Quyết đuổi cái nghèo

03/12/2019 06:01

Mỗi người một hoàn cảnh nhưng chung quyết tâm “đuổi cái nghèo”, chị Y Vi Ta (thôn Măng La Ktu, xã Ngọc Bay) và chị Siu Bel (thôn Pleirơhai I, phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum) đã chịu khó học hỏi, mạnh dạn đổi hướng để phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc...

Những ngày cuối năm, tiệm may đồ của chị Y Vi Ta tấp nập người ra vào. Tranh thủ vừa làm vừa tiếp chuyện với khách, chị cho biết, gần Noel, bà con trong làng đặt may đồ nhiều. “Mình mới nhận may thêm 20 bộ đồ thổ cẩm. Thời gian gấp rút, mình phải làm ngày làm đêm để kịp giao trước ngày Noel. Đối với nghề này, không được làm ẩu, phải may đẹp, chất lượng, hợp “mốt” mới giữ được chân khách hàng” - chị Y Vi Ta nói.

Làm nghề may được gần 2 năm nhưng do may đẹp, giá cả lại hợp lý nên chị khá đông khách. Không chỉ may đồ bộ, đồ đi học, đi làm, tiệm của chị còn nhận may váy, áo thổ cẩm. “Trước đây công việc may vá của mình cũng bấp bênh lắm. Từ lúc được chị em các cấp Hội Phụ nữ hỗ trợ, tiệm may của mình ổn định dần và được như ngày hôm nay” - chị Y Vi Ta bộc bạch.

Sinh ra trong một gia đình làm nông với 5 anh chị em, đời sống gia đình chị Y Vi Ta gặp rất nhiều khó khăn khi cả nhà chỉ trông chờ vào rẫy mì mỗi năm thu 1 vụ. Thấy việc làm nông quá vất vả, thu nhập lại thấp, cuối năm 2010, chị Y Vi Ta tìm hiểu và quyết tâm xin ba mẹ vào miền Nam học nghề may.

Chú tâm học hành, hoàn thành khóa học trong 10 tháng, chị Y Vi Ta xin ở lại làm thợ phụ 5-6 tháng để cứng tay nghề. Cuối năm 2018, chị trở về quê hương, lập gia đình và mạnh dạn vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh mua máy may, vải để mở tiệm và trồng thêm cà phê. “Lúc mới mở tiệm, khách ít nên thu nhập bấp bênh lắm. Nhiều khi cũng nản chí nhưng suy nghĩ kỹ, mình quyết giữ nghề” - chị Y Vi Ta chia sẻ.

Chị Y Vi Ta thu nhập 3-4 triệu đồng mỗi tháng từ nghề may. Ảnh: HT 

 

Đầu năm 2019, trong một lần tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ, chị trao đổi với các chị về những khó khăn đang gặp phải trong công việc. Sau đó, chị được Hội LHPN thành phố Kon Tum động viên, hỗ trợ 2 triệu đồng; đồng thời được Hội LHPN xã Ngọc Bay làm cầu nối giới thiệu những người có nhu cầu may mặc đến ủng hộ. “Thời điểm đó gần vào đầu năm học, mình sử dụng 2 triệu đồng để mua vải, may đồ học sinh. Từ một vài bộ ban đầu, thấy mình may đẹp, người này giới thiệu người kia nên lượng khách tăng dần” - chị Y Vi Ta chia sẻ.

Lượng khách dần ổn định, đến nay, mỗi ngày, chị Y Vi Ta may được khoảng 2-4 bộ quần áo, tùy kiểu cách. Làm một mình không xuể, vừa qua, chị phải nhờ chị gái xuống cùng phụ giúp thêm. Chị cho biết, việc may mặc giúp chị có thu nhập ổn định với 3-4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, với công việc trên, chị có thời gian chăm sóc cho 2 con học hành, đồng thời tham gia đầy đủ các hoạt động của Hội Phụ nữ. “Hiện tại có một số bạn trong làng tìm đến học may nhưng do điều kiện chưa đảm bảo nên mình chưa nhận. Khi trang thiết bị, máy móc đầy đủ, mình sẽ nhận đào tạo nghề” - chị Y Vi Ta cho biết.

Cũng như chị Y Vi Ta, xuất phát điểm gặp nhiều khó khăn, nhất là cảnh nuôi 4 con nhỏ khiến đời sống gia đình chị Siu Bel (thôn Pleirơhai I, phường Lê Lợi) rơi vào cảnh thiếu trước, hụt sau. Thế nhưng, với quyết tâm không để cái nghèo đeo bám, chị Siu Bel mạnh dạn tìm hướng vươn lên.

Chia sẻ với chúng tôi, chị cho biết, trong nhiều lần đi chợ, chị quan sát thấy thị trường mua bán lan rất nhộn nhịp. Lúc đó, cùng với việc làm nông, chị nảy ra ý định kinh doanh hoa lan. Nghĩ là làm, chị tìm hiểu, mua hoa lan từ các huyện, từ Lâm Đồng về rồi học cách nhân giống, ghép vào chậu, vào thân cây gỗ lũa để bán.

Thời gian đầu, thiếu kỹ thuật, kiến thức về chăm sóc lan cũng như việc tư vấn khách hàng nên công việc của chị gặp nhiều khó khăn. Không bỏ cuộc, chị chủ động tìm đến những người có kinh nghiệm để học cách nhân giống, ghép và chăm sóc hoa lan, đồng thời vừa làm vừa rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân.

Sau nhiều lần thất bại, công việc nhân giống, bán lan dần đi vào ổn định. Năm 2017, trang bị đầy đủ kiến thức về kinh doanh cũng như chăm sóc lan, chị mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để đầu tư mở rộng vườn. “Nhờ việc kinh doanh thuận lợi nên từ khó khăn, thiếu thốn, gia đình mình đã có của ăn của để. Đến nay, mỗi tháng, trừ các chi phí, lo cho các con ăn học đàng hoàng, mình cũng để dư được vài triệu đồng” - chị Siu Bel nhẩm tính.

Không chỉ cần cù, mạnh dạn trong làm ăn, chị Siu Bel còn là tấm gương sáng trong việc xây dựng tổ ấm hạnh phúc, nuôi dạy con chăm ngoan, học giỏi. Với bà con làng xóm, chị luôn sẵn sàng chia sẻ, động viên, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình, đồng thời tích cực tham gia các phong trào của Hội.

Chị Võ Thị Châu Uyên - Chủ tịch Hội LHPN phường Lê Lợi cho biết: Chị Siu Bel luôn tương thân tương ái, sẵn sàng giúp đỡ những hội viên khó khăn cùng phát triển. Dù bận bịu nhưng chị luôn tích cực tham gia các hoạt động do các cấp Hội tổ chức. Với sự cố gắng, nỗ lực của chị, gia đình chị nhiều năm liền được công nhận là gia đình văn hóa.

Bình An

Chuyên mục khác