“Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm” trong cải cách hành chính

20/07/2024 14:29

Dù cải cách hành chính đã và đang được triển khai với quyết tâm cùng nỗ lực lớn của các cấp, các ngành, nhưng vẫn còn đó những vướng mắc, tồn tại cần được khắc phục. Và giải pháp hiệu quả nhất là “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”.

Cải cách hành chính (CCHC) là 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược, thực hiện mục tiêu xây dựng nền hành chính theo hướng dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.

Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh xác định mục tiêu CCHC là vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Các nhiệm vụ, nội dung CCHC được lãnh đạo thường xuyên, liên tục, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Tiếp nhận, xử lý hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: H.L

 

Vì vậy, có thể khẳng định, công tác CCHC đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ, tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Trong đó, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Trung tâm Phục vụ hành chính công và bộ phận một cửa các cấp tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong công tác tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC.

Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tiếp tục được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh đã tiếp nhận 150.863 hồ sơ thông qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, bao gồm 46.314 hồ sơ trực tuyến; 78.749 hồ sơ trực tiếp và bưu chính công ích; 5.378 hồ sơ từ kỳ trước chuyển sang.

Đến nay, đã giải quyết 125.111 hồ sơ, trong đó 122.934 hồ sơ đúng hạn và sớm hạn (đạt tỷ lệ 98,27%); 25.752 hồ sơ đang giải quyết.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là việc thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, thanh toán trực tuyến trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao. Đến nay, tỉnh đã cung cấp 990 dịch vụ công toàn trình, 373 dịch vụ công trực tuyến một phần trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 1.363/1.732 TTHC của tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Trong đó, đối với các cơ quan cấp tỉnh đã thực hiện số hóa đầy đủ thành phần hồ sơ 30.519/40.541 hồ sơ (đạt tỷ lệ 74,28%); số hóa kết quả 31.745/40.780 hồ sơ (đạt tỷ lệ 77,84%).

Cấp huyện đã thực hiện số hóa đầy đủ thành phần hồ sơ 10.389/11.870 hồ sơ (đạt 87,52%), số hóa kết quả 8.764/11.813 hồ sơ (đạt 74,19%); cấp xã đã thực hiện số hóa đầy đủ thành phần hồ sơ 41.304/48.787 hồ sơ (đạt 84,66%), số hóa kết quả 40.997/48.680 hồ sơ (đạt 84,22%).

Tiếp tục triển khai thực hiện Danh mục TTHC tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 511/QĐ-UBND ngày 8/9/2023 của UBND tỉnh. Thúc đẩy thanh toán trực tuyến phí và lệ phí giải quyết TTHC và nghĩa vụ tài chính về đất đai.       

Người dân và doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi nhất khi thực hiện TTHC. Ảnh: HL

       

Theo công bố của Ban Chỉ đạo CCHC Chính phủ, năm 2023, Chỉ số CCHC của tỉnh Kon Tum xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 12 bậc so với năm 2022; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 của tỉnh xếp hạng thứ 35/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 7 bậc so với năm 2022.

Một số chỉ số thành phần nằm nửa trên của bảng xếp hạng, như Chỉ số cải cách thể chế (xếp hạng 22/63); Chỉ số cải cách tổ chức bộ máy hành chính (xếp hạng 22/63); tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội (xếp hạng 28/63).

Tuy nhiên, quá trình  thực hiện CCHC của tỉnh cũng cho thấy những tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục triệt để. Đó là TTHC còn rườm rà; có nơi thực hiện chưa nghiêm, gây phiền hà, bức xúc; bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở một vài địa phương hoạt động chưa thực sự hiệu quả.

Đáng chú ý là một bộ phận cán bộ, công chức tại một số cơ quan, đơn vị có liên hệ trực tiếp với công dân, doanh nghiệp còn có hành vi sách nhiễu, tinh thần, thái độ làm việc chưa thật sự tích cực. Trong giải quyết công việc còn chậm chạp, có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Thực tiễn phát triển đang đòi hỏi cần sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế  cản trở quá trình CCHC, nhằm khơi thông và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phục hồi phát triển.

Và một trong những giải pháp tháo gỡ hiệu quả là phải “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm” trong thực hiện CCHC.

Nghĩa là, không thể nói và làm một cách chung chung, như vậy sẽ khó kiểm tra, khó đánh giá kết quả, mà cấp nào, ngành nào làm gì, làm đến đâu, phối hợp như thế nào, cần phải xác định rõ. Ở từng cơ quan, đơn vị cũng vậy, phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức liên quan đến CCHC.

Các sở, ngành, địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ trong công tác giải quyết TTHC. Lãnh đạo phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trực thuộc không tham nhũng, nhũng nhiễu, không gợi ý “bôi trơn” khi giải quyết công vụ đối với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đến liên hệ công tác tại cơ quan, đơn vị.   

Và nhất là hàng năm phải kiểm tra, đánh giá, biểu dương những cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân làm tốt, cũng như nhắc nhở, phê bình đối với các trường hợp chưa khắc phục được các tồn tại, hạn chế.

Hồng Lam

Chuyên mục khác