Quyết liệt hơn, thực chất hơn trong cải cách hành chính

28/09/2023 13:21

Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh, cần quyết liệt hơn nữa, thực chất hơn nữa trong những tháng cuối năm.

Những kết quả đáng ghi nhận

Báo cáo số 332/BC-UBND ngày 22/9 của UBND tỉnh đánh giá, cải cách hành chính (CCHC) luôn được tỉnh, các sở ngành, địa phương xác định là đột phá chiến lược trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nhiệm vụ chính trị hàng năm.

Từ đó thường xuyên chỉ đạo, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá về các kết quả đạt được trong CCHC nói chung, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nói riêng.

Hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống công nghệ thông tin tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện. Hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Kon Tum. Đã cung cấp 720 dịch vụ công toàn trình, 702 dịch vụ công trực tuyến một phần trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 1.377/1.711 TTHC của tỉnh (đạt 80,48%). 

100% TTHC được công bố, công khai đầy đủ, đúng hạn và các hồ sơ TTHC tiếp nhận, giải quyết tại các cơ quan, đơn vị được theo dõi trạng thái xử lý trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp có thể giám sát, đánh giá quá trình thực hiện.

Tiếp tục đổi mới phương thức, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức hành chính đảm bảo thực chất, hiệu quả. Ảnh: HL

 

Kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, dịch vụ công được tăng cường, đi cùng đổi mới phương thức, lề lối làm việc. Kiên quyết xử lý theo đúng quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tự ý đặt ra TTHC không đúng quy định hoặc để chậm, muộn nhiều lần.

Ông Trịnh Văn Minh- Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Ủy viên thường trực Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận, chuyển đổi số được triển khai toàn diện, thực chất, sâu rộng, nhất là trong tiếp nhận, giải quyết TTHC.

Tỉnh đã hoàn thiện việc xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết TTHC, tiến tới bảo đảm 100% TTHC đủ điều kiện thuộc thẩm quyền giải quyết có thông tin, dữ liệu tại Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Mặt khác, tiếp tục thực hiện tích hợp, công khai và đồng bộ thông tin tiếp nhận các dịch vụ công trực tuyến trên nhiều hệ thống- ông Trinh Văn Minh cho hay.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công. Ảnh: HL

 

Số liệu từ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho thấy, đến nay, đã công bố, công khai 30 TTHC nội bộ trên địa bàn tỉnh; triển khai rà soát, đơn giản hóa đối với 30 TTHC nội bộ đã được công bố, kết quả đã phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với 6 TTHC nội bộ thuộc 3 lĩnh vực (Nội vụ, Văn phòng và Khoa học, công nghệ).

Một điểm sáng nữa là phương thức chỉ đạo, điều hành tiếp tực được hiện đại hóa, thông qua đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh. Chỉ tính riêng trong quý III/2023, tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của toàn tỉnh hoàn toàn dưới dạng điện tử tiếp tục đạt trên 99%.

Tiếp tục thực hiện số hóa 3 chế độ báo cáo gồm: Báo cáo 8 chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ; Báo cáo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội với 155 chỉ tiêu đã được chuẩn hóa; Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng với 143 chỉ tiêu đã được chuẩn hóa.

Quyết liệt hơn, thực chất hơn

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh, trong cải cách hành chính thời gian qua nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó nổi lên là chỉ tiêu 50% dịch vụ công trực tuyến từ xa do Trung ương giao chưa phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Đây là chỉ tiêu giao chung cho cả nước (gồm các tỉnh đồng bằng, tỉnh thành phố lớn), không có chỉ tiêu riêng cho các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa. Đặc thù tỉnh Kon Tum hơn 53% dân số là đồng bào DTTS, điều kiện kinh tế còn rất khó khăn, nhiều hộ gia đình không có điện thoại, không có các thiết bị công nghệ thông tin, do đó khó đạt được chỉ tiêu chung- Báo cáo số 332/BC-UBND của UBND tỉnh nêu.

Bên cạnh đó, các TTHC thuộc thẩm quyền cấp tỉnh giải quyết đang thực hiện trên Hệ thống của các bộ, ngành (như thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe trên hệ thống của Bộ Giao thông Vận tải; đăng ký kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chưa được kết nối chia sẻ với hệ thống tỉnh, gây khó khăn cho việc  theo dõi tình hình thực hiện về nộp hồ sơ trực tuyến, về số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy, UBND tỉnh đang tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả trong những tháng cuối năm.

Một trong những động thái cho thấy sự quyết liệt ấy là mới đây, ngày 18/9, Chủ tịch UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh. Tổ công tác sẽ giúp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về cải cách thủ tục hành chính. 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cho hay sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

Tăng cường phân cấp, ủy quyền, phân bổ nguồn lực trong thực hiện thủ tục hành chính; tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, tránh hình thức, phong trào, không thực chất, không hiệu quả.

Thực hiện công khai, minh bạch đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về thủ tục hành chính và quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, theo dõi, giám sát, đánh giá trong quá trình tổ chức thực hiện hành chính.

Hồng Lam

Chuyên mục khác