Quy chế tiếp xúc, đối thoại với nhân dân: ​Phát huy vai trò, quyền làm chủ của nhân dân

30/09/2018 07:31

​Sau 4 năm thực hiện Quyết định 1408-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa bí thư các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh, các tổ chức đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Kết quả theo dõi, thống kê của Ban Dân vận Tỉnh ủy, tính từ năm 2017 đến nay, các đồng chí bí thư, chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tiếp xúc, đối thoại 419 cuộc với 1.049 lượt tổ chức, 1.766 cán bộ công chức, người lao động và 14.967 lượt người dân tham gia.

Đồng chí Nguyễn Văn Hòa- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri xã Đăk Năng

 

Công tác chuẩn bị các nội dung trước, trong và sau tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân luôn được chú trọng, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Nội dung tiếp xúc đối thoại khá đa dạng, phong phú; được thực hiện trong không khí dân chủ, cởi mở, chân thành, vì lợi ích chung. Các ý kiến phản ánh của nhân dân đều được chủ trì lắng nghe, tôn trọng, tiếp thu, giải trình những nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết. Nhìn chung, sau các cuộc đối thoại, đa số nhân dân đều phấn khởi.

Ông Nguyễn Văn Nguyên - Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đánh giá: Sau 4 năm thực hiện Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa bí thư cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh của Tỉnh ủy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện quy chế đối thoại theo quy định và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tăng cường, đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng, tổ chức đảng và hoạt động quản lý, điều hành của các cấp chính quyền…

Cũng theo ông Nguyên, nhờ Quy chế tiếp xúc đối thoại với nhân dân giúp cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện và xã nắm được thông tin từ cơ sở, trực tiếp giải quyết vướng mắc, những vấn đề bức xúc của người dân đồng thời phân tích, giải thích để người dân hiểu rõ, tạo sự đồng thuận, sự chia sẻ của nhân dân, đặc biệt là trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án trong xây dựng nông thôn mới. Và cũng qua tiếp xúc, đối thoại, tiếp thu ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân đã giúp cho cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu nhìn nhận rõ hơn, đầy đủ hơn, khách quan hơn trong quá trình lãnh đạo cũng như điều hành công việc sát thực tế; qua đó phát huy được vai trò làm chủ của nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Thực hiện Quy chế tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, nhiều địa phương trong tỉnh được đánh giá đã triển khai thực hiện khá tốt công việc này, điển hình như huyện Đăk Hà, huyện Kon Rẫy, huyện Kon Plông…

Ông Trần Lạc - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kon Rẫy khẳng định, nhờ Quy chế tiếp xúc, đối thoại với nhân dân đã giúp cho cấp ủy, chính quyền địa phương tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc, qua đó củng cố được niềm tin của dân đối với cấp ủy đảng và chính quyền.

Ông Lạc cho biết, những năm qua, huyện Kon Rẫy luôn đảm bảo quy định 1 năm tổ chức đối thoại ít nhất 2 lần đối với cấp huyện. Cách thức triển khai thực hiện Quy chế tiếp xúc, đối thoại với nhân dân đối với cấp huyện đó là trước khi tổ chức buổi đối thoại, có thể thông báo để nhân dân chuẩn bị các nội dung cho ý kiến hoặc người dân trực tiếp có ý kiến tại cuộc tiếp xúc đối thoại. Tại các buổi đối thoại, cấp huyện và các phòng ban của huyện sẽ lần lượt trả lời các ý kiến, kiến nghị của nhân dân theo chức năng, nhiệm vụ được giao và sau đó đồng chí chủ tịch UBND huyện sẽ kết luận lại vấn đề. Đối với những vấn đề liên quan đến công tác Đảng, hệ thống chính trị, đồng chí bí thư và các cơ quan tham mưu của huyện ủy sẽ trả lời trực tiếp.

Đối với cấp cơ sở, các xã và thị trấn trên địa bàn huyện cũng tổ chức 1 năm 2 lần đối thoại. Tuy nhiên, tùy điều kiện có hình thức tổ chức đối thoại khác nhau, hoặc đối thoại tập trung tại xã hoặc có tổ chức tại các cụm thôn.

Ông Lạc cho rằng, Quy chế tiếp xúc, đối thoại với nhân dân buộc người đứng đầu và các cơ quan tham mưu của người đứng đầu phải sát văn bản hơn để từ đó thực hiện tốt công tác tham mưu và lãnh chỉ đạo các vấn đề tốt hơn; đồng thời giúp dân gần cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp hơn, qua đó đánh giá năng lực cán bộ chuẩn xác hơn. Một điều quan trọng nữa là việc trả lời trực tiếp những vấn đề bức xúc, kiến nghị của nhân dân của các đồng chí bí thư các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân giúp vấn đề phát sinh ở cơ sở được giải quyết nhanh hơn, càng tạo được niềm tin, uy tín của cán bộ lãnh đạo với nhân dân hơn.

Theo đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện việc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số xã còn lúng túng trong việc tổ chức tiếp xúc đối thoại; một số xã chưa chọn được nội dung nổi cộm để đối thoại, chỉ tập trung giải quyết các ý kiến kiến nghị của người dân; sự phối hợp giữa hội đồng đền bù và giải phóng mặt bằng với chính quyền cơ sở chưa được chặt chẽ nên quá trình tiếp xúc, đối thoại có những ý kiến liên quan đến dự án chưa được giải quyết dứt điểm; một số kiến nghị của nhân dân chưa cụ thể, thiếu căn cứ, gây khó khăn cho quá trình xem xét, giải quyết …

Ông Nguyễn Văn Nguyên cho biết, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy chế, trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp hàng năm phải xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm trong việc tiếp xúc, đối thoại cho phù hợp với từng hình thức đối thoại (định kỳ, thường xuyên, đột xuất); thực hiện tốt công tác chuẩn bị nội dung cho các cuộc tiếp xúc, đối thoại; công tác điều hành đúng trọng tâm những vấn đề nhân dân đang quan tâm, trong đó nội dung trả lời phải ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề và các ý kiến nhân dân nêu ra khi tham gia tiếp xúc, đối thoại phải được giải quyết kịp thời; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra quá trình thực hiện, nhất là đối với cấp cơ sở.

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác