Rà soát, thẩm định hộ nghèo còn những bất cập

12/01/2018 13:17

​Tháng 11/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg về ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Đây là cơ hội giúp hộ nghèo tiếp cận đầy đủ hơn với các loại dịch vụ xã hội cơ bản. Tuy nhiên quá trình thực hiện rà soát, thẩm định hộ nghèo thông qua bộ công cụ xác định hộ nghèo đa chiều vẫn còn nhiều bất cập cần kiến nghị Trung ương có sự điều chỉnh phù hợp thực tế.

Năm 2017, qua công tác rà soát hộ nghèo, trên địa bàn tỉnh có 5.099 hộ thoát nghèo. Thế nhưng, cũng qua công tác rà soát, các địa phương đã phát hiệt có 178 hộ tái nghèo và phát sinh mới 2.095 hộ.

Các huyện đã có các báo cáo giải trình nguyên nhân số hộ thuộc diện trên tăng là do tách hộ, hoặc gia đình đông con, lao động chính bị bệnh hiểm nghèo, già yếu, tai nạn giao thông, thuộc diện di dân tái định cư nhưng chưa được bố trí đất ở và thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất, không biết làm kinh tế và lười lao động. 

Tuy nhiên, thực tế đi cơ sở và làm việc với lãnh đạo, cán bộ ngành Lao động Thương binh và Xã hội ở các địa phương, nhiều ý kiến phản ánh bộ công cụ điều tra có các phiếu đánh giá, tính điểm các tiêu chí về thu nhập, mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản chưa phù hợp.

Cán bộ thôn 3 xã Tân lập thăm, trò chuyện với bà Phan Thị Đũi (người ngồi ngoài cùng bên phải) - hộ nghèo già yếu neo đơn ở địa phương. Ảnh: M.T

 

Đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng hộ thoát nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều chưa hợp lý, dẫn tới hộ nghèo phát sinh mới, tái nghèo tăng và thiếu bền vững trong năm qua.

Tại thôn 3, xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy), ông Phạm Văn Hào - Trưởng thôn này chia sẻ: Thông tư 17 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định về hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, cận nghèo hằng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016-2017 khá cụ thể, nhưng các phụ lục thực hiện rà soát chấm điểm tài sản, thu thập thông tin của hộ để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục...) của hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa hợp lý khi áp dụng thực tế.

Dẫn chứng cho điều này, ông Hào đã đưa chúng tôi đến thăm hộ nghèo Phan Thị Đũi, nguyên nhân nghèo là chủ hộ già yếu và mất sức lao động.

Bà Đũi tâm sự, ở tuổi 76 không còn khả năng lao động, bản thân sống chủ yếu từ nguồn hỗ trợ của các con. Bà có hơn 5.000m2 đất sản xuất nhưng đã bạc màu nhiều năm và chỉ trồng được ít rau màu để cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Qua quan sát, tài sản trong nhà của bà Đũi không có gì. Cộng các thang điểm dưới 120 điểm, theo quy định về chỉ tiêu ước tính thu nhập hộ nghèo khu vực nông thôn, hộ bà Đũi là hộ nghèo giai đoạn 2016-2020.

Ông Hào giải thích: Tôi đưa nhà báo đi thực tế, để thấy bất cập trong xét hộ nghèo, đối với gia cảnh cụ Đũi xếp diện nghèo là quá đúng. Nhưng trong thôn vẫn có hộ nghèo khác còn bất cập, tuy nhiên căn cứ các phiếu chấm điểm theo quy định và đề xuất nhóm hộ cơ sở lại đạt.

Ông Hào nói: Trường hợp hộ anh Trần Văn T được công nhận hộ nghèo phát sinh mới 2017, bởi chiếu theo quy định hướng dẫn chấm điểm về đất đai sản xuất, hộ anh T có 5ha cao su, đạt thang điểm 15 điểm với diện tích cây lâu năm từ 5.000m2 trở lên theo quy định. Gia đình anh không có các tài sản chủ yếu trong gia đình như tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh, lò vi sóng, bình nóng lạnh, dàn nghe nhạc các loại... mà lý do gia đình giải thích là không thích mua sắm các tài sản trên. Do đó, cán bộ không có cơ sở để cộng điểm từng hạng mục trên; hơn nữa, trong năm 2017, anh T không may bị tai nạn, bị đánh giá mất sức lao động chính. Cộng gộp các phiếu điểm chấm 13 tiêu chí về thu nhập trên hộ chưa đạt 120 điểm, gia đình anh T thuộc diện hộ nghèo thu nhập khu vực nông thôn, dẫn đến hộ này mặc nhiên thuộc diện hộ nghèo.

