Sa Thầy: Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa

24/10/2020 06:07

Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện Sa Thầy có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS gắn phát triển du lịch ở địa phương.

Theo ông Trần Văn Tiên – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện, trong những năm qua, Phòng Văn hóa – Thông tin tham mưu UBND huyện ban hành Quyết định 64/QĐ-UBND, ngày 6/1/2017 “V/v Ban hành Đề án Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Sa Thầy gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025”; tổ chức các lễ hội đua thuyền độc mộc đầu xuân hàng năm; lập danh sách đề nghị Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú; phát động phong trào sưu tầm, hiến tặng kỷ vật chiến tranh, hiện vật văn hóa trưng bày tại Nhà rông văn hóa huyện; liên hoan văn hóa, văn nghệ dân gian các DTTS huyện; mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm... Thông qua các hoạt động này, các giá trị văn hóa từng bước được bảo tồn và phát triển.

Để hiểu rõ hơn về việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, chúng tôi về xã Hơ Moong. Là người nặng nợ với việc bảo tồn các giá trị văn hóa, ông A Thút (dân tộc Ba Na, làng Đăk Wơt) cho hay: Được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện, tôi tham gia mở được 5 lớp dạy cồng chiêng, múa xoang cho dân làng Đăk Wơk, Kơ Tol... ở xã Hơ Moong. Các làng bây giờ đều có các đội cồng chiêng lớn tuổi và đội cồng chiêng thiếu nhi. Cùng với đó, tôi nghiên cứu, sáng tác các điệu chiêng, bài hát... theo làn điệu dân ca. 

Gùi của người Gia Rai ở xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy. Ảnh: V.N

 

Các bài chiêng được A Thút sưu tầm như “Vì rượu mất người yêu”, “Con chim lợn”, “Cô gái đi xách nước giọt”, “Cùng em đi đến tận chân trời”. Về hát kể sử thi, ông ghi lại và có thể hát kể “Giông bán nồi”, “Giông ngủ trên mái nhà rông”, “Bà Trai Trăng tạo dựng đất trời”, “Bà Kẻ Kol tạo ra mặt trăng, mặt trời”. Về truyện cổ, ông có truyện “Ông Tang ăn mật ong”, “Ngăn chia thịt”, “Rít giả dạng”...

Trong việc bảo tồn và khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống, ông A Lâm - Bí thư Chi bộ thôn Kà Đừ (thị trấn Sa Thầy) chia sẻ: Trong những năm gần đây, nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, đến nay, làng Kà Đừ khôi phục nghề dệt thổ cẩm. Tổ hợp tác dệt thổ cẩm của người Gia Rai ở thôn Kà Đừ có 29 chị em. Các sản phẩm của Tổ hợp tác sản xuất nhiều là váy áo, khố, khăn choàng, mền, túi xách... Trên các sản phẩm thổ cẩm, chị em thường dệt các hoa văn, lưu giữ lại hồn cốt của dân tộc. Đồng thời, thông qua việc sản xuất thổ cẩm, Tổ hợp tác tạo điều kiện cho chị em có thêm việc làm, tăng thêm thu nhập và gắn với phát triển du lịch. 

Gắn bó với nghề truyền thống, ông A Nhưk (dân tộc Gia Rai, làng Rắc, xã Ya Xiêr) – Phó Giám đốc Hợp tác xã Hoa Plang khẳng định, việc Hợp tác xã khôi phục được các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát... là nhờ có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Các sản phẩm thổ cẩm và sản phẩm đan lát (gùi, giỏ)... luôn ẩn chứa những giá trị văn hóa của dân tộc. Việc khôi phục các giá trị văn hóa, giúp người dân tự hào về văn hóa dân tộc và góp phần xây dựng cuộc sống mới ở địa phương.

Ông Đoàn Văn Tám – Phó Chủ tịch UBND xã Sa Sơn khẳng định, thực hiện việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, trong thời gian qua, UBND xã phối hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin huyện mở các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, múa xoang, hát dân ca... Đồng thời, thông qua việc thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020 - 2025”, xã đang phối hợp với các đơn vị có liên quan phát triển nghề dệt thổ cẩm, đan lát và đã hỗ trợ 19 khung dệt thổ cẩm cho người Gia Rai ở làng Ba Rgốc. Việc phát triển này được gắn với phát triển du lịch và được người dân đồng tình hưởng ứng.

Phát huy kết quả đạt được trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, ông Trần Văn Tiên cho biết, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Sa Thầy gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025”; tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa DTTS; gắn kết chặt chẽ các hoạt động văn hóa với du lịch, tạo nguồn thu từ du lịch để bảo tồn bản sắc văn hóa; hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở đạt chuẩn theo quy định; tạo điều kiện để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa; có chính sách khuyến khích đối với những nghệ nhân làm tốt công tác giữ gìn, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác