Quyết tâm hiện đại hóa nền hành chính

25/12/2021 13:02

Trong những năm qua, tỉnh ta đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động quản lý nhà nước. Với quyết tâm hiện đại hóa nền hành chính, nhiều phần mềm quản lý được triển khai hiệu quả, nhất là phần mềm quản lý văn bản và điều hành (VNPT-iOffice). Trong đó, Cổng thông tin điện tử tỉnh (TTĐT) và trang TTĐT các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cung cấp đầy đủ, thường xuyên thông tin phục vụ nhu cầu tìm hiểu của cá nhân, tổ chức.

Thực hiện Quyết định số 507/QĐ-UBND, ngày 21/7/2020 “về Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 2.0” và Kế hoạch số 1064/KH-UBND, ngày 1/4/2021 “về ứng dụng CNTT, phát triển chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh năm 2021” của UBND tỉnh, năm 2021, UBND tỉnh duy trì, phát huy các hợp phần của Trung tâm điều hành thông minh tỉnh.    

Đồng thời, UBND tỉnh đã triển khai Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) tỉnh kết nối với Trung tâm giám sát không gian mạng quốc gia; xây dựng và đưa hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh vào vận hành với chế độ báo cáo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tháng, 6 tháng, 1 năm và đang triển khai thực hiện chế độ báo cáo về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; xây dựng trục kết nối, chia sẻ dữ liệu của tỉnh theo hình thức thuê dịch vụ CNTT và đã kết nối thành công với trục kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Tiếp tục sử dụng, vận hành và khai thác có hiệu quả hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Trong đó, đã cấp tổng cộng 5.553 tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức của 22 đơn vị cấp tỉnh; 10 đơn vị cấp huyện/thành phố, 102 đơn vị cấp xã/phường/thị trấn sử dụng. Hệ thống đã triển khai kết nối liên thông vào trục liên thông văn bản quốc gia và đáp ứng yêu cầu liên thông văn bản 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, xã.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giao dịch với người dân. Ảnh: V.H

 

Hạ tầng viễn thông, CNTT tiếp tục được UBND tỉnh đầu tư phát triển, bảo đảm sử dụng có hiệu quả, chất lượng, đáp ứng phục vụ triển khai các giải pháp về CNTT và thông tin liên lạc các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Đến nay, tỉnh phát triển mạng lưới cáp quang cung cấp dịch vụ Internet cáp quang tốc độ cao đến 100% các trung tâm huyện, xã, phường, thị trấn. Việc phát triển mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp 1 và 2 đến 100% các đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã.

Các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã phối hợp với Viễn thông Kon Tum triển khai đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và hệ thống họp, hội nghị truyền hình trực tuyến. Trong đó, đã hoàn thành triển khai hệ thống họp, hội nghị truyền hình trực tuyến 4 cấp từ Trung ương đến tỉnh, huyện và một số đơn vị triển khai đến xã như ở các huyện Ngọc Hồi, Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Đăk Glei, Sa Thầy. Đồng thời, đã phát triển mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp I và II đến 100% các đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã của các cơ quan Đảng, Nhà nước hoạt động thông suốt, ổn định, bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ.

Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh đã cấp các hộp thư với tên miền @kontum.gov.vn cho các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức đảng, đoàn thể và các cán bộ, công chức, viên chức với  khoảng 7.000 tài khoản để trao đổi thông tin điện tử trên môi trường mạng. Việc sử dụng hộp thư điện tử công vụ trong công tác xử lý văn bản đã giúp cho các đơn vị tiết kiệm thời gian, chi phí; công việc được xử lý nhanh, đảm bảo tiến độ, đảm bảo vấn đề an toàn an ninh thông tin. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.979 chứng thư số chuyên dùng; trong đó, 1.535 chứng thư số cá nhân, 444 chứng thư số tổ chức. Tỷ lệ văn bản có ký số trao đổi trên môi trường mạng được nâng lên, trong đó qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành iOffice của các đơn vị đạt hơn 98%.

Đến nay, 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và đơn vị hành chính cấp huyện có trang TTĐT, liên kết vào Cổng TTĐT của tỉnh. Qua đó, đã cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, các chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; thông tin, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh; đăng tải danh mục thủ tục hành chính trong các lĩnh vực; cập nhật, đăng tải tin tức của ngành, địa phương, trong tỉnh, trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức triển khai bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin theo mô hình “4 lớp”. Trong đó, lớp 1 “lực lượng tại chỗ” là thành viên tổ giúp việc Ban Chỉ đạo về Chính quyền điện tử tỉnh; các lớp 2, 3, 4 còn lại và nhiệm vụ triển khai trung tâm giám sát, điều hành, an toàn, an ninh mạng hiện đang nghiên cứu phương án triển khai thí điểm giải pháp của doanh nghiệp trên cơ sở đánh giá sự phù hợp.

Nhờ đó, tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 39/39 sở, ban, ngành, UBND các huyện và các đơn vị thuộc sở công bố áp dụng, duy trì có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001; có 102 cơ quan cấp xã đã công bố áp dụng, duy trì có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001.  

Vĩnh Hà

Chuyên mục khác