí nông thôn mới...
|
Bảo Châu