Ra quân dọn rác “vườn nhà’’

25/03/2024 06:03

Tôi hơi ngạc nhiên khi biết đoàn viên thanh niên của một cơ quan hô hào ra quân hưởng ứng Tháng Thanh niên bằng việc dọn rác ngay trong… khuôn viên cơ quan mình.

Sáng ngày nghỉ cuối tuần, chú em vội chở đứa con nhỏ ghé qua nhà gửi để xuống cơ quan dọn vệ sinh.

Thế cô ấy đâu?- tôi hỏi. “Cũng ra quân dọn vệ sinh hưởng ứng Tháng Thanh niên ở cơ quan rồi anh ạ”- chú em trả lời, giọng không mấy vui.

Hưởng ứng Tháng Thanh niên bằng những việc làm thiết thực, như ra quân dọn vệ sinh môi trường, là điều nên làm và cần làm. Sao thấy chú có vẻ không vui thế? Tôi bất bình hỏi. 

Em biết. Và em tham gia với tất cả trách nhiệm và nhiệt huyết của một đoàn viên. Nhưng chỉ băn khoăn ở chỗ là đoàn viên cơ quan em lại ra quân dọn dẹp rác ngay trong khuôn viên cơ quan em. Như thế có vẻ không hợp lý lắm- cậu ta lầm bầm. 

Chung tay dọn rác. Ảnh: H.L 

 

Ơ, vậy cũng tốt mà. Nếu trong khuôn viên cơ quan có nhiều rác thì ra quân dọn dẹp cũng là hợp tình hợp lý. Đừng nói với tôi là chú cho rằng, chỉ có đi dọn vệ sinh ở đâu khác thì mới là ra quân đấy nhé- tôi “chỉnh”.

Chú em giải thích: Em không nghĩ vậy. Nhưng em cho rằng vô lý ở chỗ, tại sao hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng không tự giác dọn rác, phát cỏ trong khuôn viên cơ quan, đơn vị? Sao mỗi người không nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi? Để rồi lại tổ chức ra quân lụi hụi dọn rác trong “vườn nhà”.

Nghe vậy, tôi nhớ lại những bức ảnh đăng tải trên facbook về hoạt động ra quân hưởng ứng Tháng Thanh niên của đoàn viên thanh niên một cơ quan nọ bằng việc dọn rác ngay trong… khuôn viên cơ quan mình.

Mọi người vui vẻ, hăng hái cùng nhau quét dọn lá khô, giấy vụn trên sân; phát cành cây, nhổ cỏ, chất lại và đốt. Tất nhiên cũng có một số đoàn viên thanh niên xem buổi ra quân như cuộc dạo chơi, những khoảnh khắc để chụp ảnh, cuối buổi có những bức hình đẹp đưa lên mạng xã hội.

Nhìn hình ảnh ấy, trong đầu tôi cũng bật lên câu hỏi, vì sao sân vườn cơ quan ngập cỏ, rác thải vương vãi khắp nơi, chủ yếu là nilon, dù người ra người vào hàng ngày?

Sẽ tốt biết mấy nếu hàng ngày, mỗi người đi qua thấy rác thì dừng lại nhặt bỏ vào thùng, thay vì chạy xe vèo qua.

Sẽ tốt biết mấy nếu hàng tháng, đoàn viên thanh niên tổ chức phát dọn cỏ, trồng lại những cây hoa bị chết, thay vì chờ đến tháng Ba mới tổ chức ra quân dọn cỏ “vườn nhà”, rồi chụp ảnh đăng zalo, facebook.

Càng tốt hơn nếu như mỗi người nâng cao tinh thần tự giác gìn giữ vệ sinh môi trường, không vứt rác bừa bãi; chăm bón cây xanh mỗi ngày.

Bởi vậy, tôi cũng thấy không hợp lý khi tổ chức hoạt động ra quân chỉ để dọn rác ngay trong “vườn nhà”.

