Rờ Kơi không chỉ có màu xanh lá rừng!

15/08/2016 09:26

Nhiều ngày qua, những cánh rừng, ngọn núi trên vùng đất biên cương Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) không chỉ có màu xanh của lá rừng, mà còn in dấu một màu xanh khác: màu áo xanh tình nguyện. Gần 100 đoàn viên thanh niên từ Trường Đại học Tây Nguyên, Công an tỉnh và BĐBP Kon Tum đã về đây thực hiện Chiến dịch “Mùa hè xanh tình nguyện gắn với hành quân xây dựng cơ sở”.

Những “ngôi nhà tình nguyện”

Mấy ngày nay, nhà ông A Díp (58 tuổi) ở làng Kram luôn tràn đầy niềm vui. Vợ ông - bà Y Dẻo - cứ đi ra đi vào ngắm ngôi nhà mới được sửa chữa vững chãi, lợp lại mái tôn mới rồi cười tủm tỉm. Dân làng có việc đi qua thường ghé vào nhà ông chơi và chia vui với gia đình. Ai cũng trầm trồ: Thanh niên tình nguyện tốt thật.

Còn ông A Díp thì cười sảng khoái: Tốt, tốt lắm. Tôi nói với vợ con, hay là gọi nhà mình là “nhà tình nguyện”. Y Dẻo đồng ý ngay.

Khi tôi cùng thượng úy Nguyễn Văn Đại - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Rờ Kơi) ghé thăm, ông A Díp vẫn còn hào hứng lắm. Ông chỉ lên mái nhà, nói bằng cả tiếng Hà Lăng, cả tiếng phổ thông: Các cháu thanh niên mới lợp xong tuần trước; xi măng, gạch xây tường cũng do các cháu ủng hộ và tự tay xây dựng. Nhìn các cháu sửa nhà giúp mình mà ấm trong bụng. Do tôi bị tàn tật, nhà quá nghèo nên mấy năm nay, cả nhà tôi phải sống trong ngôi nhà dột nát, nay các cháu đến đây hỗ trợ tấm lợp, giúp đỡ công sức để làm lại nhà, tôi rất mừng và cảm ơn nhiều lắm...

Cùng đi với chúng tôi, ông A Hvâng (Bí thư Chi bộ làng Kram) vừa phiên dịch giúp những câu ông A Díp nói bằng tiếng Hà Lăng, vừa góp chuyện: Nhà A Díp đông con (5 người con - PV), A Díp lại bị tàn tật, ruộng đất ít, nên gia đình thuộc diện hộ nghèo. Lo ăn hàng ngày còn vất vả, nói chi đến sửa nhà. Ngôi nhà của A Díp đã dột nát lắm rồi, ai cũng lo không biết có qua được mùa mưa này hay không. Bây giờ thì tốt rồi, được hỗ trợ xi măng và tấm lợp, các cháu thanh niên lại giúp công sửa chữa lại, dân làng mừng cho A Díp, gọi đây là “ngôi nhà tình nguyện”.

Theo tiết lộ của thượng úy Nguyễn Văn Đại, ở xã Rờ Kơi còn có mấy “ngôi nhà tình nguyện” như thế nữa... Theo chân anh, chúng tôi lần lượt đến thăm những “ngôi nhà tình nguyện” khác trong xã.

Thanh niên tình nguyện sửa nhà cho gia đình ông A Díp. Ảnh: H.L

 

Đây là nhà của vợ chồng A Lum (32 tuổi) và Y Thảo (31 tuổi) mới được hỗ trợ tôn lợp lại mái nhà đã thủng lỗ chỗ “mùa mưa ở trong nhà cũng như ngoài trời”. Cũng giống gia đình A Díp, vợ chồng A Lum thuộc diện hộ nghèo ở xã Rờ Kơi. Khi chúng tôi hỏi chuyện, A Lum xúc động quá không nói thành lời, ấp úng mãi cũng chỉ nói ra câu nhờ mọi người chuyển lời cảm ơn đến các bạn trẻ đã giúp đỡ gia đình.

Còn đây là nhà A Vông (48 tuổi) ở làng Ya Xiêng, nhà A Biu (58 tuổi) ở làng Đăk Đe và nhà Đinh Văn Số (31 tuổi) ở làng Rờ Kơi. Các hộ dân này đều thuộc diện hộ nghèo, khó khăn về nhà ở.

Không chỉ giúp đỡ về công sức, các bạn trẻ còn hỗ trợ xi măng, tôn lợp với số tiền gần 40 triệu đồng. Chỉ trong hai tuần, những ngôi nhà xập xệ, dột nát đều đã “biến mất”, thay vào đó là những “ngôi nhà tình nguyện” vững chãi, ấm cúng.

