Ranh giới mong manh

21/11/2021 13:06

Khi những chốt kiểm soát dịch được gỡ bỏ, người dân từ địa phương khác về chỉ phải khai báo y tế rồi được về nhà tự theo dõi sức khỏe, và xuất hiện những ca dương tính với SARS-CoV-2 trong số đó, tôi đã băn khoăn tự hỏi: Đâu là ranh giới giữa “xanh” và “đỏ”?

Bình thường một tháng, ông Lê Ngọc Đình, hơn 60 tuổi, ở gần nhà tôi, cắt tóc một lần. Nay đã gần 2 tháng, ông vẫn chưa dám đến tiệm cắt tóc.

Mỗi lần muốn đi, đọc báo, xem tivi thấy có ca nhiễm Covid-19 mới lại thôi. Phần vì  nghĩ rằng “cắt tóc không phải là chuyện gấp”, cứ từ từ cũng được. Nhưng quan trọng hơn là  lo lắng cho an toàn của bản thân và gia đình- ông chia sẻ.

Tối hôm qua, ông Đình đi qua nhà, tôi mời vào uống nước, ông từ chối, và nói “chỉ mong tình hình yên ổn để đi cắt tóc”.

Nhưng với việc xuất hiện các ca dương tính liên tục như thế này, trong khi người về tỉnh chỉ khai báo y tế rồi được về nhà tự theo dõi sức khỏe, thì không biết đến bao giờ tôi mới dám đi cắt tóc- ông Đình trăn trở.

Đó cũng là nỗi băn khoăn của tôi!

Lập khu theo dõi sức khỏe tập trung tại xã, phường, thị trấn đối với người về từ vùng dịch là giải pháp hiệu quả hiện nay. Ảnh: H.L

 

Trong những ngày qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt. Việc chủ động triển khai Nghị quyết 128 thể hiện rất rõ trong điều chỉnh quy định về đi lại, xét nghiệm, cách ly người về/đến địa bàn tỉnh theo cấp độ dịch…

Gần đây nhất, ngày 9/11, tỉnh đã gỡ bỏ các chốt kiểm soát, chuyển thành các điểm khai báo y tế. Hàng loạt tuyến vận tải hành khách, hàng hóa đi các tỉnh, thành phố cũng được khôi phục.

Tuy nhiên, trong báo cáo ngày 17/11, Sở Y tế đánh giá, nguy cơ dịch xâm nhập, lây lan vào địa bàn tỉnh vẫn rất cao, và khó tránh khỏi, khi thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.  Trong khi một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, chưa thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.

Cùng với đó là lượng người từ các tỉnh, thành vùng dịch về lớn, trong đó đã xuất hiện nhiều trường hợp dương tính muộn sau cách ly tập trung, tái dương tính sau điều trị xuất viện, còn dương tính nhưng xuất viện. Đây cũng là nguy cơ cao làm lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.

Đọc thông tin về ca nhiễm Covid-19 cộng đồng được ghi nhận ngày 13/11 tại xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, tôi tự hỏi đâu là ranh giới giữa “vùng xanh” và “vùng đỏ”.

Đây là công dân từ tỉnh Bình Dương về tỉnh Kon Tum tự phát vào ngày 12/11/2021. Vì về từ địa phương có cấp độ dịch 1- vùng xanh, nên khi đến Điểm khai báo y tế số 1- Sao Mai (thành phố Kon Tum), A.M đã được các lực lượng chức năng hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Ngày 13/11/2021, A.M được lấy mẫu xét nghiệm giám sát cộng đồng với SARS-CoV-2, có kết quả dương tính (+) với SARS-CoV-2.

Khi tiếp cận với kết quả điều tra dịch tễ của A.M, tôi để ý chi tiết em về từ địa phương có cấp độ dịch 1- vùng xanh. Như vậy, việc em được về nhà tự theo dõi sức khỏe là đúng quy định. Và em không hề biết mình đang ủ bệnh, lại càng không biết mình lây nhiễm từ đâu, lây nhiễm như thế nào.

Thực tế trên cho thấy, ranh giới giữa vùng đỏ và vùng xanh rất mong manh, có thể “biến mất” trong phút chốc, nếu như chúng ta không có những biện pháp cần thiết để bảo vệ nó.

Cho tới bây giờ, khi mà chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ vào tỉnh đã được “chuyển đổi” thành điểm khai báo y tế được gần 10 ngày (từ ngày 9/11), tôi vẫn kiên trì ủng hộ quan điểm kiểm soát chặt chẽ, triệt để, kịp thời người đến, về tỉnh từ các vùng nguy cơ, trên nguyên tắc thông suốt, linh hoạt và không gây phiền hà.

Mỗi xã, phường, thị trấn cần có ít nhất 1 điểm khai báo y tế và xét nghiệm. Ảnh: HL

 

Trong tình hình hiện nay, việc hình thành và duy trì các khu theo dõi sức khỏe tập trung tại các xã, phường, thị trấn chính là giải pháp phù hợp để giữ được vùng xanh. Tất nhiên, đòi hỏi quá trình vận hành phải đảm bảo yêu cầu trên hết: An toàn.

Bên cạnh đó, cần đưa khâu kiểm soát dịch và dịch vụ phòng, chống dịch đến gần dân nhất. Tốt nhất là tại mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 điểm khai báo y tế và xét nghiệm.

Đối với người dân từ các tỉnh, thành có ca Covid-19 cộng đồng về địa phương, bắt buộc phải đến ngay điểm khai báo y tế và xét nghiệm. Nếu không chấp hành khai báo y tế hoặc quá 24 giờ mà chưa tự giác đi khai báo y tế thì áp dụng biện pháp cách ly tại nhà, nếu nhà không đủ điều kiện cách ly thì áp dụng biện pháp cách ly tập trung.

Các trường hợp được tự theo dõi sức khỏe phải tự viết cam kết với UBND cấp xã và tổ cộng đồng chấp hành nghiêm 5K, đeo khẩu trang đúng cách, sát khuẩn tay; tuyệt đối không giao tiếp, không tiếp xúc gần (giữ khoảng cách trên 02m) với tất cả mọi người.

UBND cấp xã, Công an xã, tổ cộng đồng thường xuyên kiểm tra, rà soát trên địa bàn để phát hiện ngay người về từ các tỉnh, thành có ca Covid-19 cộng đồng nhắc nhở khai báo y tế, quản lý, áp dụng biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

Tổ chức truyền thông sâu rộng, phù hợp để mỗi người dân, mỗi hộ gia đình hiểu, nhận thức và tham gia, chấp hành, tuân thủ các quy định phòng chống dịch. Đồng thời, nếu phát hiện hoặc tiếp xúc gần với người có đến/về từ tỉnh, thành có ca Covid-19 cộng đồng thì tự giác báo/đến ngay điểm khai báo y tế và xét nghiệm để được tư vấn biện pháp phòng, chống dịch.

Kiểm soát chặt chẽ, triệt để, kịp thời người đến, về tỉnh từ các vùng nguy cơ không vì danh xưng “vùng xanh”, mà vì an toàn của nhân dân và nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi sau gần 2 năm gian nan và chịu nhiều hy sinh để chống dịch.       

Hồng Lam

Chuyên mục khác