Quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP: ​Nâng cao ý thức người bán lẫn người mua

30/10/2018 19:22

Nghị định 115/2018/ NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm với các điều khoản chi tiết có hiệu lực từ ngày 20/10.

Trong đó, khoản 1, điều 9 quy định phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; đeo đồng hồ, vòng, lắc… và điểm c, khoản 1, điều 16 quy định phạt từ 500 nghìn đồng – 1 triệu đồng đối với hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay. Đến nay, sau 10 ngày Nghị định có hiệu lực, nhưng quy định vẫn là quy định, mọi việc dường như mọi việc vẫn đâu vào đó!

Tay không vẫn bốc

Ghé vào một quán bún ven đường Trần Phú, TP Kon Tum, chị chủ quán sau khi đon đả hỏi thực khách món ăn, liền nhanh nhảu dùng chiếc khăn (không biết đã lau qua bao nhiêu lượt (?)) lau vội vào tô, rồi dùng tay không bốc bún, chọn chọn lựa lựa cục giò, bốc thêm vài ba miếng thịt bò nạm đã thái mỏng… đặt khẽ lên tô bún. Rồi, chị chủ quán lại chuyển sang múc nước, tay không bốc hành, rắc tiêu… Vậy là một tô bún nóng hổi, hấp dẫn cả về mùi vị lẫn màu sắc được đặt trước mặt.

Hết tô này lại đến tô khác. Chẳng riêng bún, mà vì quán bán theo kiểu đủ các loại, nên từ mì quảng cho đến phở, bánh canh… đều có quy trình tương tự. Cũng chẳng ai ý kiến về chuyện chủ quán tay không bốc bánh, tay không bốc khoanh chân giò hay miếng bò nạm… Thậm chí, có những khách quen còn vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả, nói rằng, ăn riết quán này thành quen, đi đâu cũng thấy không bằng, nấu ăn ở nhà lụi cụi mất thời gian, chạy ra quán làm một tô cho nhanh gọn…

Đang vui câu chuyện, tôi liền hỏi, không dùng găng tay bốc bún bánh không sợ bị phạt à, chị chủ quán tỉnh queo, có biết có quy định như thế đâu. Mà chị bán quán bún này cả chục năm trời rồi, chị vẫn bốc bún, bánh và thịt chả như thế có sao đâu, khách  hàng không hề ý kiến gì, lại còn ăn riết thành quen, có người hầu như hôm nào cũng ăn. “Mang bao tay vướng víu, khách ít chẳng sao, khách đông thao tác chậm lắm. Mà nói thật, bao tay chắc gì đã sạch. Tôi dùng tay không nhưng giữ gìn tay chân sạch sẽ có khi còn hơn cả bao tay ấy chứ” – chị nói.

Chẳng riêng gì chị chủ một quán bún vừa nêu, chúng tôi ghé vào những quán hàng ăn chạy dọc bên hông một trường THCS trên địa bàn thành phố Kon Tum. Sáng, học trò đi học sớm, cha mẹ cho ít tiền, đến ngay gần trường, vào hàng quán ăn cho tiện. Cũng đủ các món, bánh mì, bánh cuốn… các em thích ăn món gì thì chọn món đó.

Các em vô tư gọi món. Chủ hàng không găng tay, không khẩu trang, không mũ… vừa hỏi han, vừa thoăn thoắt phục vụ. Chủ hàng bánh mì, tay không xẻ bánh, sau khi dùng muỗng quét ba tê thì lại tiếp tục tay không lấy lát chả, ít lạp xưởng, thịt, rồi bốc lát dưa leo thái mỏng, hành lá… Thậm chí, chủ hàng bánh cuốn móng tay dài, sơn đỏ chót, cũng vô tư tay không nhúng bánh, bỏ thịt, rau dưa và cuốn…

Hầu như, chẳng ai ý kiến gì về chuyện có bao tay, không có bao tay, hay sao móng tay dài thế, lại còn sơn đỏ, sao không mang khẩu trang… Người bán vẫn bán, người ăn vẫn ăn…

Ai phạt, phạt ai?

Không phải chờ đến khi Nghị định 115/2018/NĐ-CP tăng mức xử phạt tiền đối với hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín, thức ăn ngay hay đối với các hành vi để móng tay dài, không đeo khẩu trang… mà ngay từ trước, một số hàng quán ăn có tiếng trên địa bàn thành phố cũng đã chú ý đến việc giữ gìn hình ảnh, giữ gìn vệ sinh bằng việc mang găng tay khi tiếp xúc thực phẩm, giữ gìn tay chân sạch sẽ, có kệ tủ đựng thực phẩm, có sọt rác, không để giấy lau, thức ăn thừa vứt bừa bãi…

Tuy nhiên, không ít thực khách qua quan sát đã cho rằng, việc giữ gìn vệ sinh ở các hàng quán, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố chưa thực sự triệt để ở các khâu. Đơn cử như việc dùng găng tay. Lấy rau sống, cũng là thực phẩm ăn liền, nhưng các chủ quán vẫn dùng tay không bốc. Hay các chủ quán có dùng găng tay, nhưng để cho dễ dàng với công việc, chỉ mang găng tay cho một tay thuận (thường là tay phải), một tay vẫn để không lại cầm hẳn vào miệng tô và cũng sờ hẳn vào số bún bánh quanh đó. Rồi, một găng tay đó, cả buổi bán với bao nhiêu việc, từ lau dọn, lấy bún, múc nước, lấy tiền… chủ quán hết mang vào lại mang ra nên việc mang găng tay có triệt để?

Còn với những hàng quán nhỏ, bình dân lại thường theo “chủ nghĩa kinh nghiệm”, bao tay vướng víu, làm chậm công việc nên vẫn cứ tay không từ trước cho đến nay.

Như đã nói, phần lớn các chủ hàng quán khi được hỏi, không mang bao tay không sợ bị phạt à, đều cho rằng không hề biết có quy định như vậy. Có lẽ do Nghị định này (thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP) mới có hiệu lực, mà quan trọng hơn nữa là những khách hàng quen của hàng quán bao nhiêu lâu nay cũng không hề ý kiến gì về việc này.

Ai nấy đều khẳng định rằng, Nghị định ra đời nhằm siết chặt hơn nữa công tác quản lý về an toàn thực phẩm trong bối cảnh những vi phạm trong lĩnh vực này ngày càng tràn lan. Nhưng, điều mà nhiều người băn khoăn hơn cả chính là ai phạt và phạt ai?

Vì, theo thống kê của thành phố Kon Tum vào cuối năm 2017, trên địa bàn có 17/21 xã, phường có thức ăn đường phố (còn 4 xã không có thức ăn đường phố: Đăk Năng, Ngọc Bay, Đăk Rơ Wa, Chư Hreng) với 446 cơ sở kinh doanh. Điều đáng nói là qua kết quả điều tra ban đầu, chỉ có 163/446 đạt các tiêu chuẩn về kinh doanh thức ăn đường phố, chiếm tỷ lệ 36,5%; và cũng mới 356/446 cơ sở ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố.

Để Nghị định đi vào cuộc sống nâng cao ý thức người bán lẫn người mua (người ăn) vẫn là điều quan trọng. Bởi vậy, các cấp, các ngành cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền để các cơ sở kinh doanh biết, nắm rõ các quy định thì cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và hậu kiểm các cơ sở trong việc chấp hành các tiêu chuẩn về kinh doanh thực phẩm. Và một điểm không kém phần quan trọng là khách hàng cũng cần có sự chọn lựa các cơ sở kinh doanh uy tín, chú ý giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho chính mình.

Nguyên Phúc   

Chuyên mục khác