Quyết tâm ngăn chặn hiệu quả bệnh bạch hầu

01/07/2020 06:06

Để chủ động phòng tránh bệnh bạch hầu, người dân cần đưa trẻ đi tiêm ngừa vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch; thực hiện biện pháp vệ sinh cá nhân và môi trường sống; khi có dấu hiệu hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, cần tự cách ly và đến cơ sở y tế để được khám, cách ly, điều trị kịp thời.

Theo thống kê của Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 8 trường hợp mắc bệnh bạch hầu; trong đó, thành phố Kon Tum có 1 trường hợp,  huyện Đăk Hà có 1 trường hợp, huyện Đăk Tô có 4 trường hợp, huyện Sa Thầy có 2 trường hợp và 1 trường hợp người lành mang trùng tại huyện Sa Thầy.

Tính đến ngày 23/6, 5 trường hợp mắc bệnh bạch hầu đã được điều trị khỏi, các ổ dịch được xử lý, khống chế kịp thời và đã qua 14 ngày không phát hiện trường hợp mắc mới, kết thúc ổ dịch. 3 trường hợp mắc mới được phát hiện vào ngày 24/6 và kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh bạch hầu ngày 28/6 gồm: 1 bệnh nhân sinh năm 2009, ở thôn 5 và 1 bệnh nhân sinh năm 1995, ở  thôn Đăk Kan Peng (xã Diên Bình,huyện Đăk Tô), 1 bệnh nhân sinh năm 2010, ở làng O (xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy).

Người dân cần cho trẻ tiêm chủng đầy đủ theo khuyến cáo của ngành Y tế. Ảnh: TH

 

Bác sĩ Võ Văn Thanh - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Với quyết tâm ngăn chặn hiệu quả bệnh bạch hầu, không để phát sinh, lây lan các ổ dịch mới, Sở Y tế kịp thời chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện Đăk Tô và Sa Thầy phối hợp với chính quyền địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp khống chế các ổ dịch. Theo đó, tại các vùng có ổ dịch, ngành Y tế yêu cầu người dân hạn chế đi lại vùng dịch, cách ly điều trị các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh; thực hiện điều tra dịch tễ, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần, lấy mẫu xét nghiệm; vệ sinh môi trường, phun hóa chất xử lý ổ dịch bằng Chloramin B; dùng kháng sinh dự phòng cho các đối tượng tiếp xúc. Ngành y tế cũng đang tập trung tổ chức khám sàng lọc để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, mắc mới nhằm cách ly, điều trị kịp thời; triển khai kế hoạch tiêm chủng cho các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng và tiêm vắc xin Td (uốn ván - bạch hầu) cho người dân; truyền thông, khuyến cáo về biện pháp phòng chống dịch bệnh bạch hầu cho người dân tại địa bàn các xã có ổ dịch.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang tập trung hướng dẫn các cơ sở y tế triển khai tiêm vét, tiêm bổ sung vắc xin Quinvaxem cho trẻ em từ 2 tháng đến dưới 12 tháng tuổi, tiêm vắc xin DPT4 cho trẻ em từ 18 tháng đến 48 tháng tuổi, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 95%

Các bệnh viện, cơ sở điều trị chuẩn bị sẵn sàng các khu vực cách ly để tiếp nhận, cách ly và điều trị hỗ trợ người bệnh nghi ngờ, chuẩn bị các cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất diệt khuẩn, đặc biệt là phương tiện phòng hộ cá nhân để phục vụ tốt việc thu dung, cách ly, điều trị các ca bệnh nghi ngờ và phòng chống lây nhiễm trong cơ sở khám chữa bệnh, hạn chế di chứng và tử vong do bệnh bạch hầu gây ra.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.  Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, nhất là trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

Theo bác sĩ Võ Văn Thanh, hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ trong cộng đồng, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. Do vậy, để chủ động phòng tránh bệnh bạch hầu, người dân cần đưa trẻ đi tiêm ngừa vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu DPTVGB-Hib và DPT4 đầy đủ, đúng lịch. Các biện pháp vệ sinh cá nhân và môi trường sống như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng cũng có tác dụng trong việc phòng tránh bệnh bạch hầu.

 Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, người dân cần tự cách ly và đến cơ sở y tế để được khám, cách ly, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp chuyên môn của ngành Y tế, mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng tránh bệnh, tuyệt đối không chủ quan trước dịch bệnh để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của bản thân mình và cả cộng đồng.           

Thùy Hương

Chuyên mục khác