Sa Nghĩa: Chạy “nước rút” về đích

09/03/2019 06:20

Được sự quan tâm của huyện và trước yêu cầu đặt ra trong việc xây dựng nông thôn mới, xã Sa Nghĩa (Sa Thầy) huy động các nguồn lực và sức dân chạy “nước rút” xây dựng nông thôn mới với mục tiêu phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm nay.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện uỷ, UBND huyện Sa Thầy, Đảng uỷ, UBND xã Sa Nghĩa huy động các nguồn lực và sức dân xây dựng nông thôn mới. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, việc xây dựng nông thôn mới đang góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống người dân ở nơi đây.

Đi dọc các thôn làng, ở đâu tôi cũng thấy những tuyến đường được bê tông hay láng nhựa khang trang. Trên nhiều thôn làng, nhiều hộ gia đình có ý thức chỉnh trang lại cổng ngõ ngay ngắn, cải tạo lai tạp bằng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế hơn trước. Sau vườn, trên các dãy đồi nhiều nơi cây cao su, cà phê... xanh tươi ngút ngàn. Dưới bàn tay tạo dựng của con người, bộ mặt nông thôn ở Sa Nghĩa như được tiếp thêm nguồn năng lượng mới.

Theo ông Nguyễn Văn Minh-Chủ tịch UBND xã Sa Nghĩa, mặc dù tính đến thời điểm này, xã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, với cuộc chạy đua “nước rút”, 6 tiêu chí chưa đạt ở xã đang gần “cán đích”.

Để có thể về đích, ngoài huy động sức dân, huyện và xã tranh thủ các nguồn lực đầu tư gần 5 tỷ đồng xây dựng nhiều công trình hạ tầng (giao thông, trường học...), trong đó có 5 tuyến đường bê tông và cấp phối đi các khu sản xuất ở các thôn làng. 

Đường ra khu sản xuất ở xã Sa Nghĩa được bê tông hoá. Ảnh: V.N

 

Bàn về xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Văn Đàn (thôn Nghĩa Tân) bày tỏ: So với trước đây, đời sống của người dân trong thôn có nhiều chuyển biến. Ở khu sản xuất cà phê ở thôn, gia đình tôi phát triển 6ha cà phê (5ha cà phê nhà, 1ha cà phê nhận khoán của Công ty TNHH MTV cà phê 704). Tuy nhiên, đường ra khu sản xuất là đường đất, lòng đường nhỏ, mùa mưa bị sạt lở gây khó khăn đi lại, vận chuyển vật tư và nông sản. Sản phẩm làm ra, người dân phải chịu nhiều thua thiệt. Trước yêu cầu đặt ra, người dân mong được xã quan tâm đầu tư xây dựng tuyến đường ra khu sản xuất cà phê.

Rất mừng là nguyện vọng chính đáng của người dân được chính quyền địa phương nơi đây quan tâm và đáp ứng. Khi trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Minh nói như đóng đinh: Tuyến đường ra khu sản xuất trồng cà phê ở thôn Nghĩa Tân giáp với lòng hồ thuỷ điện Plei Krông đang nằm trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới của xã trong năm nay.

Trong xây dựng nông thôn mới, khó khăn nhất là công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống người Rơ Ngao (dân tộc Ba Na) ở thôn Đăk Tăng. Tuy nhiên, được sự quan tâm của huyện trong việc hỗ trợ nhà, công cụ sản xuất (lưới, ghe thuyền đánh bắt cá), cây cà phê giống, phân bón, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất... trong những năm qua, người dân thôn Đăk Tăng đang từng bước vươn lên thoát nghèo.

Không chỉ có sự quan tâm của các cấp chính quyền mà hợp tác xã trên địa bàn cũng chung tay với người dân. Ông Thạch Ngọc Kè-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ thương mại Nghĩa Tân- đang phát triển trang trại chăn nuôi heo rừng ở thôn Đăk Tăng chia sẻ: Hợp tác xã đang xúc tiến các hoạt động hỗ trợ cho người dân thôn Đăk Tăng nuôi heo rừng sạch. Sản phẩm làm ra, Hợp tác xã sẽ bao tiêu cho dân.

Chạy “nước rút”, nhưng xã Sa Nghĩa đang có những bước đi căn cơ để giúp người dân nâng cao đời sống, về đích nông thôn mới một cách bền vững.   

Văn Nhiên

 

Chuyên mục khác