Ông Hào nhận xét: Rõ ràng đánh giá về mặt cảm quan, bản thân anh T không thể là lao động chính, nhưng đất đai và vườn cây gia đình có người chăm sóc cho thu nhập, cũng như giá trị tài sản đất cao hơn nhà bà Đũi. Nhưng việc quy định chấm điểm tiêu chí trên ghi chung chung như thế, gây khó khăn, bất hợp lý cho việc rà soát hộ nghèo thực chất.

Ở vùng nông thôn là thế, tại thành phố Kon Tum, anh Phạm Anh Việt - cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo của Phòng Lao động Thương binh và Xã hội cũng cho hay có không ít bất cập trong điều tra và tính điểm để rà soát hộ nghèo. Phần lớn sự bất cập tập trung ở các mẫu B1, B2 (phụ lục 3) theo hướng dẫn đánh giá của Thông tư 17 Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Cụ thể, đã có trường hợp người dân (tạm gọi hộ A - PV) đến đơn vị thắc mắc có hộ kế bên làm rẫy, rất khá về thu nhập, tài sản có xe SH trị giá vài chục triệu đồng, nhưng UBND phường vẫn xác nhận hộ nghèo mới vào cuối năm 2017.

Anh Việt cho biết, sau khi có thông tin, đoàn kiểm tra của đơn vị và địa phương đã đi kiểm tra, xác nhận lại kết quả thực tế phản ánh của người dân có phần đúng, nhưng chiếu theo các quy định hộ nghèo không sai. Bởi lẽ, khi thẩm định lại các phiếu chấm điểm quy định các mục tính điểm  chưa phù hợp.

Chẳng hạn cùng là 2 hộ nghèo, nhưng hộ A thắc mắc trên có phương tiện đi lại là xe máy mang tên Ware đã được gia đình sử dụng gần 10 năm và đạt thang điểm 25 tương đương hộ nghèo mới liền kề có xe SH giá mua gần 70 triệu đồng. Hơn nữa, nhà của hộ A được người anh cho mượn ở nhờ, nhưng trong quy định chỉ miêu tả cách tính đối với nhà xây dựng vật liệu chính tường bê tông, xi măng, gỗ bền đạt 10 điểm. Hộ kế cận nhà ông A được xét là hộ nghèo thực tế có đất sản xuất 8ha trồng cà phê, cao su ở địa phương khác, nhưng trong quy định chấm điểm lại mục này không đề cập (bỏ trống). Điểm đáng lưu ý, năm 2017 gia đình có người bị ung thư gan, nên chiếu theo các quy định ưu tiên xét hộ nghèo có người bị bệnh hiểm nghèo và có tổng mức điểm phiếu thu nhập dưới 140 điểm, thì hộ này mặc nhiên thuộc diện nghèo phát sinh mới 2017.

Ông Tào Văn Hiệp – Phó trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Kon Rẫy cho rằng, các tiêu chí chấm điểm xét hộ nghèo chưa phù hợp, đôi khi có phần cứng nhắc. Trong đó, mặc định đưa ra như tiêu chí đánh giá phương tiện đi lại, sở hữu nhà, đất đai sản xuất có hoặc không...

Theo ông Hiệp, công tác đánh giá hộ nghèo cần tập trung điều chỉnh, xử lý ở các phụ lục tiêu chí kèm theo tập trung thẩm định giá trị thu nhập, tài sản thực tế còn sử dụng được và hiện có của chính cá nhân trong hộ gia đình mới đánh giá phù hợp, sát với thực tế là đối tượng nghèo, hay cận nghèo.

Với những bất cập có thể dẫn đến công tác triển khai giám sát, thực hiện công tác giảm nghèo đa chiều không đạt hiệu quả như mong muốn, rất cần các ngành chức năng sớm tham mưu tỉnh đề xuất Trung ương có sự điều chỉnh, tháo gỡ.

Mai Trâm

Chuyên mục khác