Dấu ấn màu áo xanh

Là thành viên Ban chỉ đạo hè tình nguyện nên thượng úy Nguyễn Văn Đại thuộc nằm lòng những việc làm mà các bạn trẻ đã thực hiện trong 15 ngày hành quân về Rờ Kơi (từ ngày 15-30/7). Anh nói một lèo không cần mở sổ sách: Ngoài việc sửa chữa nhà ở cho 5 hộ gia đình nghèo, ĐVTN các lực lượng tham gia chiến dịch đã tổ chức làm mới 4km đường vào các thôn Ya Xiêng, Khúc Long và Kram (xã Rờ Kơi); mở 1 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi gia súc gia cầm cho 50 ĐVTN địa phương; tổ chức ôn tập hè cho trên 1.000 lượt em học sinh từ lớp 1 đến lớp 8; về các làng cắt móng tay, rửa tay bằng xà phòng, cắt tóc cho hơn 100 em thiếu nhi.

Thanh niên tình nguyện tham gia tu sửa đường giao thông liên thôn ở xã Rờ Kơi. Ảnh: H.L

 

Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2016), các bạn trẻ đã quyên góp tiền mua 24 phần quà (300 ngàn đồng/phần) tặng các gia đình chính sách ở xã Rờ Kơi.

Để hoàn thành được từng ấy công việc trong khoảng thời gian hạn hẹp, khi vừa đặt chân đến xã biên giới Rờ Kơi, ĐVTN các lực lượng đã phân thành từng nhóm, phân công nhiệm vụ cụ thể, nhanh chóng ổn định nơi ăn ở để bắt tay ngay vào công việc. Ban ngày, khi ĐVTN lực lượng Công an và BĐBP chia thành từng tốp đến các hộ dân để giúp sửa chữa nhà ở, dọn vườn thì các bạn sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên cũng chia thành từng nhóm để làm đường, giúp các cháu nhỏ học bài; tổ chức các trò chơi dân gian...

Đêm đến, các bạn trẻ lại tỏa về từng làng, đến từng nhà tuyên truyền vận động bà con thực hiện KHHGĐ, Luật Hôn nhân gia đình; ăn ở hợp vệ sinh; giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp và phòng chống sốt xuất huyết; cấp phát tờ rơi, tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và tác hại của việc uống rượu, bia khi tham gia giao thông...

Dạy chữ cho các em nhỏ. Ảnh: H.L

 

Nói về niềm vui và vinh dự được tham gia chiến dịch, bạn Nguyễn Khắc Quỳnh Liêu - sinh viên năm thứ nhất Khoa Kinh tế (Đại học Tây Nguyên) chia sẻ: Chuyến đi này rất ý nghĩa đối với em - một sinh viên năm thứ nhất. Lần đầu tiên được sống và chung tay với bạn bè, dân làng làm những công việc em chưa bao giờ thực hiện đã giúp em nhận rõ hơn trách nhiệm của tuổi trẻ cũng như  thấy mình đang sống thực sự có ích. Em mong rằng mình sẽ được quay trở lại đây vào những mùa tình nguyện sau.

Liêu bộc bạch: Những ngày “3 cùng” với dân làng, em nhận thấy rằng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân xã biên giới Rờ Kơi còn nhiều khó khăn; đường sá giao thông đi lại vất vả; nguồn nước sử dụng hàng ngày của bà con còn thiếu và có nơi chưa đảm bảo vệ sinh... Nhưng người dân Rờ Kơi đã rèn luyện cho mình tính cần mẫn, kiên trì và quyết tâm vượt qua khó khăn. Có một câu nói mà người già thường dạy con cháu: người Hà Lăng thích làm hơn nói, mà đã nói là như dao chém đá. Em tin rằng Rờ Kơi sẽ phát triển.

15 ngày chiến dịch trôi qua nhanh chóng. Bằng những việc làm thiết thực, các bạn trẻ đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân Rờ  Kơi. Vào ngày chia tay, có những cái bắt tay thật chặt, cái ôm thật lâu và cả những lời hẹn gặp lại ở chiến dịch năm sau.

Rờ Kơi lại trở về những ngày tháng bình lặng vốn có. Nhưng mỗi mái nhà, mỗi con đường đều lấp lánh màu áo xanh tình nguyện. Và với mỗi người dân Rờ Kơi, núi rừng biên cương đã không còn chỉ một màu xanh của lá...

Hồng Lam

Chuyên mục khác