Giữ gìn vệ sinh cơ quan, công sở cần được thực hiện hàng ngày, thay vì chỉ chờ đến ngày ra quân. Ảnh: HL 

 

Phải nói rằng, những ngày này không khí ra quân hưởng ứng Tháng Thanh niên đang rộn rã khắp nơi, với những hoạt động sôi nổi và thiết thực của tuổi trẻ. Chúng gợi cho tôi nhớ lại ngày tháng tuổi trẻ sôi động, nhiệt huyết và tràn đầy hoài bão, khát vọng cống hiến.

Khi tôi học cấp III chưa có Thứ 7 tình nguyện, Chủ nhật xanh, Mùa hè xanh, Mùa hè tình nguyện, nhưng bất cứ hoạt động nào của nhà trường, của địa phương đều mang dấu ấn Đoàn thanh niên.

Con đường Thanh niên thẳng tắp, trải nhựa phẳng lì nối trường học với Quốc lộ 45 dài gần 3km là do chúng tôi hì hụi chở đất đồi về đắp suốt 3 tháng hè ròng rã, vượt qua ruộng lầy.

Vào đại học, giữa bộn bề khó khăn, tôi cứng cáp lên qua các hoạt động Đoàn. Chúng tôi cùng nhau nêu cao tinh thần quyết tâm, không ngại khó, không ngại khổ; luôn đoàn kết, nỗ lực học tập, tích cực tham gia hai phong trào lớn là “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước” do Đại hội đại biểu Đoàn toàn quốc lần thứ VI (1992) phát động và triển khai.

Từ năm 1999, tôi đi làm. Cùng các đồng nghiệp trẻ tuổi, tôi tiếp tục sống những tháng ngày sôi động.

Với màu áo xanh trên mình, tôi tham gia tuyên truyền quản lý bảo vệ rừng ở những ngôi làng nằm chênh vênh trên đỉnh núi; gieo hạt giống rau ở những mảnh vườn chót cùng biên giới; trao quà cho học sinh nghèo ở mái trường giữa rừng sâu.

Tất nhiên, cùng với đó, chúng tôi dành nhiều thời gian chăm chút cho “ngôi nhà thứ hai” của mình. Mỗi chiều cuối tuần làm việc, chúng tôi đều tập trung dọn dẹp trong phòng, ngoài sân; trồng hoa, dọn cỏ, chăm cây. Không có tình trạng xả rác bừa bãi trong khuôn viên.  

Thật vui là trải qua nhiều thế hệ đoàn viên, cho đến hôm nay, các bạn trẻ cơ quan tôi vẫn giữ được “nếp nhà”, khi đều đặn dọn dẹp vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan, chứ không chờ đến khi tổ chức được một lễ ra quân.

Tôi không phản đối những lễ ra quân. Khởi đầu công việc với một chút khí thế để làm việc hăng say hơn là điều hay.

Về bản chất, hoạt động ra quân có tác động mạnh mẽ lên ý thức của mỗi người, để từ đó lan tỏa tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm và gây dựng môi trường mà ở đó mỗi người đều thấy rõ trách nhiệm của mình.

Không có một mô hình ra quân chuẩn để áp dụng chung cho tất cả tổ chức cơ sở đoàn. Nhưng hoạt động ra quân đúng nghĩa sẽ không bao giờ là màn phô diễn, khoe khoang. Mà phải là nơi tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết tuổi trẻ được phát huy mạnh mẽ nhất.

Mọi người chắc sẽ đồng ý với tôi rằng, giá trị của các hoạt động ra quân là ở sự lan tỏa khí thế, tinh thần. Qua đó, tuổi trẻ biết tự giác và trách nhiệm.

Tuy nhiên chúng ta không nên biến nó trở thành một hình thức hô hào, biểu dương lực lượng gây tốn kém tiền của và thời gian mà hiệu quả thật sự không cao.

Như hoạt động ra quân dọn rác trong “vườn nhà” vậy. Sẽ khó tránh khỏi suy nghĩ “cứ để đấy, hôm nào tổ chức ra quân sẽ dọn luôn” khi thấy một bịch rác nằm trên bãi cỏ.

Hồng Lam

Chuyên mục khác